Ngày nào còn bên anh, ngày đó em còn vui

26/04/2021 - 09:30

PNO - Như bao người đàn ông khác, chồng tôi khi yêu cũng hứa hẹn, quan tâm tôi đủ điều, nhưng đến khi về chung một nhà thì chỉ những lần biến cố anh mới hỏi: “Bên anh, em còn vui không?”.

Đâu chỉ người trong cuộc, bạn bè gặp nhau, trao đổi về đời sống gia đình, liệu có mấy người hỏi về niềm vui khi chung sống. Thứ tự luôn là: “Thế nào, công việc vợ chồng có ổn định không?”; “Con cái định hướng thế nào? Học trường tư hay công?”; “Mỗi tháng chồng đưa lương về bao nhiêu?”; “Hắn có léng phéng bồ bịch, con giáp thứ 13 gì không?”. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Có lẽ, trong nhịp sống hối hả này, niềm vui đã sớm trở thành một món hàng xa xỉ, hoặc quá thấp nên không cần nhắc đến nữa.

Hằng, bạn tôi là cô nàng thực dụng, có lần nghe tôi nhắc đến chuyện niềm vui trong cuộc sống, bạn nói luôn: “Vui có biến thành cơm gạo được không?”. Thoạt nghe có vẻ phũ phàng, nhưng nếu tương tác nhiều thì sẽ thấy, câu trả lời ấy cũng là đáp án chung của nhiều cuộc nói chuyện. 

Cuộc sống mỗi ngày càng thêm bận rộn, càng nhiều nhu cầu cần đáp ứng và thỏa mãn, nên mỗi người đều quên đi những giá trị tinh thần. Vì nghĩ rằng niềm vui là điều không thiết thực, không hữu dụng, nên nó luôn bị trượt khỏi thứ tự ưu tiên. Những phẩm chất, đặc điểm đáng quý góp phần tạo nên niềm vui trong những ngày đầu hò hẹn như sự ngây thơ, dễ thương ở người phụ nữ, sự tâm lý ở người đàn ông đã bị năm tháng và sự vô tình làm cho rơi rụng.

Nhiều lần mỏi mệt vì áp lực cuộc sống, vì căng thẳng trong chuyện giáo dục con, tôi đã hồi tưởng hình ảnh chồng ngày xưa. Anh là người thông minh và hài hước. Không chỉ có cách nói chuyện là lạ, mà góc nhìn nhận các vấn đề hay cách anh quan sát về những người bạn xung quanh cũng độc đáo. Những cuộc hẹn giữa chúng tôi luôn rộn rã tiếng cười. 

Thời gian đó, anh chưa bao giờ phải hỏi tôi: “Em còn vui không?”. Vậy mà, sau gần mười năm sống chung, anh đã vài lần thốt ra câu đó như một câu thần chú mang ý nghĩa hàn gắn, trước khi mối quan hệ chực rạn vỡ.

Tôi không đáp anh bằng lời lẽ, mà ánh mắt mỏi mệt, tâm thế dè chừng chính là câu trả lời cho tất cả. Có lẽ cả anh và tôi đều hiểu “không còn vui” không phải mệt mỏi về thể chất, mà là suy sụp tinh thần. 

Mẹ bạn tôi từng dạy bạn trước khi về nhà chồng: Cách hay nhất để sống ổn, sống tốt giữa môi trường xa lạ và những con người xa lạ đó là hãy tự tạo lấy niềm vui. Lời dạy này theo tôi, có thể đúng nhưng chưa hợp lý khi áp dụng vào cuộc sống gia đình.

Trong lần về quê gần đây nhất, tôi và mẹ say sưa tám chuyện. Mẹ tôi bảo ở quê bây giờ ngoài tiếng karaoke thì “êm” lắm, chẳng thấy cảnh vợ chồng, phụ huynh và con cái cãi nhau như xưa. Hễ có biến, là mỗi người một điện thoại, rút vào góc riêng, vừa vui cho mình mà vừa khỏe cho người khác. 

Nghe chuyện của mẹ, tôi liên hệ đến bản thân và những trường hợp xung quanh. Đâu chỉ ở quê, ở phố, tần suất mỗi người tự tìm lấy niềm vui riêng còn dày đặc hơn. Phải chăng, vì mất kiên nhẫn, vì sự hời hợt mà mỗi người đều dễ dàng biến người thân của mình thành khách, nhà thành nơi ở trọ. 

Tiếng cười chung thất thế nên niềm vui riêng lên ngôi, hay ngược lại, vì niềm vui riêng dễ tìm nên không cần dụng công cùng nhau nữa? Đôi khi tôi tự hỏi, cuộc sống gia đình bớt vui có phải do chồng bận rộn, không còn tâm lý và hài hước như xưa hay vì cách tiếp nhận sự quan tâm và thước đo những giá trị sống trong tôi đã thay đổi. 

Thực tế, nhiều lần nhìn vào Facebook, tôi trầm trồ vì bạn có người chồng vừa biết cách kiếm tiền vừa biết chăm con, lại cưng chiều vợ chu đáo. Tôi quên mất rằng “Cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn”. Nhiều người phụ nữ khác cũng như tôi, các nàng liệu có bao giờ nghĩ "Trong chăn mới biết chăn có rận".

Liệu có ông chồng nào hoàn hảo như trong tiểu thuyết ngôn tình? Liệu có cuộc hôn nhân nào không có lỗ hổng? Và liệu có chặng đường dài nào tiếng cười mãi mãi rộn vang? Nên, chi cho bằng khắc ghi điều này: một người chỉ có thể đi xa hơn, bay cao hơn, khi họ biết bắt đầu từ nơi mình đang đứng. 

“Bên anh, em còn vui không?”, không chờ chồng hỏi lần nữa, tôi sẽ chủ động nhắn với anh: “Biết được những khiếm khuyết và sự thay đổi của nhau, để bù đắp và chấp nhận cũng là một cách vui. Ngày nào còn bên anh, là ngày đó em còn vui”. 

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI