Kích thích trí thông minh và giao tiếp cho trẻ

13/11/2014 - 06:50

PNO - PN - Hàng loạt nghiên cứu về lợi ích của việc dạy ngôn ngữ cử chỉ đã làm bùng nổ cơn sốt trong giới phụ huynh và trường mầm non ở Mỹ. Việc dạy trẻ ngôn ngữ cử chỉ có thể bắt đầu từ khi trẻ chỉ mới tám tháng tuổi,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mới tám tháng tuổi, chỉ bằng cử chỉ chạm các đầu ngón tay vào nhau, Riley đã có thể cho mẹ của mình biết cô bé muốn uống thêm sữa. Cô bé còn có thể xin được chơi với quả banh, gấu bông, hoặc cuốn sách... dù chưa biết nói một từ nào. Bố mẹ Riley có thể hiểu được nhu cầu và ý muốn của con, nên cô bé không hề có sự khó chịu, quấy khóc. Riley là một trong số những trẻ ở độ tuổi sơ sinh được dạy ngôn ngữ cử chỉ, một phương thức giáo dục mới đã và đang lan rộng khắp cộng đồng người làm bố mẹ và nhà trẻ tại Mỹ, Anh và trên khắp thế giới.

Kich thich tri thong minh va giao tiep cho tre

Tại sao là ngôn ngữ cử chỉ?

Loại ngôn ngữ cử chỉ dành cho trẻ sơ sinh khởi nguồn từ những gia đình có bố mẹ hay chính các bé bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói. Trong cuốn sách Sign With Your Baby tác giả Joseph Garcia, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ cử chỉ và sự phát triển đầu đời của trẻ, phát hiện trong những trường hợp kể trên, các bé đã có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ sớm hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác. Thông thường, phải đến 16-18 tháng tuổi, trẻ mới bắt đầu phát triển khả năng nói, trong khi đó, nếu được dạy ngôn ngữ cử chỉ lúc sáu-bảy tháng tuổi, trẻ đã có thể sử dụng thành thục vào tám tháng tuổi.

Tiến sĩ Elizabeth Bates, nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại Đại học California, cho biết lý do trẻ sơ sinh có thể học được ngôn ngữ cử chỉ là vì chúng mang tính trực quan hơn so với ngôn ngữ nói. Trẻ có thể bắt chước được các động tác tay đơn giản khi nhìn thấy, thay vì phải tự đoán cách sử dụng hàng trăm cơ bắp phức tạp của lưỡi và miệng để phát âm.

Giúp trẻ thông minh và giao tiếp tốt

Nhiều nghiên cứu về thần kinh học cho thấy, các vùng não điều khiển vùng miệng, khả năng nói và vùng não điều khiển tay chân, cử chỉ phát triển gần như cùng lúc và hoạt động song song. Điều này đưa ra lập luận rằng dạy cho trẻ sơ sinh ngôn ngữ cử chỉ có thể kích thích quá trình học nói, học giao tiếp với kho từ vựng phong phú hơn và thậm chí là giúp phát triển trí thông minh.

Với nghiên cứu vào năm 2000, hai tiến sĩ Linda Acredolo và Susan W. Goodwyn phát hiện: những đứa trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ cử chỉ từ năm hai tuổi, khi vào năm lớp 2, sẽ có trí thông minh nhỉnh hơn chúng bạn 12 điểm IQ.

Kich thich tri thong minh va giao tiep cho tre

Theo những chuyên gia ủng hộ dạy ngôn ngữ cử chỉ dành cho trẻ sơ sinh, phương thức giáo dục này giải quyết hoàn toàn được vấn đề của những năm đầu nuôi dạy. Bố mẹ không còn phải tìm cách đoán xem trẻ muốn gì, trẻ sẽ không còn khóc la, làm quấy và giảm gánh nặng sức khỏe và tâm lý cho cả trẻ lẫn bố mẹ. Hơn thế nữa, vì trẻ có thể giao tiếp dễ dàng với bố mẹ, quan hệ của bố mẹ và trẻ sẽ được tạo dựng từ sớm. Trẻ có phần tự lập hơn, nhờ có ý thức rõ ràng hơn về bản thân và những người xung quanh. Chẳng hạn, bố mẹ có thể ra hiệu cho trẻ tự đi lấy quả banh lăn ra xa, thay vì trẻ khóc la đòi người lớn giúp đỡ.

Ám hiệu hay ngôn ngữ?

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống ngôn ngữ cử chỉ dành cho trẻ sơ sinh không hẳn là một “ngôn ngữ” hoàn chỉnh. Khác với các ngôn ngữ cử chỉ dành cho người khiếm khuyết nghe, nói, ngôn ngữ cử chỉ của trẻ sơ sinh mang tính biểu tượng hơn. Có thể nói hệ thống cử chỉ này là một hệ thống ám hiệu và hành vi, tương tự như những cử chỉ vẫy tay chào, chỉ trỏ, lắc và gật đầu,... mà trẻ vẫn được học.

Nếu được chỉ dẫn đúng cách, số lượng ám hiệu mà trẻ có thể học được là rất đáng kể. Một trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ cử chỉ từ bốn-sáu tháng tuổi, sau một vài tháng có thể học được từ 35-50 dấu hiệu. Việc dạy trẻ ngôn ngữ cử chỉ khá đơn giản. Người lớn chỉ việc làm mẫu động tác và chỉ đến vật thể, hoạt động mà dấu hiệu đó tượng trưng. Cùng lúc, nếu người hướng dẫn liên tục nói ra từ chỉ sự vật cùng lúc với làm động tác, sẽ giúp trẻ có khả năng liên hệ giữa ngôn ngữ cử chỉ và ngôn ngữ nói.

 XUÂN HẠO

Bài 2: Giúp bé biểu lộ cảm xúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI