Giúp con cách ứng xử khi bạn gái có... người khác

29/05/2017 - 06:30

PNO - Ba mẹ có thể giúp con bằng cách cùng con bàn giải pháp, ví dụ gặp cậu bạn kia để giảng hòa hay nhờ giáo viên làm người thứ ba hóa giải mâu thuẫn.

Con trai tôi đang học lớp 8, ít nói và lành tính. Tôi vẫn quan sát con rất kỹ, luôn lắng nghe và tôn trọng con. Khi con nói con có “bạn gái”, một cô bé học cùng lớp, tôi không tỏ ý can thiệp hay la mắng gì, chỉ hỏi han bình thường.

Chồng tôi thi thoảng vẫn đưa con đi chơi, nói chuyện riêng, kể cho con nghe về mối tình đầu của mình, con trai cũng vui vẻ kể chuyện mình cho ba nghe.

Giup con cach ung xu khi ban gai co... nguoi khac
Ảnh minh họa

Tôi hiều, tình cảm đó của con chỉ là những rung động thoáng qua, cha mẹ nên theo dõi, định hướng cho con. Mới đây, đi công tác Malaysia về, chồng tôi còn mua hai cái nón giống nhau, bảo con mang tặng cô bạn một cái. Con hơi ngạc nhiên nhưng cũng đồng ý.

Vậy mà hôm qua, nghe tôi hỏi về cô bạn, con tôi tỉnh bơ: “chia tay rồi”, không tỏ vẻ gì buồn hay khó chịu. Hỏi lý do, cháu nói gọn lỏn: “Bạn ấy có người khác”. Tưởng vậy là thôi nhưng chiều hôm đó, chồng tôi hốt hoảng gọi về nói con đang đánh nhau trước trường.

Tôi đến, con giải thích lý do: “Con đưa cho bạn trai ấy cái nón, nói là đội cho có cặp, con không thèm dùng nữa, nhưng bạn ấy nói con “láo”, rồi sinh chuyện”. Vợ chồng tôi lo sẽ còn nhiều việc không hay nữa, chúng tôi nên khuyên giải con thế nào?

Song Anh
(TP.HCM)

Chị Song Anh mến,

Cách ứng xử của anh chị khi biết con trai có bạn gái như vậy là rất khéo léo. Nhiều gia đình biết con yêu đương ở độ tuổi cấp II thì không chấp nhận, lập tức la mắng, cấm đoán. Đúng như anh chị nghĩ, chuyện tình cảm ở tuổi này thường thoáng qua, chóng thích mau tàn, cha mẹ không nên trầm trọng hóa vấn đề mà ngăn cản.

Càng cấm con càng giấu, càng bướng bỉnh yêu cho bằng được. Khi đó, cha mẹ sẽ khó đồng hành cùng con, giúp con khi cần. Khi cháu đưa nón cho bạn trai mới của bạn gái, có thể vì cháu không muốn đội nữa, do cũng có chút buồn, ghen vì bạn gái có người khác, muốn làm như thế xem phản ứng của hai người kia như thế nào…

Tuy nhiên, dù cháu có ý gì khi đưa nón thì cũng sẽ gây cảm giác khó chịu cho cậu bạn trai kia. Việc này đã làm cậu bạn kia tự ái, cho là con chị “láo” nên lời qua tiếng lại và xảy ra xô xát. Sự bốc đồng, tính tự ái, cái tôi lớn… ở tuổi học trò rất dễ khiến các cháu nổi nóng, xung đột.

Anh chị lo “sẽ còn nhiều việc không hay nữa” là cần thiết, vì nếu xung đột không được hóa giải có thể dẫn đến những mâu thuẫn lớn hơn. Nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra bắt đầu từ những cãi vã, mâu thuẫn nhỏ như thế.   

Lúc này, anh chị có thể giúp con bằng cách cùng con bàn giải pháp, ví dụ gặp cậu bạn kia để giảng hòa hay nhờ giáo viên làm người thứ ba hóa giải mâu thuẫn… Quan trọng nhất là anh chị phải giúp con nhận ra đúng sai, biết đặt mình vào vị trí của cậu bạn kia mà thông cảm, bỏ qua chuyện vừa rồi. Nếu để cháu còn ấm ức trong lòng sẽ khó tránh khỏi những xung đột tiếp theo.

Anh chị có thể phân tích cho cháu hiểu tâm lý của cậu bạn, dù con có ý tốt, tặng họ cho đủ cặp khi con không dùng nữa, thì họ cũng sẽ tự ái, tức giận cho là con đang khiêu khích họ, thể hiện với họ… Anh chị có thể đặt câu hỏi cho con tự suy nghĩ: "Nếu con là bạn đó con có nhận mũ đội cho có cặp không?". 

Khi con thấy cha mẹ không la mắng mà còn chia sẻ, góp ý phân tích, giúp con hiểu tâm trạng của chính mình và đối phương để giải tỏa mâu thuẫn, con chị sẽ tránh được những cảm xúc tiêu cực, nhận rõ sự yêu thương từ cha mẹ và sẽ hành xử bao dung với bạn hơn. Chúc anh chị tiếp tục vừa là cha mẹ, vừa là bạn đồng hành của con mỗi ngày!

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI