Có nên thưởng quà giá trị cho con?

12/01/2021 - 11:03

PNO - Khi con hoàn thành nhiệm vụ, cha mẹ có thể thưởng, song phần thưởng mang tính chất khuyến khích, động viên, chứ không phải là những món đồ đắt tiền và có tính chất quy đổi.

Chưa hết giờ mà chị Linh đã nhấp nhổm thu dọn đồ đạc để "chuông reo là chạy". Trưa nay chị phải ghé trung tâm thương mại mua quà thưởng cho con.

Nhà trường vừa tổng kết học kỳ I, con trai chị mức học sinh giỏi, thứ hạng cao trong lớp, và như thỏa thuận của từ trước, anh chị sẽ phải thưởng  một món quà là đôi giày hiệu giá 4 triệu đồng theo ý con.

Nhìn giá trị phần thưởng tiền triệu mà chị em đồng nghiệp lắc đầu. Một đôi giày nhiều hơn nửa tháng lương của mẹ, và chị Linh đâu giàu có, dư dả gì.

Trẻ em thích quà, nhưng nếu không cẩn thận, chúng rất dễ hiểu sai ý nghĩa của quà tặng - Ảnh minh họa
Trẻ em thích quà, nhưng nếu cha mẹ không cẩn trọng, trẻ dễ hiểu sai ý nghĩa của quà tặng - Ảnh minh họa

Chị thở dài: “Anh nhóc nhà này vậy đó, bạn bè có gì là thích đấy. Các món quà khác mẹ đưa ra, cậu đều lắc đầu".  Lý giải việc cậu bé lớp 7 đã biết lấy điểm số ra để đổi với bố mẹ, chị Linh nói: "Lỗi này là do ba của bé và cũng một phần do mình không thể kiên quyết". 

Từ nhỏ, chồng chị Linh đã luôn lấy phần thưởng ra để khuyến khích, dụ dỗ con. Dần dần, những việc con trai chị Linh làm đều được quy ra phần thưởng. Chuyện nhỏ như như ăn hết tô cơm sẽ cho ăn kem, được điểm mười sẽ cho xem tivi... "Quen rồi, nên bây giờ yêu cầu làm việc nhà mà không trả tiền hay không cho ảnh món gì là ảnh không chịu làm đâu", chị Linh lắc đầu và cho biết thêm, vợ chồng chị cãi nhau suốt vì chuyện con cái.

Ban đầu chị Linh phản đối cách chiều con của chồng, nhưng thấy con chịu khó học tập và làm việc này việc kia, chị cũng đành xuôi. Chị bảo, thôi thì cứ cho rằng công sức con bỏ ra thì nhận lại gì đó cũng là cách giáo dục con chị biết "giá trị" của việc mình làm.

Nghe chị Linh phân trần chuyện con cái, tôi sực nhớ, nhà chị Hai tôi cũng hệt vậy. Anh rể cưng con nên không cho con làm gì, bảo rằng việc của trẻ con là chỉ ăn và học. Chị Hai nói con gái làm gì, anh rể đều nạt: "Có chút xíu mẹ không làm luôn, vậy mà cũng bắt con làm". Anh thường đưa con đi chơi, con thích gì mua nấy, có những món lúc mua thì con thích nhưng mang về lại bỏ xó.

Chị Hai với anh rể tranh cãi không biết bao trận về việc dạy con. Chị Hai muốn con có ý thức học tập, tiết kiệm, nhưng anh rể cho rằng ngày bé ba mẹ thiếu thốn vất vả nên giờ con cái phải được ăn sung mặc sướng, không bận tâm về vật chất. Mấy lần anh chị phải cầu cứu ông bà nội ngoại, lôi cả bố mẹ tôi sang làm trọng tài.

Tôi chưa có gia đình, thấy chuyện dạy con như vậy mà hoang mang. Một nhà khuyến khích con học đến mức cực đoan, lấy điểm số ra trao đổi, lớn nhỏ gì cũng phải thưởng. Một nhà thì mặc kệ nên đám trẻ học “tàng tàng”, không cần cố gắng. Nhưng cả hai nhà đều có mẫu số chung là vợ chồng luôn cãi cọ mỗi về kết quả học hành và cách nuôi dạy con.

Trẻ em bây giờ chỉ ăn với học, sao cha mẹ không yêu cầu các con đi học thì phải học tập cho tốt? Nên nói rõ rằng, ở tuổi con, học hành là nhiệm vụ của con. Khi con hoàn thành nhiệm vụ, cha mẹ có thể thưởng, song phần thưởng là chút gì đó khuyến khích, động viên, chứ đừng là những món đồ đắt tiền theo kiểu quy đổi, khiến cha mẹ lo quà đủ... méo mặt.

Thái Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI