Ngộ nghĩnh "chiêu trò" bé mầm non trốn học: Ngón tay con... ốm

01/06/2016 - 11:10

PNO - Đi học, buộc phải vào khuôn khổ không phải là điều thú vị gì với các bé yêu. Và các bé cũng sáng tạo ra đủ chiêu trò trốn học.   .

"Mẹ thuê người đi học cho Xún"

Vẫn là tuổi mầm non, chiêu trò của các bé  là đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, bất chấp mọi logic của người lớn. Khi bé đã quyết không đi học, cha mẹ chỉ còn cách đe nẹt.

Chị Hoàng H. (Quận 7) chia sẻ: "Bé con nhà mình 3 tuổi dạo này không thích đi học. Một hôm, mẹ chuẩn bị quần áo balo đi học rồi vào toilet vệ sinh cá nhân. Ở ngoài, nàng ta giấu đi đâu mất, rồi hùng hồn tuyên bố: "Mẹ cứ đi làm đi, Bống hôm nay ở nhà với ông''. Mẹ giải thích, vận động kiểu gì cũng không chịu, cuối cùng lại vừa khóc vừa đến lớp".

Ngo nghinh
Thỉnh thoảng, bé cứ "há..., cái gì á", lắc đầu lia lịa, mặt ngây ngô giả như không nghe được lời mẹ nhắc nhở đi học trước đó của ba mẹ.

Hay gia đình chị M. (Quận 12) cũng đau đầu: "Sau trận ốm kéo dài được ở nhà với bố mẹ thành quen, bé Xún (4 tuổi) nhà mình chán đi học. Mấy sáng nay, Xún cứ mắt nhắm mắt mở, giọng mếu máo lý lẽ các kiểu. Nào là Con ở nhà với mẹ nhớ...

Mình lý giải với Xún "Con phải đi học chứ, cũng giống như mẹ chăm chỉ đi làm đấy thôi", con mếu máo lý lẽ "Giống như kiểu mẹ bán hàng ấy, thuê nhân viên còn được đi chơi thỏa thích". Mình phì cười hỏi lại con không thấy mẹ vẫn làm đấy à, bé hồn nhiên "Bảo người ta làm cho, còn mình đi chơi thong thả". Hết đường lý giải với Xún luôn... Mỗi ngày phải đối thoại với con, mệt phờ người".

Tay con bị đau, phải nghỉ học thôi

Không chỉ chiêu trò ngộ nghĩnh, lý lẽ vòng vo, bé còn biết cách nói dối mỗi khi lười. "Bé con nhà mình vốn không thích đi mẫu giáo, khi nào bé ốm bố mẹ cho nghỉ. Để ý điều này, bé biết được, thỉnh thoảng sau đó bé giả vờ đau đầu, đau tay, đau chân... Lúc thì chìa 2 ngón tay nhỏ ra mô phỏng, 1 ngón thì cử động được, một ngón thì nức nở "Tay con bị đau... phải nghỉ học thôi". Mình quát con hư, bé ôm đùi mẹ òa khóc ăn vạ thật lớn, rồi nôn ọe đủ kiểu khiến gia đình được phen toán loạn ", chị T chia sẻ.

Anh P. còn rơi vào tình huống hài hước hơn: "Cứ buổi sáng nào được nghỉ không cần gọi bé dậy rất sớm, đi vòng quanh nhà líu lo hết chuyện này đến chuyện khác. Còn các buổi đi học, biết là con đã thức thế nhưng lúc gọi mắt bé cứ lim dim, lay đủ kiểu không động tĩnh gì, không phản ứng gì như đang ngủ say lắm.... và coi như không nghe thấy ba mẹ gọi.

Khi tỉnh hẳn rồi, thỉnh thoảng, bé cứ "há...há, cái gì á", lắc đầu lia lịa, mặt ngây ngô giả như không nghe được lời mẹ hò hét đi học trước đó. Biết là con đang dùng trò với bố mẹ nhưng vẫn chưa có cách nào để bé thay đổi".

Bắt nọn chiêu trò của bố mẹ

Chị Liên (Quận Gò Vấp) than thở "Nắm được tâm lý con, thích đi chơi, không thích đi học, gia đình mình thường lừa bé là đi chơi với mẹ, hay đi ra chợ,... bé hào hứng đi ngay.

Sau 2 lần bị lừa đưa đến nhà trẻ. Lần thứ 3, đến giờ đi học mình rủ con đi chợ với mẹ Bin ơi. Bin từ trong nhà vọng ra: "Mẹ đi chợ ngoan nha, Bin hôm nay không đi học đâu". Mẹ ngã ngửa buồn cười lại phải tìm chiêu khác".

Ngo nghinh
Ghét học mẫu giáo, nhiều bé còn khôn ranh đến nỗi ba mẹ không thể lừa được.

Có lẽ vì ở nhà được cưng chiều nhiều quá, được chơi vui, đến lớp có nhiều bạn nên ít được quan tâm bằng ở nhà nên bé Thóc nhà chị Thương (quận 12) còn "nhất quyết không cho ông đưa đi trên con đường đi học bình thường này. Dù cho đi chơi thôi cũng nhất định không chịu đi, tay một mực kéo ông la lớn "Đi đi, đi đường khác, không đi đường này". Ông kể lại mà cả nhà phì cười vì Thóc.", chị Thương chia sẻ.

Còn bé Miu (con gái 4 tuổi của anh Tr., quận 12) bị ba mẹ lừa cho đi học, bé nhất quyết không đi, song vẫn phải mếu máo, bước đi ục ịch tròn tròn mệt mỏi "Con biết ba lừa con rồi, đây là đường đi học", rồi nước mắt ngắn dài như ấm ức lắm.

"Trên đường đi nhóc con nhà mình còn tranh thủ phát hiện ra nhiều điều lý thú để kéo dài quãng đường đến trường. Ví dụ như: Đây là hoa gì? Hoa này để làm gì, làm gì để làm gì.... vân vân đủ thứ chuyện với 1 bông hoa, hay đơn giản là chiếc lá rơi có hình thù lạ, cũng được con nhặt lại coi là kho báu.

Thậm chí, có hôm Miu còn phát hiện một con bướm bị thương trên đường đi, rồi ỉ ôi, than vãn, ngồi mân mê tìm cách gói lại "chôn cất". Ba mẹ đến bất lực vì bé" nhưng nhất quyết không từ chối cách con thể hiện với những gì xung quanh".

  • Lam Thanh
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI