Ngày của mẹ: Trái tim thỏ đế của người mẹ

11/05/2025 - 06:00

PNO - Từ khi bắt đầu làm mẹ, trái tim của người mẹ biến thành trái tim của loài thỏ, chết nhát và cả sợ. Làm mẹ, tôi đã biết nỗi lo sợ đó thật sự là thế nào.

Mẹ luôn lo lắng dõi theo con cái trên mọi bước đường (ảnh minh hoạ)
Mẹ luôn lo lắng dõi theo con cái trên mọi bước đường (ảnh minh hoạ)

“Từ khi bắt đầu làm mẹ, trái tim của người mẹ biến thành trái tim của loài thỏ, chết nhát và cả sợ”. Tôi từng hoài nghi câu nói này, bởi xung quanh tôi, mọi bà mẹ đều mạnh mẽ, chẳng biết sợ là gì; cho đến khi bắt đầu làm mẹ, tôi đã biết nỗi lo sợ đó thật sự là thế nào.

Từ lúc có mầm mống sinh linh bé nhỏ hiện diện trong cơ thể mình, tôi đã phải cẩn thận từng bước chân, từng miếng ăn vì sợ ảnh hưởng đến con. Giờ phút con trai chào đời, tôi hồi hộp mong chờ giây phút được gặp con, nhưng đó cũng là lúc trái tim đập những nhịp sợ hãi: tôi sợ con không nguyên vẹn hình hài, sợ con xấu xí…

Hành trình nuôi con gian nan, tôi mong con lớn nhanh để qua "đốt" đau bệnh liên miên. Con biết lật, biết bò, chập chững đi những bước đầu tiên… trái tim người làm mẹ vỡ oà hạnh phúc. Con đi nhà trẻ, tôi mừng vì con có bạn bè, lại lo con bị bạn bắt nạt. Tôi khuyến khích con đừng học nhiều quá, phải thư giãn, nhưng rồi lại lo con chơi nhiều quên học. Con học phổ thông, tôi sợ con yêu sớm. Con vào đại học, lại lo sao giờ này con chưa yêu…

Suốt hành trình vào đời của con, nỗi lo sợ của tôi chất chồng thêm lên, chưa bao giờ vơi cạn. Có lẽ không có người mẹ nào chưa từng cảm thấy yếu đuối, bất lực, nhưng đồng thời trở thành mẹ cũng là thời khắc người làm mẹ bỗng trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng đối đầu với mọi bất trắc.

Tôi nhớ lúc sinh bé gái thứ 2, con ra đời đột ngột khi thai kỳ ở tháng thứ 7 nên chỉ nặng 1,6 kg. Suốt 20 ngày con nằm phòng hồi sức, trái tim tôi như thể treo ngoài lồng ngực, lo sợ và thấp thỏm theo từng nhịp sinh tồn của con.

5 ngày sau sinh, tôi được xuất viện nhưng không về nhà, tôi và chồng dọn ra hành lang khoa nhi. Dù không được gặp con nhưng ở gần bên con, tôi mới có thể yên tâm. Con bú sữa được 5ml, rồi tăng lên 10ml… là khoảnh khắc những tảng đá nặng được gỡ dần khỏi lồng ngực, khiến tôi như thể được hồi sinh.

Toàn bộ sức lực và tâm trí tôi khi đó chỉ có một ước muốn duy nhất: được đau thay con, gánh bất trắc thay phần con. Ngày con ra khỏi phòng hồi sức, tôi như thể được tái sinh lần nữa.

Cảm giác được tái sinh đó, tôi đã bắt gặp ở bác Năm, mẹ anh Hùng, lúc nghe tin anh đã tỉnh sau tai nạn. Trong chuyến đi phượt, anh Hùng đã mạo hiểm lao xuống suối từ vách đá khá cao. Lưng anh đập vào tảng đá, khiến cột sống bị tổn thương.

Suốt 10 ngày anh Hùng nằm ở phòng hồi sức, bác Năm hầu như không ăn không ngủ. Mỗi lần bác sĩ gọi tên người nhà anh Hùng, tim bác như có ai siết chặt.

Tôi và các đồng nghiệp vào thăm, bác Năm than tuổi này bác đau lưng đau khớp. Nghe tin anh Hùng gặp nạn, bác gác lại việc nhà, “đau ốm gì cũng dẹp qua một bên”, lên chăm nuôi anh Hùng. Bác khấn nguyện nếu anh Hùng mạnh khoẻ, bác sẽ ăn chay 3 năm. Không biết lời khấn nguyện có linh ứng hay không, nhưng vào lúc sinh tử này, làm gì được cho con, bác nhất định sẽ làm.

Đón anh Hùng ra khỏi phòng hồi sức, bác Năm như buông được gánh nặng, vừa cười vừa khóc. Bác lăng xăng lau mình, đút cháo cho anh. Nửa đêm, nghe anh Hùng rên khe khẽ, bác Năm bật dậy, lo lắng hỏi: “Sao vậy con? Đau chỗ nào? Con muốn uống nước không? Hay con đói bụng?...”.

Kể với tôi, anh Hùng rơm rớm nước mắt. Mẹ anh lớn tuổi rồi, anh biết bà không khoẻ, bà chỉ giả vờ ổn thôi. Anh muốn thuê người chăm sóc nhưng mẹ anh không đành lòng. “Từng tuổi này còn để mẹ lo lắng và sợ hãi, anh thật bất hiếu”, câu nói của anh Hùng tràn ngập hối tiếc và xót xa.

Tiễn chúng tôi ra cửa, bác Năm rơm rớm nước mắt: “Hùng còn trẻ vậy không biết 2 chân còn đi lại được không, tương lai rồi sẽ thế nào? Bác vui vẻ trước mặt Hùng để nó yên lòng, thật ra bác đau xót lắm. Giá mà bác đau thay nó”.

Câu nói của bác Năm khiến ai cũng nghẹn lòng. Trong bước đường gian nan, anh Hùng may mắn có mẹ bên cạnh. Nhưng cũng xót xa thay cho mẹ anh, từng tuổi này còn thấp thỏm dõi theo con trong lo lắng và tuyệt vọng.

Trong suốt hành trình làm mẹ, những nỗi lo sợ và bất an của mọi bà mẹ có mấy khi dành cho bản thân, mà chỉ dành cho con cái. Vì con, mẹ có thể vượt qua giới hạn bản thân, có thể làm bất cứ điều gì, hy sinh bao nhiêu cũng không ngại.

Trái tim thỏ đế treo bên ngoài lồng ngực của những người làm mẹ, khi dõi theo con cái, là cảm giác chẳng dễ chịu gì. Tôi luôn nói với 2 con: “Trước khi làm điều gì đó, các con hãy ngoái nhìn ba mẹ để bớt đi những mạo hiểm và bốc đồng, để ba mẹ không phải lo âu. Biết gìn giữ an toàn và vui vẻ cho bản thân là các con đã trả được một phần chữ hiếu”.

Thuỳ Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI