Chinh phục hay khuất phục?

13/01/2016 - 07:35

PNO - Sự chung thủy, chuyện hôn nhân khác gì một trò hư ảo, bởi tình yêu chỉ là khoảnh khắc, đam mê là bất tận, mà cái đẹp thì thiên biến vạn hóa…

Say mê cái đẹp, yêu chân thật và say đắm… tất cả những người tình của mình là phẩm chất nổi bật ở “người đàn ông đầu tiên của tiểu thuyết thế giới” - Genji - nhân vật chính trong Truyện Genji (cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại do nữ văn sĩ Murasaki Shikibu sáng tác vào thế kỷ X).

Genji yêu cả mẹ kế, con nuôi, vợ quan, người tình của bạn… Con số những người tình của anh là… không thể kể xiết. Thế nhưng, chàng trai ấy được tác giả dành cho rất nhiều thiện cảm. Từ Genji của thế kỷ X ở Nhật, đến thế kỷ XXI này trên cả thế giới, có vẻ như chuyện ái tình của nam giới không hề thay đổi, vẫn luôn được nhìn nhận với thái độ khoan dung như thế.

Trước những cuộc trăng gió của đàn ông, mọi người vẫn quen tặc lưỡi, lắc đầu, buông mấy chữ: “Đàn ông mà!” và yên lòng với cách lý giải này. Một dạo, chú tôi đi sớm về khuya, áo quần tóc tai chải chuốt, lại chuyển sang nghe nhạc Huế dù đã mấy mươi năm “chết” tên “Hùng sến” (vì chỉ nghe độc có nhạc sến). Cùng lúc ấy, thím tôi lại nghe đồn chú vừa có một nữ cộng sự người gốc Huế ở công ty. Thấy vẻ bứt rứt của thím, bà nội lại tặc lưỡi, vừa như trấn an, vừa như răn đe: “Đàn ông mà!”, nhưng thím vẫn không bình tâm lại được.

Chinh phuc hay khuat phuc?
Ảnh mang tính minh họa

Thật ra, chính bà nội cũng mất ăn mất ngủ, năm lần bảy lượt tìm cách trách mắng, can ngăn chú. Điều bà bất bình nhất là cái cô người Huế ấy lớn hơn thím đến 10 tuổi, “lại chẳng xinh xắn gì cho cam”. Mặc kệ lý lẽ của bà, bất chấp sự đau khổ của thím, chú vẫn về nhà với cái vỏ lạnh lùng, xa cách.

Ý định ly hôn của thím được đưa ra trong buổi họp mặt gia đình cuối năm. Mấy chị em bạn dâu chẳng nói gì, chỉ ôm vai thím như vỗ về, chia sẻ. Bà nội thở dài, ngó ra chỗ khác. Ai cũng chìm vào cơn xúc cảm, chẳng quan tâm gì đến những lời phân tích, góp ý chân thành của ba tôi, khi ông thay mặt gia đình xin lỗi, bày tỏ sự tôn trọng mọi quyết định của em dâu. Không ngờ chú tôi lại khước từ sự giải thoát ấy. Chú chuộc lỗi với vợ bằng cách về nhà đúng giờ, phụ việc nhà, năng hỏi han, quan tâm thím. Quyết tâm ly hôn của thím tiêu tan trước thái độ cầu hòa, sửa sai của chồng.

Việc người đàn ông ngoại tình cả khi vợ chồng đang viên mãn, chọn một cô nhân tình kém xa vợ, lại vẫn muốn duy trì hôn nhân, chối bỏ cơ hội được tự do sống với người tình - dưới góc nhìn của phụ nữ - là những điều hoàn toàn phi lý.

Thật ra, đâu phải mọi cuộc phiêu lưu của đàn ông đều bắt nguồn từ những bất như ý trong đời sống vợ chồng. Nếu không kể đến những tên Sở Khanh hoặc những người đàn ông gặp bất hạnh trong hôn nhân, thông thường một cuộc ngoại tình hiếm khi là nỗ lực thay thế, hay “hoàn thiện hóa” một điều gì đó mà người đàn ông không tìm thấy ở hôn nhân. Nhiều lúc, việc đó chỉ đơn thuần là một cuộc “yêu thêm”, vậy thôi!

Ám ảnh về “chữ A màu đỏ” thêu trên ngực áo của người đàn bà bị trừng phạt vì tội ngoại tình (“A” là viết tắt của Adultery: ngoại tình) trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nathaniel Hawthorne, mỗi lần phát hiện một người đàn ông bước vào một cuộc phiêu lưu tình ái ngoài hôn nhân, tôi lại lặng lẽ “gắn” lên áo anh ta một chữ A màu đỏ.

Đó chỉ đơn thuần là một trò tưởng tượng cho thỏa mãn sự bất bình ngấm ngầm của người phụ nữ... rỗi hơi là tôi. Cứ thế, tôi nhận ra một thực tế đáng sợ là quanh mình gần như không có người đàn ông nào chưa từng bị gắn vào ngực áo một/vài chữ A vô hình.

Đáng nói là họ vẫn yêu vợ, chỉ khác một điều, trong lòng họ, hôn nhân là một thế giới đã ngừng đam mê. Yêu thương vợ chồng rất khác những đam mê tiềm tàng trong mối quan hệ ngoài luồng. Cái ấm áp, an toàn của một cuộc hôn nhân bình ổn đã tước mất của người đàn ông cái “thú bất an”, cái khoái cảm của trò chơi được - mất; trong khi những cuộc phiêu lưu bên ngoài lại đầy cám dỗ với những thử thách, bất trắc mà mỗi lần vượt qua là mỗi lần được bước lên đỉnh cao mới của cuộc chinh phục.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI