Khi trẻ hỏi tại sao

21/09/2015 - 16:04

PNO - Những câu hỏi ấy với người lớn đôi khi có vẻ rất vô lý, nhưng thực sự đó là một giai đoạn cần thiết trong sự phát triển trí óc của trẻ.

Bất kỳ phụ huynh nào cũng từng phải đối mặt với một vấn đề đau đầu: thiên thần nhỏ của mình luôn miệng hỏi tại sao, tại sao. Trẻ hay hỏi dồn và hỏi tới cùng, khiến cha mẹ lắm khi phải vò đầu bứt tai.

Khi tre hoi tai sao
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Thái độ lắng nghe quan trọng hơn câu trả lời

Vào khoảng ba tuổi, trẻ nhỏ bắt đầu nhận thức về bản thân mình như một cá thể độc lập và chúng luôn muốn chứng tỏ với người lớn sự độc lập tự chủ và tự do của chúng.

Nhu cầu được kết nối cảm xúc với cha mẹ của trẻ rất mạnh mẽ. Nói một cách đơn giản, trẻ vẫn cần sự chú ý. Chúng không thể hiện điều đó bằng những cách thức quen thuộc mà chúng từng làm trước kia. Ngược lại, đứa trẻ dường như đẩy bạn ra xa bằng câu “để con tự làm!”.

Nhưng cùng lúc đó, bé đồng thời cũng sợ bạn sẽ rời xa bé. Và những câu hỏi lúc này là một cách đặc biệt để trẻ nhận được sự chú ý của cha mẹ mà không cần phải nói ra. Mong muốn gần gũi cha mẹ được che giấu dưới chiếc “mặt nạ” là… những câu hỏi bất tận.

Đôi khi dòng suối câu hỏi này không bao giờ kết thúc: đó là khi trẻ sợ rằng bạn sẽ không nghe thấy chúng. Và việc được bạn để tâm lắng nghe quan trọng hơn câu trả lời. Vì vậy, đừng phẩy tay với những câu hỏi của trẻ. Hãy để con bạn cảm thấy rằng bạn ở bên cạnh và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ bé.

Không có câu hỏi nào là "vớ vẩn"

Các câu hỏi chính là thước đo chỉ số hoạt động trí tuệ và sáng tạo của trẻ. Trong ba năm đầu, trẻ em nhận biết thế giới rất nhanh chóng. Bé tò mò, quan tâm tới mọi điều mới mẻ.

Các câu hỏi báo hiệu trẻ không chỉ ngạc nhiên vì những điều mới mẻ, mà còn muốn tìm hiểu thêm về nó. Và hàng loạt những tình huống “tại sao?” đều gắn liền với khao khát khám phá thế giới. “Tại sao con chó không biết bay?”, “Tại sao chiếc bánh này vuông, chiếc bánh kia tròn?”.

Những câu hỏi ấy với người lớn đôi khi có vẻ rất vô lý, nhưng thực sự đó là một giai đoạn cần thiết trong sự phát triển trí óc của trẻ. Ngay cả việc nghĩ ra câu hỏi cũng cần tư duy kia mà! Vì vậy, có thể nói càng nhiều câu hỏi “tại sao?” bạn có thể hiểu rằng trẻ càng sáng tạo.

Cần lưu ý rằng, những trẻ bị chậm phát triển hầu như không đặt câu hỏi như vậy. Trong giai đoạn trẻ năm-sáu tuổi, câu hỏi “tại sao?” chính là mong muốn hiểu được mối quan hệ nhân quả giữa các sự việc và hiện tượng. Trẻ trở nên có ý thức hơn, và các bậc cha mẹ dễ dàng trả lời các câu hỏi hơn.

Những câu hỏi có vẻ nghiêm túc

Đôi khi, trong một loạt các câu hỏi “vớ vẩn” của trẻ đột nhiên xuất hiện những câu như: “Mẹ ơi, vì sao mấy người kia không có nhà ở?”, “Tại sao người ta chết?”.

Trả lời các câu hỏi đó, bạn đừng trấn an trẻ theo kiểu: “Con sẽ không bao giờ bị như vậy”, “Điều đó còn lâu mới xảy ra với con”. Tốt hơn hết bạn hãy tự hỏi mình vì sao trẻ lại đặt ra những câu hỏi như vậy? Thông thường các câu hỏi này phát sinh như một cách phản ứng trước một số tình huống.

Tất nhiên, có nhiều cách để trả lời cho trẻ, và mỗi câu hỏi như vậy cần được trả lời dựa vào tình huống cụ thể. Hãy yêu cầu con bạn nói về những gì bé nhìn thấy hoặc nghe thấy. Trò chuyện với con, cho con thấy sự quan tâm của bạn với những điều đó.

Nếu cha mẹ không trả lời câu hỏi liên quan đến các vấn đề của cuộc sống, trẻ em sẽ lớn lên mà không trưởng thành, không được chuẩn bị cho sự hiểu biết các vấn đề và cách giải quyết chúng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI