Gần tết lại nhớ nội, ngoại

06/02/2021 - 11:29

PNO - Tết về, hãy chịu khó đến thăm ông bà. Bởi có thể thời gian không còn nhiều cho những yêu thương muộn màng.

Tôi lướt Facebook và đọc được một bài viết khá cảm động về bà ngoại. Người viết mồ côi cha năm 12 tuổi, mẹ bận buôn bán nên xin cậu cho ngoại về ở với mấy mẹ con. Những kỷ niệm về ngoại bắt đầu từ đó. 

Mùi trầu của ngoại, những câu chuyện ngoại kể mà sau này lớn lên chẳng tìm thấy trong quyển sách nào. Món cháo khoai con nhà nghèo ngoại nấu, mới ăn thì ngon, sau ngoại già yếu, mắt mờ, không phân biệt được khoai sùng nên chén cháo nấu ra không ai ăn nữa, phải bỏ cho heo…

Bây giờ ngoại bạn đã lẫn, mỗi lần tết về thăm ngoại, bạn ngồi bên cạnh mà ngoại không nhận ra. Ngoại bảo chờ bạn không biết khi nào bạn về, nên bạn cũng nói theo: “Con cũng đang đợi nè ngoại”. Điều bạn hối hận là đã không ăn những chén cháo khoai ngoại nấu sau này, khi ngoại đã yếu, tay run, chân chậm, mắt mờ. Con người ta, ai cũng có sai lầm, nghĩ lại thì đã muộn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều bình luận cảm động để lại bên dưới bài viết. Có bạn bảo rằng sinh ra đã không có ông bà nội ngoại, nên đọc thấy buồn hiu. Nhiều bình luận nhớ ngoại, nhớ tuổi thơ, nhớ xóm nghèo… chỉ muốn khóc, nhất là gần tết.

Trong cuộc đời, đôi lúc kỷ niệm ùa về chỉ vì một chi tiết nhỏ gặp trên đường, để người ta lặng đi, đau nhói vì thương, vì nhớ. Mùa cuối năm, tiết trời se lạnh luôn là chất xúc tác làm con người bâng khuâng nhớ về kỷ niệm. Vui có, buồn có. Vui tạo hưng phấn một ngày, buồn cho mình thêm sức mạnh để sống tiếp. May mắn cho ai có kỷ niệm vỗ về, xoa dịu, lắng lại vài phút trong đời sống bận rộn, để tạo cảm hứng sống.

Tôi may mắn hơn đám em họ vì còn biết được bà ngoại. Bà mất lúc tôi lên năm, ở cái tuổi đã nhận thức được sự vật quanh mình, tuy không nhiều. Mùi của bà ngoại trong ký ức tôi là mùi dầu gió thoang thoảng dễ chịu, xộc lên mũi mỗi khi tôi bước vào buồng của bà. 

Chưa đến 60 tuổi, bà ngoại tôi đã không còn nhìn thấy gì. Ngày xưa, người già hay bị mù sớm vì y tế lạc hậu. Má tôi bảo, có thể bà bị biến chứng từ bệnh tiểu đường, cũng có thể bà bị cườm, để lâu thành mù. Ngày mùng Một tết, bà ngoại ngồi trên một chiếc ghế trong căn buồng nhỏ, lũ cháu con đứng xếp hàng chờ được bà lì xì mỗi đứa một tờ giấy bạc - mà đến giờ, tôi vẫn không còn nhớ mệnh giá của nó là bao nhiêu. 

Tôi không biết mặt ông bà nội, vì ông bà mất khi tôi còn chưa ra đời. Ông ngoại mất năm tôi lên hai. Để thấy, trong cuộc đời con người không phải ai cũng may mắn có đủ ông bà nội ngoại để giữ lại nhiều kỷ niệm vui buồn. Như ngay con tôi, chúng cũng không thể biết ông ngoại và ông nội, vì hai ông đã mất trước khi chúng chào đời. 

Giá trị của thời gian là vậy. Con người trưởng thành là lúc nhìn lại và biết nhận ra lỗi lầm, đôi khi chỉ là những chiêm nghiệm cho riêng mình để sống tốt hơn. Suy cho cùng, trên hành trình không dài của đời người, không phải ai cũng biết nhận ra giá trị của thời gian.

Một ngày qua đi, bận rộn quay cuồng với áo cơm, trách nhiệm, bổn phận… đôi khi người ta quên chăm sóc bản thân mình. Đến khi bệnh tật, tai ương ập đến, mới nhận ra mình đã phung phí cuộc đời, bỏ qua những năm tháng dịu dàng bên người thân, nhất là ông bà. Về thăm ông bà thoáng cái rồi đi nhanh, vin vào cớ bận bịu mưu sinh.

Dĩ nhiên ông bà chẳng bao giờ phiền trách vì hiểu con cháu phải đối mặt với thời buổi người khôn của khó. Đến khi ông bà không còn trên đời nữa, hối hận vì sao không dành thời gian cho ông bà nhiều hơn, thì đã muộn.

Tết về, hãy chịu khó đến thăm ông bà. Có thể mắt ông đã kèm nhèm. Có thể bà đã nhớ nhớ quên quên, không còn nhận ra đứa cháu ngồi bên cạnh. Có thể thời gian đã không còn nhiều cho những yêu thương muộn màng này. Nhưng thà muộn, còn hơn là không bao giờ. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI