Gọi điện cho con

19/05/2025 - 14:10

PNO - Các bậc phụ huynh có con xa nhà hay than phiền bọn trẻ có thể dành mấy tiếng đồng hồ chơi game, lướt mạng xã hội nhưng hiếm hoi lắm mới gọi cho cha mẹ. Vậy nhưng, ít cha mẹ nào thử nhìn lại chất lượng cuộc nói chuyện của mình với con. Công việc dạy học cho tôi cơ hội quan sát, trò chuyện với nhiều sinh viên để tìm lời giải.

Những cuộc gọi vội vã

“A lô, con hả? Con ăn cơm chưa? Nay ăn gì? Sao không nấu cơm ở nhà?” - điệp khúc đó luôn xuất hiện trong các cuộc điện thoại giữa chị Hằng và con gái.

Khi con bắt đầu đi học xa, mẹ con quy ước với nhau: mẹ gọi thì con phải nghe máy; có việc gì bận phải nhắn tin, sau đó gọi lại liền. Con đi mấy tháng, chị than phiền: nó bận suốt, tối về mới gọi lại, nhiều bữa qua ngày hôm sau, mình có gọi thì nó trả lời, không thì thôi. Mấy chị bạn an ủi: “Dù sao con gái bà còn nghe điện thoại mẹ gọi. Mấy thằng con tui dù mẹ gọi mòn mỏi cũng không bắt máy. Thôi chịu vậy, ở nhà nó còn không nói chuyện với mình, huống gì đi xa”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngọc Thủy - sinh viên - cho rằng những lần điện thoại cho cha mẹ thường là những cuộc nói chuyện gượng gạo, không thoải mái. Người trẻ khó mở lòng chia sẻ hết những suy nghĩ. Đôi khi, những câu hỏi kiểu lục vấn từ đầu kia điện thoại càng làm đứa trẻ mới lớn bên này co mình lại, dựng tường phòng thủ, mặc áo giáp hoặc đơn giản là ừ hử cho qua.

Cha mẹ, với tình thương, sự lo lắng cho con, thường dặn dò chi tiết đủ thứ. Nhưng những lời khuyên dặn cũng có một phần tác dụng ngược: bộc lộ định kiến của phụ huynh và khiến con né tránh, che giấu khi có việc không phù hợp với cách nghĩ của cha mẹ.

Nhiều chị điện thoại cho con như một nhu cầu tâm sự, chia sẻ, đôi khi quên mất câu chuyện của mình không phải là sự quan tâm của con. Người viết từng chứng kiến mấy cô bé sinh viên dễ thương bận rộn nghiêng qua nghiêng lại trước tấm gương trong phòng tập, chiếc điện thoại trên tay được dùng như vật làm duyên, hết đưa ra xa chụp hình rồi vòng tay, nghiêng đầu áp má. Từ trong điện thoại, người mẹ vẫn đang kể một câu chuyện dài dằng dặc về mấy bà nào đó trong xóm. Thỉnh thoảng cô con gái “ủa, vậy hả”, “dạ”. Mấy tiếng ngắn ngủi ấy như có tác dụng tăng năng lượng cho người mẹ tiếp tục nói, không biết mình đang trong cuộc độc thoại miên man.

Bạn trẻ cũng không thực sự muốn kể cho cha mẹ tất cả mọi điều về cuộc sống hiện tại của chúng, ngay cả khi cha mẹ hỏi trực tiếp, kỹ lưỡng. Dù biết rằng cha mẹ chỉ quan tâm đến mình nhưng người trẻ cảm thấy cần xác định những ranh giới nhất định. Riết rồi những cuộc điện thoại giữa cha mẹ và con chỉ còn là chuyện mấy giờ đi học, đi làm về; hôm nay ăn gì, nên ăn cái này, ăn cái kia; trời lạnh nhớ mặc áo ấm… Và sau những dạ, vâng ngoan ngoãn của đứa con, cuộc trò chuyện nhạt dần, trượt ra ngoài cuộc sống thực.

Cha mẹ cần làm chủ cuộc trò chuyện

Điều gì khiến con không thích trả lời điện thoại mẹ? Cô bạn Thùy Ngân kể: “Mẹ con hay mở loa ngoài mà không nói với con, nhiều khi còn có người khác cùng nghe. Có những chuyện con chỉ muốn nói với mẹ nhưng mẹ cứ mở loa. Con kể chuyện gì, mẹ cũng khoe với hàng xóm”.

Một lý do chung thường được bạn trẻ viện ra là bận học, bận đi làm, không có thời gian. Cha mẹ biết đó chẳng phải lý do thực sự nhưng rồi ai cũng vin vào lý do đó để tự an ủi rằng không phải con mình không thương cha mẹ, chỉ vì nó bận quá, rồi sau này nó sẽ hiểu.

Trong tâm thức chung của cộng đồng, gọi điện cho cha mẹ vừa là đặc ân bởi còn nghe giọng nói của cha mẹ là hạnh phúc, vừa là trách nhiệm bởi người lớn tuổi thường có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi, con cái cần gọi điện để an ủi và thể hiện lòng biết ơn. Những cách nghĩ này đều đúng nhưng không góp phần làm tăng chất lượng cuộc trò chuyện. Chiếc điện thoại thông minh không giúp cha mẹ và con cái thực sự hiểu nhau.

Đòi hỏi lớp trẻ phải nhớ thương cha mẹ, phải cởi mở chuyện trò, phải lắng nghe sâu sắc… đều là không thực tế. Bản thân người làm cha mẹ, với chừng đó tháng năm, kinh nghiệm sống, tình yêu thương, phải là người đặt mình vào vị trí của con, làm chủ cuộc trò chuyện với con, nỗ lực cho chất lượng của câu chuyện đó.

Trò chuyện qua điện thoại vốn không phải là hội thoại tự nhiên của con người mà là một kỹ năng phải chủ động tập luyện. Khi những cánh chim non sắp rời tổ, có phụ huynh nào nghĩ mình phải tập trò chuyện với con?

“Phụ huynh gọi hả, từ từ gọi lại có sao đâu!”

Một nhóm sinh viên năm hai cho biết ba rất ít - hầu như không bao giờ gọi điện cho con. Nếu ba gọi thì sao? Chỉ cần thấy điện thoại hiển thị người gọi là ba, con thấy tình hình căng lắm rồi. Với nhóm bạn này, khi thấy cuộc gọi đến từ ba hoặc mẹ, phản ứng tự nhiên không phải là bắt máy mà là để chuông reo vài hồi, dành thời gian suy nghĩ xem có chuyện gì không, phụ huynh đang muốn gì ở mình. Khi đã chuẩn bị tinh thần và cảm thấy ổn, không có tội lỗi gì, họ sẽ bấm máy trả lời. Còn không thì cứ… để đó, mặc kệ cha mẹ chờ, lát rảnh họ sẽ gọi lại sau. Cũng có khi những đứa con từ chối gọi lại như một cách né tránh cha mẹ.

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI