Hội nhập nhưng vẫn tha thiết với giá trị truyền thống

18/07/2025 - 11:09

PNO - Đỗ Thị Ngọc Anh - cô gái từng nhận danh hiệu “Đại sứ quốc tế” của Trường đại học Tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga - đã gửi đến Báo Phụ nữ TPHCM những trải nghiệm đáng nhớ về hành trình quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè thế giới, cũng như nỗ lực giúp thế hệ trẻ gìn giữ nét đẹp truyền thống trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đỗ Thị Ngọc Anh (thứ ba từ phải sang) cùng các bạn sinh viên trong một buổi giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đỗ Thị Ngọc Anh (thứ ba từ phải sang) cùng các bạn sinh viên trong một buổi giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mỗi người trẻ là một đại sứ văn hóa

Nhiều người lo lắng nói với tôi rằng khi thế hệ trẻ rành ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ và trở thành công dân toàn cầu, những giá trị về truyền thống dân tộc sẽ ít nhiều phai nhạt, không được quan tâm đúng mức.

Riêng tôi không nghĩ việc các bạn trẻ nói tiếng Anh như gió, xem phim, nghe nhạc bằng nhiều ngôn ngữ và trở thành công dân toàn cầu sẽ khiến các giá trị truyền thống bị mai một. Ngược lại, tôi tin ngoại ngữ chính là một công cụ mạnh mẽ để gìn giữ và quảng bá những giá trị tốt đẹp đó. Câu chuyện của tôi có thể là một ví dụ.

Danh hiệu Đại sứ quốc tế thực sự là một trải nghiệm vô cùng đáng tự hào và có ý nghĩa lớn trong cuộc đời tôi. Tôi học khoa quốc tế cùng các sinh viên Nga, Trung Quốc, Mông Cổ, Kyrgyzstan, Tajikistan… Với tâm thế sẵn sàng trải nghiệm, tôi luôn tích cực tham gia các câu lạc bộ sinh viên, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế. Chúng tôi giúp đỡ các sinh viên mới hòa nhập, đồng thời giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đây cũng là cơ hội để trau dồi khả năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ bạn bè, xóa bỏ những rào cản, định kiến.

Suốt quá trình học, chúng tôi thường tổ chức các buổi giới thiệu văn hóa Việt Nam. Ngoài tiết mục múa quạt, chúng tôi còn có tiết mục múa rối. Điều này thực sự là một bất ngờ lớn với thầy cô và bạn bè quốc tế. Họ chưa từng thấy hình thức nghệ thuật nào độc đáo như vậy, với những con rối di chuyển sống động. Sau buổi biểu diễn, rất nhiều bạn bè đã đến hỏi han, bày tỏ sự tò mò. Thậm chí một thầy giáo Nga còn hài hước ngỏ ý “mượn” con rối để ông mang về nhà trưng bày. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, tự hào.

Tôi nhớ những buổi giao lưu về văn nghệ, nơi đại diện sinh viên Việt Nam biểu diễn múa bài Cò lả duyên dáng, trong khi các bạn Nga trình diễn những điệu múa truyền thống như Kalinka. Chúng tôi cũng có các buổi giao lưu ẩm thực, sinh viên Việt Nam tự hào giới thiệu phở, chả, nem, còn các bạn Nga mời thưởng thức borsch (xúp củ dền), blini (bánh kếp) hay pelmeni (món sủi cảo truyền thống). Chúng tôi tổ chức những buổi triển lãm giới thiệu phong cảnh Việt Nam như vịnh Hạ Long huyền ảo, phố cổ Hội An nên thơ, cánh đồng lúa bát ngát ở Mù Cang Chải… bên cạnh những bức ảnh tuyệt đẹp của sinh viên Nga về mùa thu lá vàng lãng mạn, những rừng bạch dương và cảnh quan cổ kính như Kolomenskoye hay Tsaritsyno ở Moscow.

Trong các diễn đàn sinh viên quốc tế, sinh viên Việt Nam chúng tôi tự tin tham gia thuyết trình về nhiều vấn đề, mang đến góc nhìn đa chiều. Chính ngoại ngữ và khả năng kết nối đa quốc gia đã giúp tôi có thể nói với bạn bè quốc tế nhiều hơn về đất nước Việt Nam xinh đẹp, hòa bình và thân thiện.

Một tiết mục văn nghệ truyền thống của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh do nhân vật cung cấp
Một tiết mục văn nghệ truyền thống của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh do nhân vật cung cấp

Gia đình, quê hương luôn là giá trị cốt lõi

Giờ đây, khi đã trở về và có duyên với công việc dạy ngoại ngữ, trong các bài giảng, đặc biệt là các bài luyện thi chứng chỉ quốc tế, tôi thường lồng ghép các chủ đề về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; các giá trị của gia đình, tình thân. Ví dụ, khi dạy về miêu tả món ăn, tôi khuyến khích các em giới thiệu phở, cơm tấm; khi nói về danh lam thắng cảnh, chúng tôi sẽ đề cập vịnh Hạ Long, Hội An… Điều này không chỉ giúp các em luyện tập ngôn ngữ mà còn tăng cường sự hiểu biết và tình yêu với văn hóa nước mình.

Ngoài ra, việc học ngoại ngữ còn giúp các em tiếp cận nhiều nguồn thông tin, nhiều nền văn hóa. Tôi hướng dẫn các em cách chọn lọc, phân tích và so sánh. Trong đó, tôi đặc biệt áp dụng phương pháp Linearthinking, cụ thể là tư duy “Specify” (cụ thể hóa), giúp các em có góc nhìn đa chiều, khách quan hơn về các chủ đề khác nhau trong xã hội hiện tại. Từ đó, các em sẽ hình thành tư duy cởi mở nhưng vẫn giữ vững lập trường, biết chọn lọc những giá trị tốt đẹp từ bên ngoài để làm giàu thêm hiểu biết bản thân, làm dày thêm phông nền văn hóa.

Trong nhịp sống hiện đại, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc dung hòa giữa các giá trị truyền thống và xu hướng thời đại, nên luôn tìm cách để học sinh hiểu được tình thân và gia đình mãi là giá trị cốt lõi. Dù nhịp sống có hiện đại, thế giới có phẳng, xã hội có hội nhập đến mức nào, gia đình, quê hương luôn là nguồn cội, là nơi tìm thấy sự yên bình, là điểm tựa vững chắc để mỗi cá nhân có thể tự tin vươn ra thế giới.

Thạc sĩ Đỗ Thị Ngọc Anh

- giảng viên DOL English

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI