Không cần đánh đòn, con vẫn ngoan nếu bố mẹ làm được những việc này

20/09/2016 - 06:15

PNO - Ngoài đánh đòn, cha mẹ không thiếu cách để dạy dỗ con cái và đồng thời cũng khiến bản thân mình bình tĩnh hơn, thành công hơn trong việc nuôi dạy con.

Có nên dạy trẻ bằng đòn roi? - Băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ

Việc lựa chọn phương pháp nào để rèn giũa con nên người là nỗi băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ, nhất là với những người lần đầu được “lên chức”. Hầu hết các bậc cha mẹ hiện đại đều suy xét đến chuyện có nên dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ hay không nhưng rồi đa phần cũng tặc lưỡi cho qua vì không biết làm gì khác.

Chia sẻ về vấn đề này, chị H. (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Bé Nấm nhà mình khá nóng tính và thường không thích bị chê bai, áp đặt phải làm thế này phải làm thế kia. Khi bé đang tức giận mà càng nói thì bé sẽ càng nổi loạn. Mình là mẹ nên rất hiểu tính cách của con nhưng gia đình mình lại ở chung với ông bà nên nhiều lúc rất khó xử”.

Một buổi chiều chị H. đi chợ, bé Nấm ở nhà chơi với ông nội thì có khách đến chơi. Lúc ấy bé Nấm đang ngồi vẽ, khách đến hỏi bé đang làm gì thì bé trả lời là đang vẽ con thỏ rồi cho khách xem.

Khách xem xong thì liền chê bé vẽ xấu, không giống con thỏ rồi con thỏ không được tô màu hồng mà phải để nền trắng,… Nấm lập tức sa sầm mặt, tức giận chạy đến chỗ để giầy rồi ném thẳng đôi giầy của khách ra đường.

Ông nội bắt phải xin lỗi khách nhưng bé nhất định không chịu. Chị H. vừa đi chợ về đã nghe ông bà nội kể lại chuyện rồi ông bà bảo phải đánh Nấm một trận thôi chứ hư quá rồi…

“Đây không phải lần đầu tiên con mình như thế và mình cũng không bao giờ đánh con trước mặt khách hay ông bà vì mình hiểu như thế sẽ làm con xấu hổ và càng hành động tiêu cực hơn mà thôi”, chị H. tâm sự.

Khong can danh don, con van ngoan neu bo me lam duoc nhung viec nay
Nhiều bậc cha mẹ không muốn dùng đòn roi để dạy con nhưng lại không biết phải làm thế nào cho đúng.

“Khi con hành động như vậy, mình thường xin lỗi thay con rồi đưa bé ra chỗ khác thủ thỉ hỏi han con vì sao con lại làm thế, phân tích cho con hiểu thế nào là đúng, là sai rồi dặn dò con phải làm thế nào cho đúng. Ngay lúc đấy thì con sẽ ngoan ngoãn nghe theo nhưng rồi đâu lại vào đấy. Ông bà lại điệp khúc “phải đánh đòn mới nên người", mình không biết phải làm thế nào cho đúng nữa”…

Nên làm thế nào cho đúng?

Thông thường nhiều bậc cha mẹ không hề muốn đánh đòn con em mình nhưng họ lại không biết làm thế nào để dạy dỗ chúng cho đúng. Các nghiên cứu mới nhất của nhà xã hội học Murray Atraus (Trung tâm Family Research Laboratory – ĐH New Straus) khẳng định rằng phạt bằng đòn roi sẽ dạy con trẻ cách sử dụng bạo lực và thái độ hiếu chiến để có được những gì chúng muốn.

Đánh đòn trẻ em chỉ có tác dụng duy nhất là dạy cho chúng hành vi bạo lực - điều mà chắc chắn không ai làm cha mẹ mong muốn. Không chỉ thế, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng trẻ em từng bị đánh dễ đánh mất lòng tự trọng, mắc chứng trầm cảm và chấp nhận việc được trả lương thấp hơn khi trưởng thành.

Với tư cách là các bậc cha mẹ, bạn có thể tham khảo những cách sau đây thay vì đánh đòn trẻ:

1. Giữ bình tĩnh

Đầu tiên, nếu bạn cảm thấy giận dữ và mất hết kiểm soát, ngay lúc đó bạn chỉ muốn tét vào mông hay tát vào mặt con thì tốt nhất là bạn hãy đi ra chỗ khác, để nguyên “hiện trường” ở đó, tìm một nơi yên tĩnh để ngồi xuống và bình tĩnh lại.

Trong không gian ấy, bạn có thể tìm ra cách để nói chuyện với con thay vì đánh đập chúng, đồng thời cũng sẽ nghĩ ra cách để giải quyết “bãi chiến trường” ở ngoài kia.

Nhiều khi, cha mẹ không thể làm được điều này vì họ đã phải chịu đủ loại áp lực trong cuộc sống thường ngày rồi. Nồi thức ăn đang sôi sùng sục trên bếp, hai đứa con đánh lộn ầm ỹ, điện thoại không ngừng đổ chuông, đứa nhỏ làm đổ cả bát cháo,... tất cả những điều đó sẽ làm bạn đánh mất sự bình tĩnh. Nếu bạn không thể để kệ mọi thứ, hãy hít thật sâu và đếm đến 10, sau đó quay trở lại làm những việc mà bạn cần phải làm.

2. Dành thời gian cho chính bản thân mình

Những bậc phụ huynh không có thời gian cho bản thân thường có xu hướng hay đánh đòn con cái mình hơn bởi vì họ luôn cảm thấy áp lực và sốt ruột vì những công việc còn đang dang dở.

Vì vậy cha mẹ cũng cần dành cho mình một khoảng thời gian đủ để tập thể dục, đọc sách, đi bộ hay cầu nguyện chẳng hạn.

3. Tỏ ra hiền lành nhưng vẫn phải cứng rắn  

Khi trẻ không nghe lời, dặn đi dặn lại nhưng đâu vẫn vào đấy như “nước đổ lá khoai” thì cha mẹ cũng rất dễ bực tức và thường đánh đòn con mình. Chung quy thì cha mẹ đánh con cũng chỉ vì muốn con cư xử theo cách mà mình muốn.

Một giải pháp cho tình huống này đó là ngồi xuống để nhìn vào mắt con bạn, nhẹ nhàng đặt tay lên vai trẻ, nói với con điều mà bạn muốn một cách ngắn gọn với giọng điệu thiện chí nhưng cứng rắn. Ví dụ như: “Con đừng làm ồn khi chơi đùa nhé”.

4. Cho bé lựa chọn

Cho bé lựa chọn là giải pháp mang lại hiệu quả hơn nhiều so với đòn roi. Nếu bé không ăn mà cứ nghịch ngợm với đồ ăn bạn hãy thử hỏi bé: “Con muốn ngừng trò này lại hay con muốn rời khỏi bàn ăn?”,…

Nếu bé vẫn tiếp tục, bạn hãy bế bé khỏi bàn ăn ngay lập tức và nói với bé rằng nếu bé vẫn muốn ăn và hứa sẽ không nghịch ngợm như thế nữa thì bé có thể trở lại bàn ăn.

5. Dạy trẻ về trách nhiệm

Chỉ rõ cho trẻ thấy hậu quả của việc mà mình gây ra sẽ khiến trẻ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình. Ví dụ như trong tình huống con trai bạn nghịch ngợm và làm vỡ cửa kính nhà hàng xóm, nếu bạn phạt con, đánh đòn con thì đôi khi sẽ khiến trẻ nghe lời và nghĩ rằng mình không nên mắc lỗi như vậy nữa. Nhưng đa phần trẻ con sẽ nghĩ rằng nếu lần sau mình mắc lỗi thì chỉ cần nói dối bố mẹ, đổ tội cho người khác hoặc nghĩ cách làm thế nào để không bị bắt tại trận,...

Trẻ có thể tự quyết định mình cảm thấy tội lỗi khi làm sai hay là mình sẽ trốn tránh trách nhiệm hoặc cảm thấy tức giận và tìm cách để cãi lại bố mẹ chúng.

Khong can danh don, con van ngoan neu bo me lam duoc nhung viec nay
Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và giảng giải cho con hiểu đúng sai thay vì dùng đòn roi với trẻ.

Khi bạn đánh con mình, chúng sẽ cư xử theo cách mà bạn muốn vì chúng sợ lại bị đánh lần nữa. Nhưng thật lòng mà nói thì bạn muốn con mình sửa sai chỉ vì sợ mình đánh hay vì con tôn trọng mình?

Cùng một hoàn cảnh đó, khi đứa trẻ làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm và bố mẹ chúng nói: “Mẹ thấy con làm vỡ cửa sổ nhà người ta rồi, vậy con làm thế nào để sửa nó đây?” thì con trẻ sẽ phải nghĩ cách để chuộc lỗi, có thể là cắt cỏ và rửa xe cho nhà hàng xóm nhiều lần để đền bù tổn thất.

Như vậy trẻ rút ra được bài học rằng mỗi khi mắc sai lầm thì cần biết nhận lỗi và cố gắng sửa chữa nó. Trẻ sẽ không cảm thấy hằn học hay tức giận với cha mẹ mình, và quan trọng nhất là lòng tự trọng của bé cũng không  bị tổn thương.

6. Cho trẻ cơ hội để sửa chữa lỗi lầm

Khi con trẻ phá vỡ thỏa thuận giữa cha mẹ và chúng, cha mẹ thường rất tức giận và muốn trừng phạt con mình. Tuy nhiên, có một cách khác để xử lý tình huống đó: Hãy cho trẻ cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.

Để làm được việc này, cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con để nhìn thẳng vào vấn đề và suy nghĩ đến cảm nhận của chúng.

7. Tạm thời tránh đi khi xảy ra xung đột, cãi vã

Khi trẻ làu bàu hay nói những điều không hay sau lưng bạn, bạn có thể kích động và muốn tát con mình. Trong tình huống này, điều tốt nhất bạn có thể làm là kéo tâm trí mình khỏi suy nghĩ tiêu cực ấy ngay lập tức.

Đừng rời khỏi phòng con bạn với sự giận dữ hay với cảm giác thất bại. Hãy bình tĩnh và nói với con: “Mẹ ở phòng bên cạnh, mẹ sẵn sàng nói chuyện với con khi con có thái độ tôn trọng với mẹ hơn”.

8. Hành động một cách dứt khoát

Thay vì đánh vào tay hay tét mông con khi con đụng vào những đồ vật mà cha mẹ không cho con chạm vào, hãy nhẹ nhàng mà dứt khoát bế bé lên và đưa bé sang phòng bên cạnh, đưa đồ chơi để đánh lạc hướng bé và nói: “Con có thể làm điều đó sau”.

Bạn sẽ phải lặp đi lặp lại hành động này nếu lần sau bé vẫn còn tò mò và muốn chạm vào những thứ đó.

9. Thông báo với trẻ trước khi hết thời hạn 

Cha mẹ sẽ trở nên khó xử với một đứa trẻ tỏ ra giận dữ, nóng nảy. Trẻ em thường xuyên cáu gắt khi chúng không hiểu chuyện gì xảy ra hay cảm thấy bất lực. Thay vì nói với con:  “Chúng ta về nhé” và đứng lên ra về, hãy thông báo trước với trẻ: “5 phút nữa mẹ con mình về nhé”. Điều này giúp con có thời gian để hoàn thành nốt những việc chúng đang làm dở.

Hãy nghĩ đến viễn cảnh một gia đình không cần đến bạo lực, thay vào đó là hợp tác ăn ý với nhau để giải quyết vấn đề và dạy dỗ con cái. Ngoài đánh đòn, cha mẹ không thiếu cách để dạy dỗ con cái và đồng thời cũng khiến bản thân mình bình tĩnh hơn, thành công hơn.

Hồng Anh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI