Mùa thi đã đến, con vẫn bặt tăm

07/05/2025 - 12:30

PNO - Lớp 1/3 của Trường tiểu học Đông Ba (quận Phú Nhuận, TPHCM) nhiều tháng nay trống 1 chỗ ngồi. Đó là chỗ ngồi của học sinh T.N.M.K. Những ngày này, học sinh đang thi học kỳ II, chuẩn bị kết thúc năm học 2024-2025. Chị N.D.T - mẹ T.N.M.K. - đang gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để nhờ can thiệp tìm con, nhờ bảo vệ quyền lợi của con, trong đó có quyền được đi học.

Cha mẹ mâu thuẫn, con không được đi học

Đến Báo Phụ nữ TPHCM trình báo sự việc và nộp đơn cầu cứu, chị N.D.T. nghẹn ngào nói: “Tôi và chồng (ông T.N.T.S.) đang trong quá trình làm thủ tục ly hôn. Trước giờ tôi là người chăm sóc chính cho con, lo về ăn uống, kèm cặp việc học lẫn đưa rước đi học. Đến ngày 7/2/2025, ông T.S. đến trường đón bé M.K. đi và không cho tôi liên lạc”.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, chị D.T. không cầm được nước mắt khi xem lại những clip có hình ảnh con gái nhỏ - ẢNH: TDH
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, chị D.T. không cầm được nước mắt khi xem lại những clip có hình ảnh con gái nhỏ - Ảnh: TDH

Cuối tháng 4/2025, tiếp xúc phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, cô Võ Thị Mỹ Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Ba - cho biết bé M.K. rất lanh lợi, sáng dạ. Ở học kỳ I, bé hoàn thành tốt tất cả các môn, điểm kiểm tra tiếng Việt và toán đều 10. Bé không nghỉ học ngày nào.

Cô Mỹ Hạnh thông tin thêm: “Ba bé nhiều lần nộp đơn đề nghị chuyển trường cho con và nộp đơn nhiều nơi cáo buộc bé bị bạo hành ở trường. Tuy nhiên, nhà trường khẳng định không có tình trạng bạo hành, không như lời trình bày của ba bé trong các đơn. Ba bé nộp đơn đề nghị chuyển trường cho con, mẹ bé cũng nộp đơn xin chuyển trường. Tuy nhiên, trường của ba và mẹ liên hệ xin cho con chuyển đến lại khác nhau. Do không thống nhất nơi tiếp nhận, chúng tôi không giải quyết cho cả ba lẫn mẹ rút học bạ”.

Làm việc với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về việc này, ông Nguyễn Dương Quang Hiển - Chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận - khẳng định: “UBND phường đã xác minh và khẳng định bé M.K. không bị bạo hành trong gia đình lẫn ở trường học”. Về vụ việc trên, UBND phường 7 đã tổ chức họp rất nhiều lần, liên tục từ 14/2/2025. Lúc đầu, ba mẹ đã thống nhất về chỗ ở của bé M.K. (về ở với gia đình nội ở đường Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận), thống nhất việc luân phiên rước bé về chăm sóc các ngày trong tuần và cuối tuần giữa ba và mẹ. Ông T.S. muốn chị D.T. cùng về ở với nhà nội nhưng chị không đồng ý.

Cất bớt "cái tôi" để tạo điều kiện cho con học hành, phát triển

Trong biên bản làm việc lần thứ ba, được lập tại UBND phường 7, quận Phú Nhuận vào ngày 19/2/2025, ông T.S. nói: “Tôi không phủ nhận vợ tôi là người chăm sóc bé thường xuyên, tôi về cũng chăm sóc bé. Hôm nay, bé chưa ổn định nên tôi chưa cho bé gặp mẹ được. Tôi không cản trở mẹ gặp bé. Nếu có tôi ở nhà, tôi cũng mở cửa cho mẹ bé vào”. Biên bản ghi nhận sự thống nhất của các thành viên cuộc họp (trong đó có ba và mẹ bé M.K.) rằng bé sẽ đi học vào ngày 24/2/2025 tại Trường tiểu học Đông Ba.

Bé M.K. (phải) cùng chị vui vẻ khi nhận được món quà ưng ý từ ông già Noel - ẢNH: DT (cắt từ clip của gia đình)
Bé M.K. (phải) cùng chị vui vẻ khi nhận được món quà ưng ý từ ông già Noel - Ảnh: DT (cắt từ clip của gia đình)

Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như cam kết. Chị D.T. lại cầu cứu UBND phường 7, quận Phú Nhuận và các cơ quan chức năng. Bà Nguyễn Thị Thiện - Phó chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận - cùng đại diện nhà trường đã nhiều lần đến nhà nội của bé M.K. tìm ba bé và bé để vận động đưa bé đi học trở lại nhưng không gặp và cũng không nhận được sự phản hồi.

Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã nhiều lần liên lạc ông T.S. để làm rõ vì sao ông không đưa bé đi học, bé có được đưa đến chuyên gia để can thiệp, hỗ trợ tâm lý như ông trình bày trong đơn đề nghị chuyển trường rằng “bé bất ổn tâm lý trầm trọng, nhiều lần không chịu đến trường, chỉ muốn ở gần tôi...” hay không? Ông T.S. nghe máy nhưng không hợp tác để gặp gỡ, cung cấp thông tin.

Chị D.T. nhiều lần đến nhà chồng tìm con nhưng hoàn toàn mất liên lạc và không có thông tin về chồng và con, cho đến khi nhận được thư triệu tập để giải quyết ly hôn tại Tòa án nhân dân (TAND) quận Bình Thạnh. Theo biên bản ghi nhận sự việc của TAND quận Bình Thạnh, ông T.S. và chị D.T. thống nhất thỏa thuận bé sẽ tiếp tục học ở Trường tiểu học Đông Ba, bé ở với mẹ các ngày trong tuần và cuối tuần ở với ba. Tuy nhiên, ông T.S. vẫn không đưa con đi học. Do hiện tại chị D.T. không còn ở trọ tại quận Bình Thạnh nên TAND quận Bình Thạnh chuyển vụ việc về TAND quận Phú Nhuận thụ lý, giải quyết.

Cô Võ Thị Mỹ Hạnh cho biết trường vẫn luôn sắp xếp, tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh M.K. ôn tập, thi học kỳ dù có thể trễ hơn các bạn, chỉ cần gia đình tạo điều kiện cho bé đi học trở lại.

Ly hôn là quyền của công dân nhưng đừng vì ba mẹ bất hòa mà khiến quyền lợi của trẻ bị xâm phạm, trong đó có quyền được đi học, quyền được cả ba và mẹ chăm sóc giáo dục. Mong ba mẹ bé cất bớt “cái tôi” để cùng bàn bạc, tìm giải pháp cho bé được tiếp tục đến trường hoàn thành chương trình học. Theo chị D.T., trước đây con chị rất thích đi học. Có lần bị bệnh, bé vẫn khóc đòi đi học. Trường hợp bé tạm thời không muốn đi học như lời tường trình của ba bé thì cũng cần được tiếp cận chuyên gia tâm lý, bác sĩ để can thiệp, hỗ trợ...

Không ai có quyền cản trở trẻ em đến trường

Điều 37 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em năm 2016 cũng khẳng định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục (điều 16)”. Hành vi cố ý cản trở trẻ đến trường, không cho trẻ tiếp tục chương trình học, nếu không có lý do chính đáng và không có phương án thay thế phù hợp (ví dụ như homeschooling - giảng dạy tại nhà thay vì đến trường) là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền của trẻ. Hành vi này đáng bị xã hội lên án và nên bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trường hợp bé M.K. bị ba giữ lại, không cho đến trường suốt học kỳ II, khiến bé có nguy cơ mất cả năm học như phản ánh cần được xem xét như một hành vi cản trở quyền học tập, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của trẻ em. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 26 của Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Cụ thể: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của trẻ em”.

Để đảm bảo quyền đi học của con, người mẹ cần lập tức gửi đơn đến công an địa phương yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T.N.T.S. Đồng thời, người mẹ có thể gửi đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đến tòa án đang thụ lý vụ án ly hôn để tòa án tạm thời giao bé cho mẹ, tạo điều kiện để bé được ổn định tâm lý và đến trường nhằm đảm bảo quyền được đi học của trẻ.

Luật sư Đậu Thị Quyên
- Giám đốc Công ty luật SOLA

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI