Mẹ cõng củi về nhà

14/04/2021 - 18:59

PNO - Từ rừng về nhà tôi đi sau lưng mẹ. Kĩu kịt gánh củi trên vai, lưng áo mẹ từ cổ xuống thẫm màu dần đi, sau đó ướt đầm như tắm.

Đầu hè, sau khi sạ xong mấy đám ruộng, mẹ sẽ vào núi kiếm củi. Mỗi lần mẹ gánh về hai bó, chất dồn hết bó nọ tới bó kia lâu cũng thành núi củi to, kín cái chái sau nhà.

Củi thì đương nhiên ai cũng thấy; riêng nỗi nhọc nhằn của mẹ chắc chắn chỉ mình tôi biết. Nói vậy bởi vì tôi tính ham vui nên hay đòi theo mẹ…

Hôm nào đi nhặt củi, mới 3 giờ sáng mẹ đã dậy. Mẹ lui hui nhóm lửa bập bùng dưới cái bếp củi, ngồi canh lửa cho tới lúc cạn nồi cơm. Xong mẹ tắt bếp, ủ than rồi lên nhà gọi tôi dậy chuẩn bị ăn cơm. Gọi gì nữa, từ lúc mẹ lục đục tôi đã dậy trước để “canh”, sợ mẹ lén đi một mình. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi ham lên núi để nhặt củi thì ít, mà lặn lội tìm sim, dúi dẻ, sâm nam thì nhiều. Có tôi mẹ sẽ khổ gấp đôi, nhưng tôi cứ nằng nặc xin theo, mẹ thương con gái nên không đành từ chối. 

Ăn cơm xong, mẹ con sẽ vác rựa, vác đòn xóc vào rừng. Chính xác là mẹ vác, còn tôi đi tay không.

Đoạn đường từ nhà vào rừng phải băng qua xóm, qua cánh đồng, qua sông, qua bãi cát dài, qua thêm một dải đồng hoang. Chưa hết, tới bìa rừng lại phải lội vào sâu mới mong có củi. Trảng mé ngoài đã bị những người đi trước “càn đi càn lại” giờ còn toàn bụi gai. 

“Đoàn quân” lấy củi tập trung trên chục người, cứ lặn lội theo mẹ - người có “thâm niên” nhất đám. Khi tới một trảng đất bằng, mẹ chọn đó làm điểm tập kết. Giấu đòn xóc xong, mạnh ai nấy vác rựa tản đi các hướng tìm củi…

Tôi đi theo mẹ. Rừng chằng chịt gai. Để lấy được củi, mẹ phải phá gai rồi lựa cây củi khô dưới đất, chọn loại gỗ cháy đượm, ít mối mọt mà chặt thành khúc. Chặt gom được nhiều nhiều thì bứt dây bó tạm, đội xuống nơi tập kết ngồi làm bó chính.

Đầu tiên, hai khoanh dây rừng tròn được mẹ bện chắc, đặt song song trên mặt đất, sau đó mẹ sắp củi vào. Củi đã được mẹ chặt đoạn như nhau bằng cách đo theo chiều dài thân rựa. Mẹ sắp từ từ cho tới lúc đầy củi trong hai dây rồi khéo léo dựng đứng chúng lên.

Bó củi đã thành hình, nhưng còn lỏng, cần phải chêm. Dùng vài thanh củi vạt nhọn đầu mẹ cắm, đóng chêm vào giữa bó để hai cái niềng dây thít củi thật chặt. Giờ thì tôi có thể chắc chắn một điều: bó củi mẹ làm dù có tung lên cao ném bịch xuống đất vẫn chỉ lăn qua lăn lại chứ không bao giờ bung dây.

Làm xong hai bó củi vẫn còn một công đoạn quan trọng cuối cùng trước khi hoàn tất: xóc đòn xóc vào bó! Đòn xóc trông hệt như cây đòn gánh, khác cái có hai đầu nhọn dùng để xóc thẳng vào hai bó củi mà gánh. Phải xóc đúng ngay giữa bó thì gánh củi mới “bình”; xóc sâu, chặt để gánh đi củi không bị tuột.

Thao tác ấy cần đến sức một người đàn ông khỏe mạnh. Nhưng mẹ tôi, người đàn bà lực điền, luôn có thể làm việc ấy không kém cạnh đàn ông. Gánh củi của mẹ bao giờ cũng to, nặng hơn người khác; nhưng gánh đi lại đằm, êm, không bao giờ xảy ra “sự cố” giữa đường.

Thường thì sau khi xong phần mẹ, mẹ sẽ nhặt ít củi khô nhỏ nhỏ, bó thành bó nhỏ gọn gàng. Tôi rong chơi trên núi đã đời, nghe tiếng mẹ gọi thì xuống, đã thấy sẵn bó củi khô, có cái đội về mà “lập công” với ba…

*

Từ rừng về nhà tôi đi sau lưng mẹ. Kĩu kịt gánh củi trên vai, lưng áo mẹ từ cổ xuống thẫm màu dần đi, sau đó ướt đầm như tắm. Vậy nhưng mẹ vẫn đi như chạy để còn tranh thủ đặt gánh, quay lại “đội rước” bó củi khô cho tôi.

Hôm nào tới bến sông rước củi cho mẹ, ba cũng vừa ráng sức nâng gánh củi to vật vã vừa than: “Bộ bà tính… cõng núi về nhà luôn hả? Nặng muốn gãy lưng. Ham chi mà ham dữ?”.

Kệ ba nói gì nói, mẹ vẫn đều đặn đi “cõng củi về nhà”. Ai tới nhà chơi thấy “kho” củi của mẹ đều lè lưỡi, vái dài. Chỉ tôi biết: có được cái “kho” kia, mồ hôi của mẹ đổ xuống chắc đã thành… sông! 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI