Con gái, con dâu, con nào cũng là máu thịt

20/03/2017 - 06:30

PNO - Cô út gọi điện về đòi lấy chồng. Mẹ chồng tôi ngơ ngác. Mới ra trường nửa năm, đi làm chưa được hai tháng, cưới xin gì. Mẹ nói chưa xong, cô út đã cúp máy, mẹ gọi lại mãi không được.

Mẹ nhấp nhổm ra vào, rồi lên giường nằm, bỏ cả cơm chiều.

Con gai, con dau, con nao cung la mau thit
 

Ngày chị về làm dâu, cô út đã đi học xa, mỗi năm chỉ gặp mặt vài lần nên chưa khi nào trò chuyện thân tình. Về nghỉ tết, chị chỉ thấy cô xách xe đi suốt, nay thăm bạn, mai thăm thầy cô. Đến bữa cơm thì cô về, nhưng không thấy đảo xuống bếp lần nào. Chồng chị có hai cô em gái, bố mẹ chồng lại quý con gái hơn con trai. Mẹ chồng từng nói, con còn ở nhà mình được ngày nào thì cố chiều chuộng, chăm sóc ngày ấy, mai kia nó về nhà chồng phải chịu vất vả.

Chị nghe mà rớt nước mắt. Chị bầu bì vẫn phải còng lưng cấy hái, về nhà thì khom người rút rơm thổi bếp, không được một lời hỏi han, cứ như đó là bổn phận chị phải tròn. Mẹ chồng thương con gái, sao không nghĩ con dâu cũng là con gái của bà mẹ nào đó, dù không cần phải nuông chiều, thương yêu nhưng cũng nên quan tâm một chút?

Hôm cô út về lấy xe máy, chị thấy cô có vẻ khang khác, lưng thẳng đuột chứ không linh hoạt, hay là…? Chị toát mồ hôi với ý nghĩ thoáng qua đó, không biết có nên nói với mẹ chồng? Nói thì lo bà lại nghĩ chị nói xấu con gái bà. Chị nấu bát cháo mang vào cho mẹ chồng, đắn đo mãi mới lên tiếng. Chưa hết câu, bát cháo bị hất tung, cháo nóng vương vãi khắp người chị. Mẹ chồng bật dậy: “Ăn có thể không nghĩ nhưng nói phải nghĩ, con gái tôi có ăn học đàng hoàng!”. Chị còn chưa kịp phân bua thì điện thoại mẹ chồng rung lên, là tin nhắn của cô út. Chị không biết tin nhắn nói gì, chỉ thấy mẹ chồng sụp xuống, bao nhiêu hùng hổ biến mất. Bà ném điện thoại xuống giường, ôm đầu kêu “Con ơi là con, ngu ơi là ngu!”.

Bố mẹ chồng bàn bạc gì đó, còn gọi điện trao đổi với chồng chị và cô Ba đang ở xa. Buổi tối, mẹ chồng sang phòng chị, nói “Cho mẹ mượn bộ nữ trang cưới. Con út cưới vội, cũng phải có vài món cho đỡ tủi thân”. Chị ngần ngừ, bộ nữ trang đó là mẹ chị cho khi cưới. Tiền mừng cưới chị đã đưa toàn bộ cho mẹ chồng rồi, chỉ có bộ nữ trang là mẹ chị cho riêng nên chị cất lại. “Chị giờ bầu bì có đi đâu đâu. Mẹ mượn rồi mẹ trả”. Chị mím môi cố kềm giọt nước mắt sắp tràn mi. Bầu bì thì sao?

Mẹ chồng luôn lấy cớ chị bầu bì để không cho chị đi đâu, đám cưới đám hỏi không, đi thăm chồng cũng không, cứ nói sợ xe cộ xóc nảy, nhưng cấy hái gánh gồng thì mẹ chồng không cản, còn bảo hoạt động cho dễ đẻ. Chồng chị về, thấy vậy cũng chỉ len lén an ủi vợ ráng chịu, anh là con một nên vợ chồng ít ra cũng phải ở chung với bố mẹ vài năm rồi tính. Anh còn nói, trước chuyện gì anh cũng gọi mẹ, nay có vợ nên mẹ sợ anh dành hết tình cảm cho vợ, không ưa con dâu cũng là dễ hiểu, em thử đặt mình vào vị trí của mẹ xem… 

Cả nhà đi dự đám cưới cô út, khi về không thấy ảnh cưới, chồng chị thở dài: “Bầu năm tháng rồi, vui vẻ gì mà chụp!”. Chồng chị dặn, những ngày này em đừng hỏi han gì mẹ, mẹ đang buồn lắm. Chị vịn tường lần vào bếp. Chỉ non hai tháng nữa là sinh, chị có nên xin mẹ chồng cho về nhà mẹ đẻ? Chị vừa nói ra là mẹ chồng gắt: “Chị thích thì cứ. Ở đây ai ăn thịt ăn cá gì chị? Sướng không biết hưởng”.

Chị im lặng, hẳn bà đang xót con gái, không biết trút vào đâu. Bà luôn tự hào với xóm làng là hai con gái học hành giỏi giang, nay con gái bà phải ôm bụng ở nhà trọ trong cảnh thất nghiệp vì mới làm chưa hết thời gian thử việc đã bầu, ai người ta nhận. Mẹ chồng cô út lại già yếu. Bà cũng muốn mang cô út về nhà nhưng ngại xóm làng dị nghị. Ở thành phố không sao, chứ về làng thì điều tiếng không cách nào chịu được. Chưa kể, cô út đã là vợ người ta, đâu phải bà muốn cô ở đâu cũng được.

Mấy hôm nay chị mệt mỏi, trằn trọc cả đêm không ngủ được, chân sưng phù lên. Chỉ non tháng nữa là đến ngày dự sinh. Chị lặng lẽ thu xếp đồ đạc. Không bàn với chồng, chị nói chuyện với mẹ chồng lúc bố chồng đi vắng, xin phép về nhà mẹ ruột chờ sinh và chăm cho đến khi hết cữ. Không để bà cắt ngang, chị nghiêm túc: “Mẹ thương con gái mẹ thì mẹ cũng thử nghĩ đến con gái của người khác. Con cũng là máu thịt của bố mẹ con như cô út nhà mình. Mẹ thương cô út thì mẹ cần phải làm gì đó chứ không phải là ngồi rầu rĩ khiến nhà cửa không ngày nào yên. Mẹ cứ đưa cô ấy về, xấu tốt gì cũng là con mẹ. Mẹ có sống cho hàng xóm đâu mà ngại người ta này nọ”.

Mẹ chồng không nói gì, tận khi chị xách túi chào để ra bến xe bà cũng không mở miệng. Có thể cách làm của chị sẽ khiến bố mẹ chồng khó chịu, chồng chị cũng không vui nhưng chị biết làm sao? Nghe nói bộ nữ trang mẹ chồng mượn để trao “làm màu” trong ngày cưới, cô út đã bán đi để lấy tiền chi tiêu. Trước đây, thỉnh thoảng cô út mới gọi về, nay thì ngày nào cũng gọi, mà cứ nghe điện thoại con gái xong là mẹ chồng nhăn nhó, đá thúng đụng nia nặng nhẹ đủ điều.

Không biết mẹ chồng nói gì mà chồng chị gọi điện cho biết, cô út về nhà rồi, mẹ con gặp nhau khóc như ri. Chồng chị dặn vợ yên tâm chờ sinh, có gì phải báo ngay để chồng kịp về. Chị không dám khoe chồng, về nhà mẹ ruột chị ăn được, ngủ thẳng giấc, không trằn trọc mệt mỏi. Sinh nở cũng nhẹ nhàng, mà như mẹ chị nói là sinh như gà, thở một hơi là xong. Thằng bé ba cân bảy vừa ra đã khóc váng đòi ăn khiến chồng chị quýnh quáng. Lần đầu được “đến gần” đứa trẻ bé tí, chồng chị không biết phải làm thế nào, cứ ngồi xếp bằng trên giường, hai tay cố giữ cứng khừ, trên đó là đứa bé quấn tròn trong tã. Nhìn chồng chị không nín được cười, dù mỗi lần cười là một cơn đau.

Có người đến thăm, thò đầu vào phòng, chị nhận ra là mẹ chồng. Bà xách một túi to, buông thịch xuống chân giường, phủi tay đón thằng bé. Bà vạch áo vạch tã cháu nội ra xem: “Ôi chao, ba ngấn này, mai kia con mẹ mày sinh con gái này, thế là đủ nếp đủ tẻ... Thằng chó, mày nặng cân thế này chắc hành mẹ mày không ít. Sau này phải thương yêu, báo hiếu mẹ mày thật nhiều nghe chưa?”.

Nước mắt chị cứ thế mà tuôn, chồng nắm tay chị bóp nhẹ. Mẹ chồng cau mày: “Vừa sinh mà khóc cái gì, sau này rồi khổ ra. Có sữa chưa, có mấy chục trứng gà với dăm con gà choai, để mẹ nhờ bà ngoại hầm cho ăn. Mẹ dặn người ta rồi, tuần sau lại có chục con nữa tẩm bổ”. Chị vội vàng: “Mẹ để cho cô út đi, mẹ con cũng nuôi được gà”. Cô út mấy tháng đầu vì giấu bụng nên không dám ăn uống, sau lại túng thiếu, chắc không được chăm sóc kỹ. 

Mẹ chồng đặt thằng bé đã ngủ say xuống giường: “Cha bố thằng chó, thế mà đã ngủ rồi, chắc dễ tính như con mẹ nó. Chiều nay cô Ba về, ngày mai hai cô sẽ sang thăm đấy”. Chị vội vàng: “Mẹ đừng để cô út đi xe cộ”. Mẹ chồng hừ, “Xe cộ thì làm sao, chị đồng áng cấy hái suốt đấy. Mới sinh xong nên ngủ đi lấy sức, để mẹ với bà ngoại về làm gà…”. Giữ nguyên nét cười, mẹ chồng vơ cái nón, vội ra cửa. Chị chợt nhận ra, nét mặt mẹ chồng đã thanh thản hơn rất nhiều. Có thể bà vừa được làm bà nội nên vui, có thể cô út đã về nhà, bà được tự tay chăm sóc nên bớt lo lắng; cũng có thể bà đã hiểu, con nào cũng là máu thịt, hạnh phúc của con cái mới là thứ quý giá nhất.

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI