Thắng cuộc hay hạnh phúc?

16/03/2020 - 09:46

PNO - Chị nhẫn nhịn để gia đình yên ấm. Nhưng nhiều lần, sự thái quá trong cách dạy dỗ con cái của anh, đan xen vào đó là sự bảo thủ cố hữu khiến chị vô cùng mỏi mệt.

Anh chị sống với nhau đã 10 năm. Anh thành đạt trong sự nghiệp nhưng gia trưởng. 

Con trai chị được cha rèn giũa từ bé, luôn có ý chí cầu tiến và vươn lên thành công trong mọi lĩnh vực. Trong học tập và thể thao, thằng bé ít khi chịu về nhì. Chị vẫn nhiều lần nghe anh dạy con trai rằng: "Ở đời muôn sự của chung - Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi". 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi nghe những lời lẽ ấy, chị nhìn ở góc độ tích cực, cho rằng thằng bé sẽ được thúc đẩy và có thêm động lực để cố gắng không ngừng nghỉ. Nhưng rồi, cùng với thời gian, chị nhận ra rằng, điều đó vô hình trung khiến con trai chị trở thành đứa trẻ hiếu thắng và ít chịu nhìn nhận thất bại.

Thì mới sáng qua thôi, hai anh em nó thi đua xem ai mặc đồ nhanh và ra khỏi nhà sớm nhất. Vì mắc một lỗi nhỏ ở khâu buộc dây giày mà thằng bé cuống và cô em thắng. Chị cứ nghĩ chuyện trẻ con, nhưng không phải.

Thằng bé đỏ bừng mặt, rồi trong cơn tức tối đã xô ngã em gái. Thay vì khuyên giải con trai thì chồng chị cười, rồi bình thản: "Nếu cảm giác thua cuộc khó chịu quá, thì lần sau con phải coi đó là mối nhục mà vươn lên".

Ô hay. Sao anh lại có cách dạy con cực đoan vậy nhỉ, chị nghĩ thầm. Nhưng lúc đó muộn giờ nên chị cũng không thể dừng lại tranh cãi với anh. Cả buổi trên đường đi làm hôm ấy, chị trăn trở nhiều điều. Chị nghĩ nhiều về khái niệm người thắng kẻ thua trong nhiều lĩnh vực, và nghiệm ra rằng tất cả chỉ mang tính chất tạm thời.

Có đội bóng nào mà liên tục đứng trên hào quang chiến thắng? Có cá nhân nào chỉ tận hưởng hương vị ngọt ngào của tấm huy chương vàng mà không có thời kỳ thoái trào?

Có lẽ khi bước vào lĩnh vực này, họ đã dốc hết tốc lực để vươn tới đỉnh cao nhất của sự nghiệp, nhưng cũng đã chuẩn bị tâm thế khi rời xa ánh hào quang của chiến thắng. Chặng đường sau đó, họ vẫn làm những công việc liên quan đến chuyên môn, nhưng hài lòng ở vị trí huấn luyện viên hay cố vấn nghiệp vụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con cứ mãi ngạo nghễ ở vị trí đầu tiên, rồi khi bên cạnh con có nhân tố vượt trội thì sao? Thay vì mỉm cười chúc mừng cho họ như một cách xử sự văn minh, con sẽ lườm nguýt hay ra sức phủ nhận đối phương? Tất cả đều chỉ chứng tỏ con chưa thực sự trưởng thành mà thôi.

Nên, học cách chấp nhận thua cuộc cũng là một kỹ năng trong cuộc sống. Mặc dù cảm giác thua cuộc nhiều khi chẳng dễ chịu chút nào, nhưng nếu bình thản nhìn nhận nó như một khía cạnh của cuộc sống đa chiều này, chuyển hóa thành động lực cho những lần phấn đấu tiếp theo, thì có gì mà ấm ức hả con trai?

Giờ môi trường của con chỉ như một cái hồ nhỏ. Nhưng sau này khi ra đời, con sẽ đối diện với đại dương mênh mông, với rất nhiều nhân tố xuất sắc vượt trội.

Con đâu thể là người chiến thắng mãi được, cũng có lúc con sẽ thua cuộc. Chi bằng từ bây giờ, con hãy rèn luyện kỹ năng đó cho mình. Đó là cách con tự phòng bị hệ miễn dịch, để sau này cơ thể vì đã được chuẩn bị và thích nghi, sẽ không gục ngã bởi con "vi-rút mang tên thất bại".

Thì sau đó, những bi kịch mang tên "tự tử vì bị điểm kém", "trầm cảm vì trượt đại học", sẽ không làm đau lòng mỗi bậc phụ huynh. Con sẽ bình tĩnh đón nhận mọi biến cố của cuộc sống, rồi mỉm cười trau dồi và bước tiếp.

Vì suy cho cùng, con trai à, sự thua cuộc không phải là một việc quá khủng khiếp, mà chỉ là trải nghiệm sống mà thôi. 

Minh Thuật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI