Ngày của Mẹ: Cõng mẹ đi chơi

11/05/2025 - 18:09

PNO - Nhiều người diễm phúc còn mẹ, nhưng mấy ai chịu khom lưng cõng mẹ đi chơi, dù chỉ một lần cho mẹ “thênh thang một cõi, quên những nhọc nhằn”.

Cô Phạm Thị Oanh (55 tuổi - ngụ Biên Hòa) cõng mẹ Đặng Thị Gái (100 tuổi) đi xem diễu binh tại Tp.HCM (Ảnh cắt từ clip)
Cô Phạm Thị Oanh (55 tuổi - ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) cõng mẹ là bà Đặng Thị Gái (100 tuổi) đi xem diễu binh tại TPHCM (ảnh cắt từ clip)

"Dìu mẹ đi chơi, cõng mẹ đi chơi

Mẹ và con đi chơi, thênh thang một cõi, quên những ngọc nhằn, quên những dày vò tâm can

Từng nụ hoa tinh khôi vi vu cười gió, ươm nắng hồng đào như những mặt người tinh khôi.

Mẹ và con đi chơi, đi ra bờ suối, con suối chạy dài khua cả vòm trời lung lay...(*)

Lâu rồi, lời bài hát Cõng mẹ đi chơi (nhạc sĩ Trần Quế Sơn sáng tác) như dòng suối mát len lỏi vào tâm hồn những người con đang còn mẹ như tôi. Tôi biết, nhiều người nghêu ngao hát theo, có khi là hát cùng nước mắt, nhưng mấy ai đã có thể một lần “cõng mẹ đi chơi” giữa thênh thang đời nhọc nhằn này.

Tôi nhớ mãi câu chuyện cõng mẹ đi chơi của cố Phó giáo sư Văn Như Cương một thời được các thầy cô giáo và lớp sinh viên truyền tai nhau. Câu chuyện ấy đẹp như một huyền thoại. Hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ với một bên chân vừa bình phục sau tai nạn, cõng mẹ già 94 tuổi trên lưng, đi trên con đường làng bấp bênh để đến nhà họ hàng chơi, chúc tết... khiến bao người xúc động. Chúng ta, hàng triệu người con trên đất nước này, rất nhiều người diễm phúc còn mẹ, nhưng mấy ai chịu khom lưng cõng mẹ đi chơi, dù chỉ một lần cho mẹ “thênh thang một cõi, quên những nhọc nhằn”.

Hôm ấy, tim tôi một lần nữa nghẹn lại vì xúc động trước hình ảnh người phụ nữ trung niên cõng mẹ già trên lưng đi xem luyện tập diễu binh. 2 mẹ con họ đi chơi với một tâm thế thong dong, phấn khởi giữa không khí náo nức của hòa bình.

Người mẹ gầy gò, mái tóc bạc trắng được con gái cõng trên lưng trông thật vui, không có vẻ gì mệt mỏi, dù 2 mẹ con đã vượt quãng đường khá xa từ Biên Hòa lên TPHCM. Cô con gái không quên cúi chào những chiến sĩ giữ trật tự 2 bên đường, và cúi đầu cảm ơn người dân nhường lối cho 2 mẹ con tiến vào vị trí thuận tiện hơn.

Hình ảnh 2 thế hệ đã đi qua chiến tranh, đưa nhau đi chứng kiến khoảnh khắc của những ngày tháng Tư đáng nhớ, khiến nhiều người lặng đi vì xúc động. Trong những hàng người ngồi kín những con đường hôm ấy, tôi biết rất nhiều người con cũng đưa cha mẹ đến xem diễu binh, nhưng một phụ nữ cõng mẹ trên lưng len lỏi giữa hàng triệu người xa lạ thực sự là hình ảnh rất đặc biệt.

Người mẹ ở cái tuổi tròn trịa của chặng cuối đời người ấy, bà thật có phước. Có thể mắt bà đã không còn tinh anh, nhưng điều bà thấy hôm đó, không chỉ là cuộc diễu binh hoành tráng, không chỉ là vẻ đẹp của hòa bình, mà còn là niềm tự hào từ tấm lòng hiếu thảo của con gái.

Trên đời này, điều gì có thể làm cho cha mẹ, chẳng ai từ nan. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn viết ca khúc Cõng mẹ đi chơi với mong ước vô thường: “Tôi muốn cõng mẹ tôi đi vào một cõi thênh thang, chỉ có suối, có hoa, có trời trong bướm lượn, cho mẹ hóa thành tiên nữ; cho mẹ quên hết những nhọc nhằn dày vò thân mẹ. Tôi muốn cõng mẹ đi theo con cóc là cậu ông trời, cõng mẹ cưỡi gió bay lên trời xin thêm tuổi cho mẹ...”.

Cuộc đời vô thường, ta đều biết: “Rồi vài mươi năm sau, đi qua trần thế, con cõng mẹ về, con cõng mẹ về… thiên thai…”

Trần Huyền Trang

(*): Lời bài hát “Cõng mẹ đi chơi”, nhạc sĩ Trần Quế Sơn sáng tác

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI