Mùa cá lên bờ

17/07/2022 - 20:46

PNO - “Nghề” bắt cá cạn không cần phải học hay có kinh nghiệm như khi mò tìm cá dưới ao bùn. Đứa lớn đứa nhỏ đều có thể làm được.

Trận mưa rào xối xả chưa dứt, nước đã ngập ruộng, mấp mé bờ ao, khắp nơi lênh láng màu nước đục. Đám con nít sau khi chạy giỡn la hét đã đời trong mưa bỗng hướng sự chú ý đến các ao nước phía cánh đồng. 

Một đứa rủ đi bắt cá, cả bọn đồng lòng, ai chạy ù về nhà nấy. Trong chớp mắt, đứa thau đứa rổ, đứa xách cả cái thùng nhựa to tướng, chia nhau đi dọc các bờ đất. 

Mưa vẫn rào rạt. Cá rô, cá lóc trườn lên bờ, cố gắng di chuyển để tìm kiếm nơi ở mới. Không ai biết chính xác vì sao hễ trời mưa lớn, nước dâng cao là lũ cá đồng cứ muốn di cư. Lũ trẻ chỉ cần vừa đi vừa đảo mắt quan sát, thấy con cá nào đang trườn trên bờ thì nhào đến chộp.

“Nghề” bắt cá cạn không cần phải học hay có kinh nghiệm như khi mò tìm cá dưới ao bùn. Đứa lớn đứa nhỏ đều có thể làm được, nhưng bọn anh chị thường giành phần hơn, giao mấy đứa em nhiệm vụ xách thau, thùng. Người nhỏ, thau thùng thì to, mấy đứa em ì ạch trên những con đê trơn trượt. Lần nào cũng có đứa té oạch, cả người đầy bùn sình, cá văng hết xuống nước, đành “làm lại từ đầu”.

Đi bắt cá cạn thích nhất là khi tìm được nơi có dòng nước nhỏ tràn bờ chảy qua chỗ trũng. Đứa nào “xí phần” được một chỗ như thế cứ ngồi yên chờ đợi. Đàn cá từng con một lũ lượt tìm đến chỗ nước chảy, nương mình trượt theo. Bọn nhóc chỉ cần đặt rổ hứng, túm được con nào đổ ngay vào thùng. Lâu dần rút kinh nghiệm, nếu không có nơi tràn nước tự nhiên thì từng đứa một tự kiếm cây hoặc cục đá, khơi một lối nhỏ cho nước chảy rồi tận hưởng thành quả.

Bắt được cá to, cả đám nhao nhao, cười vang trời, mặc mưa rào rạt, gió thốc ào ào lẫn tiếng sấm sét. Người lớn luôn dặn những cơn mưa kèm sấm sét là nguy hiểm, nhưng bọn nhóc ham vui quên hết, cũng chẳng biết sợ. Dang nắng dầm mưa hoài thành quen, tóc đứa nào cũng cháy vàng, da đen nhẻm. Trai cũng như gái, chẳng đứa nào bị cảm lạnh dù ướt sũng hàng giờ dưới mưa.

Cá trườn lên bờ luôn sạch, không bị ngộp bùn, nên người lớn có thể giữ chúng sống hàng tuần trong các khạp nước, chỉ cần mỗi ngày thay nước mới một lần.

Tôi rất thích ăn ruột cá lóc, nó dai, béo ngậy và thơm mùi đặc trưng. Nhưng má nói phải nuôi vài ngày cho ruột cá sạch mới có thể ăn. Bắt được cá lóc là điều đáng tự hào của bọn trẻ. Bởi dù ở trên cạn, loài cá này vẫn rất mạnh.

Ngoài dùng sức, đôi khi chúng tôi phải dùng thế, dùng trí mới có thể khống chế được chúng. 

Vừa tắm mưa vừa bắt cá cạn là trò chơi đầy tiếng cười niềm vui của trẻ quê. Hơn thế nữa, có một chút hãnh diện trong đó, bởi chúng tôi làm việc có ích, đỡ phần tiền chợ cho mẹ. Bưng chén cơm trắng với cá mới kho thơm nức, tự dưng thấy bữa ăn ngon hơn, vì đó là cá do chính tay mình bắt được.

Tôi nhớ không lâu sau đó, “chợ chồm hổm” mọc lên ở đầu xóm. Trong chợ có một quầy chuyên thu gom cá đồng, bỏ mối cho thương lái mang đến các chợ nội thành. Dân vạn chài, giăng câu, giăng lưới đều mang cá đến giao nơi đây. Bọn trẻ chúng tôi cũng lựa những con cá to nhất, đẹp nhất mà bán. 

Cầm những tờ tiền đầu tiên trong đời do mình kiếm được, đứa nào cũng sung sướng. Đứa lấy tiền mua bánh, đứa ngoan ngoãn đem về cho mẹ, đứa bí mật đút mấy tờ bạc vô áo gối rồi mỗi tối mơ màng thấy mình đang dần trở thành một người giàu có. Tôi không giữ được tiền. Luôn luôn dặn bản thân phải dành dụm, nhưng khi nghe cái chuông đồng của ông già lái xe đạp gõ leng keng là hồn tôi bay theo vị mát lạnh thơm lừng của kem sữa, đậu xanh, sầu riêng. Má tôi mắng yêu con gái: “Chỉ giỏi ăn!”. 

Làng quê bây giờ nhiều thay đổi nhưng những cơn mưa rào vẫn mãi như thế. Đàn cá vẫn lên bờ, lũ trẻ vẫn tắm mưa, rủ nhau đi bắt cá rồi té lạch bạch trên các con đê trơn. Chỉ có điều khác là cuộc sống của chúng đầy đủ hơn chúng tôi ngày trước. Tôi không biết liệu bọn trẻ có phân vân chọn lựa giữa việc giữ những đồng tiền đầu tiên làm ra với mua một cây kem mát lạnh hay không… 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI