Có nên chia giỗ, gộp giỗ, hạn chế giỗ?: Sống không ai chăm lo, khi cúng giỗ bày tiệc ồn ào

14/08/2022 - 12:00

PNO - Có những đám giỗ cực kỳ đông đúc náo nhiệt, khách đến dự đa phần chẳng liên quan, quen biết gì với người đã mất.

"Lúc sống không chăm lo, để ba phải cơm hàng cháo chợ, lúc chết bày đặt giỗ quảy linh đình". Câu này, chị Ngà giận dữ thốt lên, khi thấy mẹ và các cậu hào hứng bàn bạc việc giỗ đầu của ba chị.

Cả nhà ngỡ ngàng trước phản ứng chị Ngà. Là bởi, những ngày ba chị còn ở chung bên nhà, mẹ chị thường cáu bẳn chì chiết, khiến ba chị Ngà hay tự ái bỏ ra quán đầu hẻm ăn tạm. Rồi khi ba bệnh, có hôm chị ghé thăm, thấy bếp núc lạnh tanh, mẹ chị nói mới mua đồ ăn ngoài cho ba rồi…

Chị xót ba, thi thoảng nấu thức ăn nóng sốt mang qua, mẹ chị khó chịu, dằn hắt: "Có thiếu thốn đói khổ gì đâu, mà phải đùm túm tô chén!".

Để cảnh nhà yên ổn, ba chị xua tay: "Ba cũng ăn ít lắm, con khỏi sửa soạn gì". Người già khắc khẩu, mẹ chị Ngà không phải ác ý gì, nhưng bà không vui vẻ khi phải “hầu hạ cơm nước” chồng con lúc xế chiều.

Nếu đám giỗ giản dị, mang tính tưởng nhớ, là dịp sum vầy, thì rất đáng duy trì
Nếu đám giỗ giản dị, mang tính tưởng nhớ, là dịp sum vầy, thì rất đáng duy trì (Ảnh minh họa)

Bây giờ, thấy mẹ lên danh sách mời gần 70 người, đặt cỗ bàn các món này nọ, thêm xôi chè bánh trái làm quà cho người đến dự đám giỗ, chị Ngà không khỏi uất ức.

Những hình thức tô vẽ ấy, có mang ba chị quay trở lại với gia đình được không, hay chỉ khiến cho lòng mấy đứa con thêm ray rứt? Cảm giác như mình đã có thể lo lắng cho ba nhiều hơn, ân cần cơm nước hơn, thay vì khi người khuất bóng lại chuẩn bị đám giỗ rình rang…

Nỗi bất mãn của chị Ngà chẳng là cá biệt. Nhiều người không khỏi nghĩ ngợi khi nhìn những đám giỗ cực kỳ đông đúc náo nhiệt, khách đến dự đa phần chẳng liên quan, quen biết gì với người đã mất. Thậm chí, có khi còn không biết mình đi đám giỗ ai, ông hay bà, mối quan hệ gì với người mời nữa kìa!

Câu chuyện quanh bàn tiệc đa phần xoay quanh xe cộ, nhờ vả, đất đai, cổ phiếu, hiếm có lời nào nhắc tới kỷ niệm lúc sinh thời. Mâm cơm dọn lên “mời” người khuất mặt cũng tú hụ, ăm ắp, sơn hào hải vị đẹp mắt, tới mức phải chạnh lòng nghĩ ngợi…

“Ăn đám giỗ” lắm lúc còn trở thành áp lực về tiền bạc lẫn thời gian, khi phải thu xếp tới dự cho khỏi “thất lễ” với người mời mình, kèm theo bao thư hoặc một món gì đó “coi được”…

Một người bạn tôi từng kể rằng bản thân… ngỡ ngàng ngơ ngác khi gặp ở sảnh nhà hàng một tấm bảng hướng dẫn ghi: "Đám giỗ ông T., lầu 2". Hóa ra, thời buổi này người ta cũng có thể đãi tiệc đám giỗ ở nhà hàng long trọng, y như tiệc cưới, sinh nhật, liên hoan…

Những cái đám giỗ đậm đà mùi công nghiệp theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa" ấy, chắc chắn không phải dành để tưởng nhớ người đã mất, càng không có nhiều điều nhắc nhớ, tiếc thương, tưởng niệm. Hẳn rồi…

Phụ nữ thường là người vất vả nhất trong các dịp nhà có đám giỗ
Phụ nữ thường là người vất vả nhất trong các dịp nhà có đám giỗ (Ảnh minh họa)

Người chết rồi đương nhiên chẳng thể ăn uống, nên các thức ngon vật lạ đang bày biện kia có khi vô tình trở thành gánh nặng của người sống. Hơn thua nhau xem ai làm đám lớn hơn, lạ hơn, đông hơn, tốn kém hơn, xa xỉ hơn. Cạnh tranh nhau xem ai được giỗ chính, giỗ đúng ngày, ai là giỗ phụ, chỉ bái vọng các kiểu.

Các thứ vật chất đầy so bì ấy khiến cho đám giỗ mất đi ý nghĩa vốn có của nó, mang lại rất nhiều mỏi mệt cho thế hệ sau. Đặc biệt là phụ nữ và dâu con trong nhà, những người hầu như chẳng có tiếng nói gì trong việc quyết định quy mô lẫn hình thức giỗ chạp.

Nam giới quen với thông lệ ngồi “mâm trên” và "tiện miệng" sai bảo trong các đám giỗ, và cánh đàn bà lại thường xuyên phải dốc hầu bao và sức lực ra tận tâm cho đám giỗ…

Tôi không bài xích đám giỗ. Đấy là sự kiện để tưởng nhớ đến ông bà, người thân đã rời cõi tạm, là dịp để con cái, anh chị em tụ họp, quay về sum vầy bên nhau, hỏi han quan tâm nhau. Cuộc sống ngày càng rất vội, nên càng cần một cái “cớ” để người ta tạm buông những bộn bề bên ngoài. Và điều gì hợp lý hơn là một cái đám giỗ kia chứ!

Nhưng đừng biến đó thành một buổi tiệc hoành tráng ê hề, với rất nhiều mối mang khách khứa xa lạ. Để lắm khi ta quên mất hôm nay là giỗ ai, người thân kia từng buồn gì vui gì, thích ăn món gì, thương đứa nào nhất trong đám con cháu đang xúm xít này…

Đám giỗ ồn ào, lộn xộn như thế, đáng buồn xiết bao!

Bằng Lăng (Tân Phú, TPHCM)

 

Đám giỗ thời nay khác xưa thế nào? Đám giỗ thành phố khác ở thôn quê thế nào? Giỗ chạp, cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất là phong tục thiêng liêng, cần phải gìn giữ nguyên vẹn hay "giản lược" cho phù hợp với điều kiện sống?

Mời bạn tham gia ý kiến và gửi về email của Báo Phụ Nữ Online: online@baophunu.org.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI