Mình thương nó, nó thương mình

25/08/2015 - 11:26

PNO - Một ngày, trót yêu người đàn ông "độc thân có con", dù muốn dù không, bạn cũng khoác lên vai trọng trách người mẹ thứ hai.

Minh thuong no, no thuong minh
Ảnh minh họa

Vứt chữ riêng

Anh ấy chọn bạn vì điều gì? Chắc chắn chẳng phải chỉ vì yêu. Với người đàn ông đã đổ vỡ hôn nhân và đang nuôi con thì cùng với lý lẽ của con tim, họ dành trọn “phiếu” cho người phụ nữ yêu thương, chăm sóc con mình.

Khoan hãy lên xe hoa khi bạn còn lướng vướng suy nghĩ đứa bé ấy chỉ là con riêng của chồng. Khi chưa vứt bỏ chữ “riêng”, bạn không thể quan tâm và yêu thương vô điều kiện. Vì, ngay từ buổi đầu, nhiều khả năng bạn sẽ đối mặt với những lời nói, hành động chống đối, ngang ngược của trẻ do trẻ cho là bạn cướp mất cha mình, giành chỗ của mẹ mình.

Xác định tư tưởng đứa bé là con, bạn sẽ chuẩn bị tinh thần để đón nhận những tình huống xấu, giữ được bình tĩnh và phản ứng tích cực nhất có thể. Trẻ khó kiểm soát được cảm xúc nhưng đủ nhạy cảm và công bằng để biết ai thực lòng thương và mình nên đáp lại như thế nào.

Thời gian sẽ ủng hộ bạn. Dần dần, hai bên sẽ hiểu và chấp nhận nhau. Bạn chinh phục được con bằng tình thương chứ không phải phù phép hay dùng bất cứ thủ thuật gì. Bạn cũng không cần biến thành bản sao của người mẹ ruột để lấy lòng bé. Bạn cũng không nên nóng vội, thay thế vai trò làm mẹ hay áp đặt những quy tắc xa lạ, buộc trẻ thích nghi.

Đừng quy cho "mẹ ghẻ con chồng"

Không phải tất cả mâu thuẫn đều xuất phát từ “nghịch cảnh” - gia đình hỗn hợp. Đứng trước những bất đồng, bạn cần tỉnh táo để gọi đúng tên sự việc. Con gái riêng đã cao lớn phổng phao mà mỗi lần về thăm cứ đòi ngủ chung với cha, đẩy mẹ kế ra rìa. Thay vì công nhận nhu cầu của con, người mẹ kế lại bực mình, ganh tỵ, trách con “dị hợm” hay vu cho mẹ ruột xúi con làm thế để gây chia rẽ vợ chồng mới.

Cắc ca cắc củm, mẹ kế mua cho các con mỗi bé một cái áo. Con ruột thì vui thích, nâng niu, trong khi con chồng lại không thèm mặc, mẹ hẳn nhiên là hụt hẫng, tức giận, sẽ quy kết rằng con chồng xem thường mình, chà đạp lên lòng thành của mình.

Tuy nhiên, nguyên do đâu hẳn vì dị ứng với người cho, có thể vì thấy không phù hợp với gu thẩm mỹ của mình nhưng cháu không biết diễn đạt một cách rõ ràng, tế nhị. Không cứ gì con của chồng, ngay cả con ruột cũng thế, nếu không hợp ý, cháu cũng có thể từ chối một món quà, một sự chăm sóc.

Khác biệt, bất đồng giữa các thế hệ, giữa người này với người kia là bình thường. Bạn nên hiểu trẻ, tôn trọng, không áp đặt để khi trẻ có phản ứng trái ngược ý mình thì liền quy về bi kịch “khác máu tanh lòng”.

Như thế, vấn đề thêm nặng nề, khoét sâu mâu thuẫn, sứt mẻ tình cảm và không có lối thoát. Tương tự, sự quan tâm, gần gũi của cha, mẹ ruột, ông, bà đối với trẻ qua con mắt nhạy cảm và mặc cảm của mẹ kế, đã trở thành sự thiếu tin tưởng nhằm theo dõi hay răn đe, dằn mặt.

Trên thực tế, có những tác động khắc nghiệt từ bên ngoài gây khó cho bạn trong việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với con nhưng hãy kìm lòng, an nhiên, tự tin. Khi uất ức, cảm giác bị hiểu lầm, bạn cứ nhẫn nại cư xử với lương tâm của một người mẹ.

Sau chồng một bước

Con riêng thường khó dạy, dễ hư? Do nghĩ con thiếu tình thương nên người cha thường bù đắp bằng cách chiều chuộng, đáp ứng mọi nhu cầu. Bất đồng quan điểm dạy con, cố đấu tranh cho sự công bằng giữa con anh - con em - con chúng ta khiến vợ chồng căng thẳng, mệt mỏi.

Dù biết trẻ trên đà hư hỏng: ăn chơi, đua đòi, vô lễ, gian dối, xao lãng việc học… nhưng bạn không nên xộc vào giải quyết thay những người ruột thịt của trẻ. Vai trò của mẹ kế bao giờ cũng đứng phía sau, lùi ra xa với những giúp đỡ thầm lặng. Trước những vấn đề cần uốn nắn ở trẻ, bạn cân nhắc việc trao đổi với chồng, chọn cách thức, thời điểm phù hợp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI