Cuộc hôn nhân ầm ĩ

07/08/2021 - 06:00

PNO - Đó thực sự là một cuộc hôn nhân ầm ĩ, nhưng tự nó có lý do để tồn tại mà chỉ người trong cuộc mới biết và mới định đoạt được.

Trong lần cuối cùng đứng ra giảng hòa cho anh chị, tôi đã thốt lên: “Thôi anh chị ly hôn đi, anh chị chia tay thì tốt cho cả hai”.

Tôi là người cuối cùng xác nhận điều đó. Từ vài năm trở lại đây, cả người thân lẫn họ hàng của tôi đều quá ngán ngẩm với xích mích của vợ chồng họ. Anh là anh cả trong gia đình. Tôi là em út. Giữa tôi và anh còn có bốn chị gái. Và cả nhà, bao gồm mẹ tôi cùng các chị gái, anh rể đều khuyên họ ly hôn. 

Anh chị đã từng dọa ly hôn hàng trăm lần, lần nào cũng ầm ĩ như không thể cứu vãn. Dù là vợ chồng, nhưng họ chưa bao giờ hài lòng về nhau. Nội dung tranh cãi nhiều nhất giữa anh chị là về cái quán nhậu, cơ sở kinh doanh mà anh phụ trách chính.

Chị trước đây là đầu bếp của quán, nhưng sau rất nhiều lần gây gổ, xích mích với nhân viên rồi với cả ông chủ, chị nghỉ việc. Xích mích chủ yếu là do chị không chấp nhận cách quản lý của anh. Quán đông khách, đông nhân viên nhưng anh quản trị bằng niềm tin nên nhân viên qua mặt.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Anh biết hết nhưng cũng phiên phiến cho qua để giữ ổn định. Còn chị thì khác. Đứng từ nhà bếp, chị thấy hết đứa nhân viên nữ “quèo quẹo đưa tình” với khách, rồi thằng nhân viên nam âm thầm biển thủ tiền bo của khách (theo quy định của quán là phải nộp về rồi chia đều cho ca làm). Chị lớn tiếng bắt tại trận thì cả quán nháo nhào.

Vợ chồng sau đó lại cãi nhau nảy lửa vì anh trách chị ồn ào, chị thì chỉ trích anh không biết quản lý, bênh vực nhân viên mà chống lại vợ. 

Riêng chuyện ầm ĩ liên quan tới cái quán đã khiến vợ chồng không có nổi một ngày hòa thuận. Chị quyết định ra làm riêng, không liên quan gì đến cái quán nữa. Cùng thời điểm đó, anh lại tin bạn bè, đem tiền cho vay rồi bị quỵt, vỡ nợ gần bạc tỷ. Chị kêu trời từ nhà tới quán, chỗ nào có người quen chị cũng kể tội chồng.

Về phía anh, anh trách chị lạnh nhạt, chỉ biết bắt bẻ và chỉ trích chồng. Rồi từ lần vỡ nợ bạc tỷ, anh mang luôn cái án “phá gia, hủy hoại gia đình”. Mọi nỗ lực gầy dựng sau đó của anh đều không được vợ ghi nhận.

Tính anh nóng nảy, cộng thêm tính chị ồn ào nên chỉ chừng đó việc cũng đủ cãi nhau tối ngày, lần nào cũng ầm ĩ và căng thẳng. Lần cuối cùng họ cãi nhau, tôi chứng kiến chị dùng điện thoại bật chế độ quay phim để vừa to tiếng với chồng, vừa quay camera “để quay lại bộ mặt dữ tợn của ổng”.

Lúc cuộc tranh cãi thoái trào, tôi cũng đứt hơi vì can ngăn. Quá bế tắc, tôi khuyên họ ly hôn theo lời hăm dọa của chị cho yên nhà yên cửa.

Chuyện xảy ra hai ngày thì cả nhà lại nháo nhào khi nghe anh gặp tai nạn ở Long Xuyên, đang chờ được cấp cứu. Chị đã “coi như không có ổng trên đời” suốt hai ngày, giờ nghe tin lại cuống cuồng nhờ tôi đưa đến chỗ anh.

Bến phà An Hòa (từ Chợ Mới sang Long Xuyên) hiện ra như một liệu pháp trấn an, nó vắng vẻ im lìm như ban đêm thời một ngàn chín trăm xa lắc. Do dịch bệnh, người dân hạn chế đi lại, tần suất phà cũng giãn. Cả bến phà chỉ có tôi và chị ngồi chờ.

Tôi như ngồi trên đống lửa, quên luôn sự hiện diện của chị dâu bên cạnh. Ngồi được một lúc, tôi bắt đầu nghe tiếng thút thít của chị.

Rồi chị kể: “Ngày nào ổng cũng dòm chị, sáng đi cũng dòm, tối về cũng dòm, dù chị bực không thèm nói chuyện. Ổng tệ thì tệ, nhưng cũng lo mần ăn, để ý vợ con, chứ không thì chị dại gì mà sống gần 30 năm với ổng?”. Rồi chị khóc vống lên: “Ổng chạy xe nhanh lắm, đụng kiểu này chắc có nước chết quá Út ơi”.

Đến nơi, tôi thấy xe cấp cứu cũng vừa đến, nhân viên y tế đang chuẩn bị đưa anh lên xe. Anh nằm trên băng ca, mặt vẫn tỉnh, chỉ có một bên tay và chân bị chấn thương và đang chảy máu. Tôi vội gửi xe máy vào nhà dân rồi cùng chị leo lên xe cấp cứu. Lúc đã yên vị, anh lập tức nhìn qua chị dâu, rồi cứ thế quên luôn sự hiện diện của đứa em gái út.

Anh mếu máo: “Không sao đâu, cái đầu còn ngon, giờ lo tay chân thôi”. Chị cũng quên luôn tôi, chồm người sát lại gần anh trên băng ca, sửa lại tóc tai đang bết xuống mặt chồng. Chị vừa nói vừa khóc: “Cái đầu ngon để cãi vợ hay gì!”.

Rồi tiếp theo đó là một tràng trách cứ anh chạy xe nhanh, già rồi mà còn đi suốt, không biết sai nhân viên, tốn tiền thuê người mà không biết dùng… những nội dung chỉ trích kinh điển được chị lặp lại trong cái giọng trách móc hiền queo, bởi chị còn đang hú vía khi thấy chồng còn tỉnh.

Tôi cũng vừa thở phào, đùa: “Chị Hai, nãy trên phà khen ảnh dữ lắm mà, sao qua tới đây lại… chửi không vậy?”.

Chị cuời: “Làm gì có khen”. Anh tôi như đã quen với điệu này lắm rồi nên không tỏ ra tò mò như tôi nghĩ, anh cười gường gượng trong cơn đau của chấn thương và nói: “Chị mày mà khen là tao chết à, bả phải chửi vậy tao mới quen!”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi thấy mình… thừa quá, nên ngồi lùi lại, vờ lấy điện thoại ra nhắn tin về nhà. Trong lúc đó, chị vẫn tiếp tục “quạu” chồng. Hóa ra mấy chị em gái tôi đã bao năm làm người thừa vì cứ nhảy bổ vào đòi xoa dịu cãi vã giữa anh chị.

Nhìn họ mật thiết và thở phào khi nhìn thấy nhau, tôi thấy bao nhiêu nỗ lực phân tích, giảng giải của chị em tôi là… thừa hết. Ngôn ngữ, tính cách và cách người ta thương nhau là muôn hình vạn trạng, ngay cả lời hăm dọa “ly hôn đi” họ ném vào nhau cũng không tới lượt người đứng ngoài như chị em tôi phải phân giải.

Đó thực sự là một cuộc hôn nhân ầm ĩ, nhưng tự nó có lý do để tồn tại mà chỉ người trong cuộc mới biết và mới định đoạt được. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI