Gia đình tôi giống 'phường chèo, gánh hát', không bao giờ buồn chán

30/03/2017 - 16:22

PNO - Tôi cực kỳ thần tượng bố. Ông là người đã giúp tôi nuôi dưỡng đam mê và đến với nghề giáo. Từ nhỏ, bố đã chẳng bao giờ đặt áp lực với con cái về điểm số.

Nhà thơ, cô giáo Hoàng Bích Ngọc là một minh chứng cho những câu chuyện xúc động về tình cảm mãnh liệt của con gái thường dành cho cha mình. Được sinh ra thời bình, nhưng những câu chuyện được nghe cha mẹ kể lại về sự vất vả, khó khăn trong chiến tranh đã hun đúc nơi Ngọc một tình yêu tha thiết đất nước, cuộc đời và con người…

Gia dinh toi giong 'phuong cheo, ganh hat', khong bao gio buon chan
Cô giáo Hoàng Bích Ngọc

Vì sao nhận xét về bản thân, Hoàng Bích Ngọc lại dùng từ khó đoán định?

Tôi là một cô gái làm bạn với thời tiết lúc nắng lúc mưa, lúc vui lúc buồn và tính tình thì “dễ dãi”. Ai cũng có thể chia sẻ và trò chuyện nhưng thường hay để cảm xúc chạy theo chiều xoay của gió.

Nói nôm na là thường bị cảm xúc lấn át hết mọi thứ, là người sống hướng nội và hay suy nghĩ vẩn vơ, buồn vu vơ trước những câu chuyện của người khác nhưng cũng lại thích giúp người khác vực dậy tinh thần bằng những câu nói tinh nghịch không chủ đích. Thích vạch định cho bản thân thật nhiều kế hoạch và lúc nào cũng loay hoay để có thể ổn định sắp xếp mọi thứ.

Là người rất nguyên tắc và hầu như, chả bao giờ tuân thủ những nguyên tắc mình đặt ra dù nó có lý hay vô lý. Nghiện trà và thường ra ban công đọc sách, thưởng trà và ngắm trăng.

Có lẽ đối với một số người nhìn vào và nghĩ rằng đó là thú vui thanh tao, tao nhã nhưng thật ra để nhận ra rằng không phải tuổi tác mới làm ta già nua, mà ta già nua trong những thói quen thường nhật. Vẫn hay tự nhận rằng mình là cô gái trẻ trung, yêu đời dù tính cách ít nhiều còn trẻ con xen lẫn người lớn. Việc mọi người gặp một cô gái 24 tuổi lâu lâu nhảy chân sáo ngoài đường hát líu lo chắc cũng sẽ không có gì là bất thường, lạ lẫm…

Tính cách thú vị như vậy liệu có hợp khi đóng khung mình trong môi trường mô phạm là nghề giáo?

Có rất nhiều lý do chọn nghề này và người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là cô giáo dạy thêm Anh văn cấp II. Tôi rất sợ cô, sau hơn 10 năm xa cô vẫn sợ đến nỗi bây giờ nghe tên ai giống tên cô, vẫn thấy sợ. Người ta chỉ sợ khi người ta không giỏi, và thực ra là tôi học rất dở Anh văn nên được cô chiếu cố vô cùng.

Không có ngày nào là không bị gọi tên nên khá “ám ánh”, hay bị la rầy, nhưng từ đó thấy mình học dần dần khá lên và có một ngày  nhận được lời khen từ cô, tôi cảm thấy như mình có cả thế giới vậy.

Tôi thấy ở cô sự nhiệt huyết, nghiêm túc với nghề, nên rất kính trọng, và cô chính là hình tượng để bản thân noi theo và phấn đấu. Lý do khác là tôi thích được mặc áo dài, mỗi khi có cơ hội được khoác áo lên người, bỗng thấy mình như một người khác, một người sinh ra chỉ để mặc áo dài và đứng trên bục giảng.

Lý do thứ ba vui vui là tôi hay nghe người ta truyền miệng “Bộ đội lấy giáo viên” thì hạnh phúc viên mãn. Nhìn gia đình nhỏ của mình, cuộc sống của bố mẹ hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười, đó là hai người thân mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ. Bố rất mong muốn tôi trở thành cô giáo. Xưa gia đình bố mẹ nghèo nên muốn học cao hơn cũng không có điều kiện, vì vậy bố muốn có một người trong nhà lúc nào cũng có thể chỉ thêm cho bố mẹ và dạy bảo các em.

Lúc nhỏ xíu khi mới biết vẽ, tôi đã chọn vẽ hình ảnh cô giáo mình, vì thấy cô rất đẹp và dịu dàng. Tôi đã nghĩ, sau này cũng sẽ dịu dàng như vậy, quan tâm đến học sinh của mình như các cô đã từng quan tâm.

Ba năm trên bục giảng, ắt hẳn cô giáo đã có lưng lửng những kỷ niệm vui buồn…?

Năm thứ ba tôi công tác tại trường, nhưng là năm thứ 10 gắn bó với ngôi trường này vì chính đây là nơi tôi vô tư gọi là “thời áo trắng”. Xưa làm học trò, bây giờ trở thành giáo viên. Môi trường cũ nhưng cương vị khác và cảm nhận cũng không thể giống nhau. Do khoảng cách tuổi tác giữa cô trò cũng tương đối gần nên tôi rất hiểu và có thể sẻ chia với học sinh.

Đôi lúc các em cũng bày trò trêu đùa giữa các bạn với nhau và toàn bắt cô làm trọng tài phân xử hay nhiều khi chưa học bài nhưng lại phải kiểm tra nên mỗi em nêu nhiều lý do khác nhau mà lý do nào cũng làm tôi bị “thuyết phục” thành ra cứ phải dời lịch kiểm tra sau vài ngày nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng gì lắm đến kết quả học tập vì thi thoảng mới được đặc cách  một lần.

Kỷ niệm buồn may là không nhiều vì lúc nào cô trò cũng trong tâm thế vừa học vừa trao đổi. Các em học sinh rất hay đặt câu hỏi cho cô, nhưng không phải tất cả học sinh đều tập trung vào bài giảng của mình, điều đó đôi khi làm tôi thấy tủi thân!

Trong mắt Bích Ngọc, chân dung thế hệ trẻ hiện nay ra sao nhỉ?

Các bạn học sinh bây giờ rất giỏi, giỏi gấp nhiều lần so với tôi của ngày xưa. Không chỉ đơn thuần là kiến thức sách vở, các bạn còn được học kỹ năng mềm, cách ứng xử hay xử lý những tình huống bất ngờ. 

Có những bạn vừa học giỏi lại vừa đàn hay, nói được nhiều ngoại ngữ khác nhau và mạnh dạn trong giao tiếp, dám đưa ra quan điểm cá nhân và biết bảo vệ quan điểm đó dù chưa  xét đến tính đúng sai nhưng tôi nghĩ, việc xây dựng và đóng góp thì nên được ý thức từ lúc nhỏ.

Nhiều bạn có cơ hội được ra nước ngoài, được đi nhiều nơi… nên vốn sống khá phong phú. Tất cả những gì ở tương lai đều phải được chuẩn bị từ hôm nay nên tôi có cái nhìn rất khả quan về thế hệ trẻ bây giờ. Hy vọng các em sẽ là một trong những trụ cột vững chắc của đất nước sau này.

Gia dinh toi giong 'phuong cheo, ganh hat', khong bao gio buon chan
 

Tôi nghĩ không chỉ lâu dài mà gắn bó cả đời. Hồi bé tí, tôi là chúa viết nhật ký trong xóm, chuyện gì cũng kể trong nhật ký. Viết lách, đối với tôi không đơn giản là ghi nhận lại những kỷ niệm, những chuyện đã qua mà còn là nơi giúp nuôi dưỡng những ước mơ bé nhỏ của mình. Sau này trở thành cô giáo dạy văn, vừa được thực hiện ước mơ lúc nhỏ vừa được gắn bó với nghiệp viết lâu dài.

Tập thơ “Mưa phủ bụi thiên đường” ra đời cách đây hơn hai năm và những điều trong tập sách này đa phần là những kỷ niệm, cảm xúc thú vị của đời sinh viên mà tôi có cơ hội được ghi nhận lại - về tình đầu, về những ngổn ngang, khó đoán định ở tương lai phía trước.

Tôi rất mong trong thời gian tới, viết tiếp những câu chuyện dở dang  về tuổi thơ của mình – nơi gắn liền với những ký ức trong veo và đẹp nhất – nơi đã chứng kiến những bước chân chập chững đầu đời. Mỗi lần nghĩ về, tôi thấy thật diệu kỳ và ấm áp: tuổi thơ như gió ngát trời, cánh diều cập bến em cười tươi vui…

Trên trang mạng cá nhân, trong nhiều câu chuyện kể, bao giờ bố cũng là người Ngọc nhắc đến rất nhiều. Hỏi nhỏ em nhé, có bố làm việc trong ngành quân đội, con cái có bị áp dụng kỷ luật sắt?

“Bụt chùa nhà không linh” chị ạ. Bố là người sống nguyên tắc vô cùng, đúng giờ này là phải làm việc này và tác phong ở nhà cũng y như ở cơ quan, lúc nào cũng rõ ràng dứt khoát. Đồ đạc quy định để ở đâu là phải ở đó để tránh mất thời gian đi tìm, có thể dành thời gian đó làm việc khác có ích hơn. Chắc nhiều người cũng nghĩ, bố sẽ hà khắc với tôi, dùng “kỷ luật thép để răn dạy con cái”.

Thật ra, ông là người cực hài hước, đến nỗi tôi hay ví gia đình mình giống “phường chèo, gánh hát”. Không có ngày nào buồn chán, cười lăn quay từ sáng đến chiều. Bố đặc biệt rất chiều chị em tôi vì ông phải sống một cuộc đời vất vả, cơ cực từ nhỏ.

Cứ mỗi tháng bố con tôi lại ngồi đối thoại với nhau, ông là người bạn, là nhà tư vấn viên chuyên giúp gỡ rối những chuyện trên lớp, giúp tôi khám phá thêm những điều kỳ diệu ở thế giới xung quanh. Tôi được “tự do ngôn luận”, được làm những gì mình muốn dù đôi khi có những điều còn khá mới mẻ so với quan điểm lúc bấy giờ của bố mẹ.

Nghe Ngọc tả chân dung về bố, cho chị đoán nhé – có phải ông chính là thần tượng của em?

Tôi cực kỳ thần tượng bố. Ông là người đã giúp tôi nuôi dưỡng đam mê và đến với nghề giáo. Từ nhỏ, bố đã chẳng bao giờ ép buộc hay đặt áp lực với con cái về điểm số. Tôi khá được thoải mái, tự do, làm chủ việc học nên kết quả học tập cũng không đến nỗi nào.

Con người tôi rất hay có tâm sự, từ chuyện nhỏ nhặt hàng ngày đến chuyện mang tầm vĩ mô to lớn, thì bố chính là điểm tựa, làm tôi tin rằng những cố gắng, nỗ lực của bản thân tất cả rồi cũng sẽ có kết quả. Lúc nhỏ tôi rất lì lợm, không ai nói mà chịu nghe lời ngoại trừ bố.

Bố nói cái gì tôi chấp hành cái đó dù đôi khi không thích nên  khóc nhè. Tôi còn viết thư để lại cho bố đọc và chạy qua nhà hàng xóm trốn để bố không tìm thấy, cho bố hối hận vì đã la rầy con. Nhưng lúc nào cũng thế, tôi tự hối hận mò về rồi sà vào lòng bố như chim non nhớ mẹ vậy. Nếu cảm xúc có thể diễn tả được bằng lời thì đôi khi ta không cần phải dùng lời nói hay hành động nữa… Thành ra nhắc đến bố, chỉ biết là thương bố thật nhiều…

Hình dung em đã có một cái nôi tuổi thơ và gia đình thật ấm áp?

Tuổi thơ tôi chắc sẽ được bật mí trong những dự định sắp tới, nhưng đảm bảo là nó khá thú vị vì không ít lần khiến tôi dở khóc, dở cười với đám bạn cũ mỗi lần gặp lại. Nhỏ thì sống với bà, bố mẹ đi làm ăn xa. Khi xưa nghèo khổ, mọi người thường giúp đỡ nhau cân đường bịch muối. Lúc ấy nhiều nhà chưa có điện nên cứ tối tối lại ra sân nghe kể  chuyện ngắm trăng.

Gia dinh toi giong 'phuong cheo, ganh hat', khong bao gio buon chan
 

Tôi là đứa trẻ siêu nghịch, chạy nhảy khắp nơi và hầu như cứ đến giờ cơm là cả nhà đều phải cuống cuồng đi tìm vì sợ bị bắt cóc. Khắp người lúc nào cũng lem luốc vì hay chui xuống hang bắt cá, bắt dế hay tìm xem có thứ gì vui vui để chơi cùng bạn bè. Nhiều hôm mải chơi đến khi trời tối sầm, không biết đường về nhà thành ra đôi khi còn làm cho mẹ khóc vì lo lắng.

Bố mẹ bao giờ cũng luôn là người đứng sau dìu dắt và ủng hộ cho những lựa chọn của tôi, dù đôi khi nghĩ lại, cũng thấy mình thật “dở hơi”. Tôi hay được nghe bố mẹ kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những con người đã dũng cảm chiến đấu hy sinh và những bài học quý báu trong cuộc sống, thành ra ngày một ít nhưng thấm đến tận bây giờ.

Nhiều hôm không có ai trông, bố “tha” tôi lên buồng lái máy bay ngồi xem bố làm việc, những lúc buồn ngủ quá thì nằm ngủ ở đấy luôn, quấn miếng vải dù để giữ ấm. Tôi hay đi theo bố, có những chỗ đi cả ngàn lần cũng không bao giờ thấy chán vì trong bố là cả ngàn kho truyện cười nên lúc nào thấy cũng vui.

Cảm giác Ngọc là người hạnh phúc. Có lẽ, cái nhìn về cuộc sống của em sẽ trong veo và ấm áp…?

Quan điểm của tôi về cuộc sống này có lẽ là… nên nhìn nó theo một chiều hướng tích cực dù lắm lúc không phải như thế. Bởi như vậy, mình sẽ khiến bản thân không phải chịu những áp lực vô hình, có thể tỉnh táo giải quyết mọi việc thấu đáo và cặn kẽ hơn.

Mỗi tối, tôi hay ra ban công ngồi nghĩ về những chuyện vừa qua, chuyện của ngày mai sắp tới. Thật ra, giữa cuộc sống tấp nập bộn bề này, con người cần phải có một khoảng lặng để có thể tĩnh tại suy nghĩ mọi thứ, có thể tự  rút kinh nghiệm và sửa sai hay giản đơn mang lại được nụ cười hạnh phúc cho người khác.

Tránh xa những việc khiến mình không vui, tự tạo niềm vui riêng cho bản thân mình, có những mơ ước nho nhỏ và có một nơi ấm áp để nghĩ về như thế đối với tôi sẽ là tuyệt vời nhất.

Khánh Thủy 

(thực hiện)




 

news_is_not_ads=
TIN MỚI