Ngày của mẹ: Hạnh phúc của mẹ - ước mơ của con

11/05/2025 - 13:24

PNO - Mẹ tôi thường hay cười mỗi khi tôi kể về ước mơ của mình. Với mẹ, có lẽ những ước mơ đó nghe như chuyện viển vông mà cuộc đời thì đâu phải màu hồng!

Là một cô gái lớn lên ở thôn quê, tôi vốn không có ước mơ gì to tát. Khi còn chạy lúp xúp quanh chân mẹ, tôi mơ có quần áo đẹp. Lúc đi học, tôi luôn mơ được học giỏi để mẹ tự hào. Ra ngoài bươn chải kiếm sống, tôi lại mơ độc lập tài chính để mẹ yên tâm.

Đó là những ước mơ nhỏ tôi đã cố gắng biến chúng thành hiện thực bằng nỗ lực của mình. Còn những giấc mơ vượt ngoài tầm với, tôi thường gạt qua rất nhanh. Tôi không phải cô gái dám mơ lớn và liều mình ra khơi. Dù có đi đâu, tôi cũng luôn chọn con đường có thể quay về bên mẹ dễ dàng.

Tôi ước mơ viết một quyển sách Con cần mẹ hạnh phúc dành cho các mẹ có con 0 - 6 tuổi. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Là một người mẹ ở nhà với hai con, tôi cũng dần quên đi ước mơ viết sách từ những ngày còn đôi mươi (ảnh do tác giả cung cấp)

Khi đã là mẹ của 2 con nhỏ, tôi càng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn trong việc nuôi con. Vì thế, những ước mơ của tôi giờ đây là mong các con khỏe mạnh và hạnh phúc. Những lúc tôi khó khăn, mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ ngay cả khi tôi không dám ngỏ lời. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy tổn thương sâu sắc khi vấp phải khoảng cách giữa 2 thế hệ mẹ - con.

Một lần, tôi kể với mẹ về ước mơ viết một cuốn sách phát triển bản thân cho các bà mẹ có con từ 0-6 tuổi, mang tên “Con cần mẹ hạnh phúc”. Tôi chia sẻ rằng nhiều bà mẹ trong cộng đồng đang mong đợi tác phẩm này. Mẹ nghe xong, chỉ phán một câu: “Người ta nói vậy thôi, chứ ra sách chưa chắc đã bán được đâu!”.

Câu nói của mẹ khiến ước mơ của tôi bỗng chốc như tan vỡ. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng đó chỉ là phản ứng từ những tổn thương mà mẹ chưa từng được chữa lành.

Theo nghiên cứu của chuyên gia Rosjke Hasseldine về mối quan hệ mẹ và con gái, những tổn thương tâm lý ở người mẹ có thể ảnh hưởng đến khả năng kết nối cảm xúc với con cái. Tác giả gọi đó là “vết thương thế hệ” - một nỗi đau không được chữa lành và vô thức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Rosjke cho rằng những người con gái khao khát kết nối cảm xúc sâu sắc hơn với mẹ chính là những người mở đường cho sự thay đổi qua nhiều thế hệ. Họ tìm kiếm một cách làm mẹ, làm con gái, và làm phụ nữ mới - đầy thấu cảm và chân thật hơn.

Tôi thích ngắm nụ cười của mẹ khi vui đùa với bọn trẻ, như thể mẹ quên hết mọi phiền muộn vậy. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Mẹ tôi thích đi dạo vườn mỗi sáng để trồng rau và chăm sóc vườn cây quanh nhà (ảnh do tác giả cung cấp)

Những suy ngẫm về mối quan hệ mẹ con giúp tôi nhận ra rằng không phải chỉ mẹ tôi, mà chính tôi cũng đang vô tình “chỉnh sửa” ước mơ của con trai mình.

Một lần, con trai tôi thủ thỉ: “Ước gì con 38 tuổi...”. Tôi hỏi lại: “Để làm gì hả con?”. Em bé 5 tuổi trả lời: “Con sẽ cao bằng mẹ!”.

Tôi bật cười, rồi bảo con: “Con còn nhỏ thì tốt mà, con sẽ có nhiều thời gian hơn…”. Nhưng thật ra tôi hiểu, con không thực sự muốn trở thành “người đàn ông 38 tuổi”, mà chỉ muốn được ngang hàng với mẹ, muốn sống như mẹ; giống như tôi khi ước mơ về cuốn sách “Con cần mẹ hạnh phúc”, tôi không chỉ muốn viết mà còn muốn sống trọn vẹn vai trò làm mẹ - một người mẹ hạnh phúc. Vì tôi cũng luôn khao khát được thấy mẹ mình hạnh phúc.

Tôi nhận ra rằng mối quan hệ mẹ và con luôn có những lúc vô tình làm buồn lòng nhau, nhưng những điều giản dị lại có thể chữa lành những tổn thương thầm kín.

Đó là những buổi sáng ở thôn quê, chúng tôi cùng nhau ra vườn tưới nước, trồng rau và "tám chuyện" trên trời dưới đất. Tôi thích ngắm nụ cười của mẹ khi vui đùa với bọn trẻ, như thể mẹ quên hết mọi phiền muộn vậy.

Tôi nhận ra rằng, hạnh phúc của người mẹ có lẽ chỉ đơn giản là được làm điều mình thích và ở bên những người yêu thương. Đó cũng là động lực khiến tôi kiên trì ở nhà 5 năm cùng con. Bởi ước mơ của tôi là nhìn thấy mẹ hạnh phúc bên các cháu, trong không gian sống thân thuộc. Tôi không gửi con đi nhà trẻ, cũng không để mẹ phải vào TPHCM chăm cháu cho mình đi làm. Tôi chọn công việc online để có thêm nhiều thời gian bên con và bên mẹ trọn vẹn hơn.

Ước mơ của tôi là được làm mẹ hạnh phúc. Còn bạn thì sao?

Nếu mẹ từng cười khi nghe bạn kể về ước mơ, cũng không sao cả. Bởi có thể chính mẹ cũng từng cười vào ước mơ của mình. Không người mẹ nào muốn làm tổn thương con, và hầu hết các bà mẹ đều đã cố gắng hết sức trong khả năng mà họ có.

Thảo Viên

(*) Rosjke Hasseldine (người Úc) là chuyên gia quốc tế về mối quan hệ mẹ - con gái, tác giả của các cuốn sách The Silent Female Scream The Mother-Daughter Puzzle. Bà sáng lập Mô hình Gắn kết Mẹ - con gái, giúp khám phá và chữa lành xung đột trong mối quan hệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI