Mê mẩn với các món 'cuốn cuốn, trộn trộn' kiểu Sài Gòn

11/11/2014 - 13:23

PNO - PNO - Không chỉ rẻ, các món cuốn, trộn Sài Gòn như gỏi khô bò, bánh tráng trộn, bò bía, gỏi cuốn… còn “ăn điểm” bởi sự hòa quyện tuyệt vời của hương vị và màu sắc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nói đến món ăn chơi Sài Gòn có khi mất cả ngày cũng không hết. Bởi không chỉ đa dạng trong khẩu vị, các món ăn vặt trên mảnh đất này còn vô cùng phong phú về thể loại. Tới độ chỉ điểm danh riêng các món cuốn, trộn đặc trưng của Sài Gòn thôi cũng đủ thấy hấp lực của nó đối với thực khách ở mọi lứa tuổi.

Gỏi khô bò

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Không ngoa khi nói gỏi khô bò là một trong những món ăn vặt đặc trưng nhất của người Sài Gòn. Một đĩa gỏi nhỏ thôi nhưng với đủ vị chua, cay, ngọt, bùi, mằn mặn cũng đủ khiến bao thế hệ người Sài Gòn nhớ tới.

Cái thú vị của nó chắc là nằm ở sự hòa quyện tuyệt vời của vị gion giòn đu đủ; giòn rụm, thơm bùi đậu phộng; dai dai, ngòn ngọt của miếng khô bò, tan trong miệng bánh phồng… và cuối cùng là chua, cay nổi bật của nước trộn gỏi.

Nếu nhớ món này, bạn có thể ghé đến quán gỏi khô bò xưa nhất Sài Gòn (ngay góc ngã tư Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đa Kao, Q.1), quán mở cửa từ 1h chiều đến 7h tối, nghỉ ngày Chủ nhật. Hoặc tụ tập tại công viên Lê Văn Tám và thưởng thức đĩa gỏi trộn ngon trứ danh tại xe gỏi nhỏ ở góc đường Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, Q.1 từ 2h chiều đến 9h tối.

Bò bía, gỏi cuốn

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Gỏi cuốn, bò bía là những món ăn vặt vô cùng phổ biến của người Sài Gòn, đến nỗi bạn có thể tìm mua nó ở bất kỳ khu ăn vặt vỉa hè, chung cư, trước cổng trường hay khu chợ nào.

Tùy theo khẩu vị của chủ quán mà cuốn gỏi tôm thịt hay bò bía sẽ có đôi chút xê xích về nguyên liệu, nhưng tựu chung một cuốn gỏi thường là sự kết hợp của thịt ba chỉ, tôm luộc, tai heo, bún, giá, hẹ, rau sống tươi rói… còn bò bía lại trộn củ sắn hấp, lạp xưởng, ruốc, xà lách... làm nhân.

Tuy nhìn, hay nghe kể đây thì cách làm có phần đơn giản nhưng để có cuốn bò bía, gỏi cuốn ngon đòi hỏi người bán không ít dụng công, từ chuẩn bị, sơ chế từng nguyên liệu đến tạo điểm nhấn với nước chấm. Nước chấm ăn kèm hai món cuốn này thường là tương hoặc mắm nêm. Người sành ăn thường đánh giá tương dựa trên độ sánh đặc, độ béo, ngọt vừa đủ góp phần đưa đẩy hương vị cho món gỏi. Còn nếu là mắm nêm, thì mắm nên có vị chua ngọt vừa vặn và tuyệt nhiên không quá mặn.

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Món ăn này được bán nhiều ở các khu ăn vặt gần trường học, trong đó nổi tiếng là quán bò bía trên đường CMT8 đối diện công viên Tao Đàn, quán bò bía trước cổng trường đại học Sài Gòn, đại học Sư Phạm, đường An Dương Vương, Q.5; gỏi cuốn hẻm 359 (359 Lê Văn Sỹ, Q.3), mở cửa từ 2h chiều đến 9h tối hay quán gỏi cuốn Cô Huệ (57 Châu Văn Liêm, P.14, Q.5) mở cửa từ 9h sáng đến 9h tối.

Bánh tráng trộn

Hầu như trên mọi nẻo đường lớn, nhỏ của Sài Gòn đều có sự xuất hiện của những tiệm, xe đẩy bán bánh tráng trộn. Nếu xét về dinh dưỡng, bánh tráng trộn thực tế chả bổ béo gì, nhưng nó lại có một sức hút vô cùng, đến độ mặc dù có khá nhiều lựa chọn nhưng vào lúc cao điếm nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ mua cho được bịch bánh để thỏa cơn ghiền.

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Một bịch tráng trộn tuy đơn giản nhưng lại là sự kết hợp của khá nhiều nguyên liệu với nào là tôm khô, sa tế, ớt, dầu điều, muối tôm, đậu phộng, hành lá, xoài, khô bò, rau răm, mực khô… Mỗi thứ một vị đặc trưng, hòa quyện làm nên món ngon khó cưỡng. Chưa kể đến việc trước khi ngon miệng, bánh tráng trộn đã khiến nhiều người thích mắt bởi vô vàn sắc màu của gia vị, nguyên liệu làm nên món ăn chơi này.

Với món này, bạn có thể tham khảo vài địa điểm bánh tráng trộn trên con đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.3 như bánh tráng trộn Chú Viên (38 Nguyễn Thượng Hiền), bánh tráng Thảo (90 Nguyễn Thượng Hiền), bánh tráng Cô Long (35 Nguyễn Thượng Hiền); các xe bán bánh tráng trước công viên Tao Đàn đường Minh Khai, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoặc tiệm bánh tráng Hưng Phú góc đường Hưng Phú - Võ Trứ, Q.8. Những quán này thường bán từ tầm 3h chiều đến khoảng 9h tối.

Bánh tráng cuốn

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Ra đời sau bánh tráng trộn nhưng những khoanh bánh tráng cuốn dẻo thơm, beo béo cũng tạo được sức hút đáng kể với nhiều thực khách.

Tuy cách thức chế biến đơn giản nhưng với việc hòa trộn nhiều gia vị hấp dẫn gồm: tôm khô chấy giòn, trứng, rau răm, hành lá, sa tế đậm đà, cùng xốt bơ beo béo… bên trong lớp bánh tráng tôm dẻo mặn, sau đó cắt khúc nhỏ vừa miệng, bánh tráng cuốn thực sự là món ngon khó cưỡng với những tín đồ của các món quà vặt. Ở nhiều nơi, người bán còn biến tấu và cho thêm vào nhân bánh phồng, gạo lức sấy giòn… để tạo nét quyến rũ riêng cho quán.

Để thưởng thức món ngon này, bạn có thể ghé đến quán Dì Thảo (32/131 Ông Ích Khiêm, Q.11) mở cửa từ 10h sáng đến khuya, quán bánh tráng cuốn Tự Lập (1094 Tự Lập, Q.Tân Bình) mở cửa từ 4h chiều đến 9h tối; hay tiệm bánh tráng cuốn cô Giang (61 Cù Lao, Q.Phú Nhuận) mở cửa từ 6h tối đến khuya.

Bò cuốn lá lốt

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Nếu có dịp đi ngang con đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.1, vào tầm 3h chiều đổ đi, bạn sẽ nhận ra sự xuất hiện náo nhiệt của món bò cuốn lá lốt trên đất Sài Thành. Đây cũng là địa điểm mà nhiều người nghĩ ngay đến mỗi khi bỗng thèm món này.

Lớp lá lốt cuốn bên ngoài hỗn hợp nhân thịt băm nhuyễn, ướp gia vị đậm đà khi đem nướng trên lửa than hoa sẽ hòa quyện tạo nên một thứ hương vị quyến rũ lạ kỳ. Chưa hết, khi được kết hợp với bánh tráng, xà lách, rau thơm, chuối chát, dưa chuột, khế chua, chấm cùng mắm nêm chua ngọt, món ăn sẽ trở thành một thể hoàn chỉnh, đưa người ăn từ tốn lướt qua từng cung bậc của vị giác.

Ngoài khu Nguyễn Hữu Cảnh, trên những con đường như Tôn Đức Thắng, Q.1; Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 vào ban đêm cũng có bán nhiều món này.

Bánh cuốn nóng

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Nhắc đến món cuốn không thể bỏ qua món bánh cuốn nóng, một trong những món bánh ăn sáng, ăn chơi, lẫn ăn no của người Sài Gòn.

Để đổ được lớp bánh mỏng vỏ, dẻo trong, thơm lựng để bọc kín lớp nhân thịt, sắn… bên trong chẳng phải là việc đơn giản. Và dù là quán lớn hay bé thì bánh cũng sẽ được đổ theo cách thức truyền thống trên mảnh vải phin mỏng bên dưới nồi nước sôi sùng sùng. Bánh làm xong, người ta phết một chút mỡ rồi rắc một ít tôm chấy lên mặt bánh, cho thêm chút giá hấp ngay trên mặt lò tráng bánh, rồi dọn ăn cùng nước mắm.

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Mặc dù ngày nay có khá nhiều biến thể với đủ loại nhân nhưng bánh cuốn với nhân truyền thống thịt bằm vẫn có sức sống riêng không thể thay thế. Một buổi sáng hiu hiu, được ngồi cạnh nồi nước hấp bánh khói tỏa nghi ngút, thưởng thức chiếc bánh nóng mới ra lò thì còn gì tuyệt bằng.

Ở Sài Gòn có vô vàn quán bán bánh cuốn lớn nhỏ trong đó được biết đến nhiều nhất là quán bánh cuốn Tây Hồ (127 Đinh Tiên Hoàng, Q.1; 271 Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận), mở cửa từ 5h30 sáng đến 9h tối; Bánh cuốn Hải Nam (11A Cao Thắng, Q.3), mở cửa từ 6h30 sáng đến 11 đêm hay bánh cuốn Thiên Hương (155 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), mở cửa từ 6h đến 9h tối.

Bánh ống lá dứa

Me man voi cac mon 'cuon cuon, tron tron' kieu Sai Gon

Bánh ống lá dứa, món ăn đặc trưng của miền Tây từ lâu đã “góp mặt” trong danh sách những món ăn vặt yêu thích của người Sài Gòn. Bánh sau khi được trộn từ hỗn hợp khoai mì nghiền, gạo tấm, bột gạo nếp, xác dừa, đường, nước cốt lá dứa… sẽ được hấp chín bằng hơi nước trong ống nhôm, rồi được ép chặt trong miếng bánh tráng gạo, rắc lên trên nhúm dừa sợi non beo béo, chút muối mè mằn mặn.

Nếu ở gần khu Q.5 bạn có thể ghé đến gánh bánh ống nằm ở góc ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ, Q.5. Còn nếu đi về hướng Q. Phú Nhuận bạn có thể tạt vào quán bánh ống lá dứa ngay góc ngã tư Phú Nhuận trên đường Phan Đình Phùng, Q. Phú Nhuận, từ 3h chiều đến tối.

NGUYỄN AN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI