Chỉ đường cho hươu...: Không có bạn gái vì bị nghi “trùm sò”

27/03/2023 - 14:14

PNO - Bạn gái cùng lớp từ chối lời tỏ tình của cháu chỉ vì “cậu quá trùm sò”, “ít khi hưởng ứng các cuộc vui nếu phải trả tiền; không bao giờ tặng hoa/quà trong các dịp lễ”…

Gia đình cháu không nghèo, bản thân cháu cũng chưa từng phải nhịn ăn nhịn mặc. Cháu chăm chỉ và tiết kiệm, vậy mà đi đâu cháu cũng bị dán mác “keo kiệt, bủn xỉn”, “kẹo”, “thà để tiền mốc còn hơn xài mất”… Đến ông bà, cô chú của cháu cũng nói “không ai ăn được của nó một đồng”. 

Bạn gái cùng lớp từ chối lời tỏ tình của cháu chỉ vì “cậu quá trùm sò”, “ít khi hưởng ứng các cuộc vui nếu phải trả tiền; thái độ khó chịu khi đi ăn hay đi chơi cùng bạn bè vì sợ trả tiền; không bao giờ tặng hoa/quà trong các dịp lễ”… Cháu muốn thay đổi thành kiến của mọi người về mình và muốn bạn gái mến cháu.

Một nam sinh lớp Mười một (Hà Nội) 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - Shuterstock

Nếu quan sát, ta có thể thấy không ít trẻ tuy còn nhỏ nhưng thường khóc thét khi ai đụng vào đồ chơi của mình và không muốn chia sẻ đồ đạc của mình với bất kỳ ai; nhiều trẻ lớn hơn một chút đã so đo tính toán tiền bạc. Việc trẻ con ở lứa tuổi này không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn bè ít nhất là kết quả của 2 điều tích cực: 

Thứ nhất, ý thức của trẻ đã bắt đầu phát triển, giúp trẻ hiểu rằng cái gì là của mình thì không ai được phép đụng vào và dần sẽ hiểu cái gì của người khác thì cần được tôn trọng. 

Thứ hai, trẻ đã có kinh nghiệm thông qua việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chẳng hạn từng bị bạn không trả lại đồ chơi hoặc đồ chơi bị hư hỏng sau khi cho mượn, bị cha mẹ bắt nhường món đồ mình yêu thích cho em nhỏ hoặc bị anh chị giành mất.

Đáng buồn là nhiều người lớn đã để lại “bài học nhớ đời” qua việc “dạy bảo”, kể cả trêu chọc trẻ. Nhiều phụ huynh vì xã giao đã thuyết phục con, thậm chí giành quyền của con cho trẻ khác (con của sếp, con hàng xóm, bạn bè, họ hàng…) mượn đồ chơi, thậm chí cho luôn.

Lần khác, họ lại tiếp tục “xâm phạm quyền sở hữu” của trẻ không thương tiếc, không cho trẻ được tự quyết định. Trẻ thấy chẳng những cha mẹ không “bảo vệ” mình mà còn cho phép người khác “cướp” đồ chơi của mình, từ đó tìm cách tự vệ. Cách “dạy con” như vậy khiến trẻ khó chịu và tạo ra phản ứng tự nhiên là càng xin, bé càng giữ rịt lấy đồ. 

Ít ai nghĩ đó là một trong vô vàn cách “bắt nạt trẻ con” khi đẩy đứa trẻ vào tình huống khó xử để rồi dè bỉu, chê bai, cười cợt trẻ là “keo kiệt”, “tham ăn”, “không biết điều”… Làm vậy là chưa tôn trọng cảm xúc của trẻ như cảm xúc của chính mình. Tiếc thay, đây là cảm giác nhiều bạn nhỏ phải chịu đựng. 

Sự “hà tiện” và thói “giữ của” của cháu có thể bắt nguồn từ những chuyện ngày nhỏ và e rằng có thể dần trở thành tính keo kiệt và tham lam. Không ai muốn trở thành bạn gái/người yêu của một kẻ keo kiệt. Đó là một tính cách rất kém hấp dẫn, cháu ạ.

Cháu có thể “cải số”, trở thành “rộng rãi” với ông bà, cô chú; thành người ấm áp, thân thiện với bạn bè bằng cách:

- Thả lỏng mình khi tham gia vui chơi với bạn cùng lớp. Trước mỗi hoạt động tập thể liên quan đến tiền bạc (liên hoan, dã ngoại…), nên hỏi rõ các khoản đóng góp và vui vẻ nộp. 

- Chủ động mời bạn bè ăn/uống một vài lần sau khi đã được bạn mời. Nếu vay mượn ai, nhớ trả đúng hẹn.

- Bớt than phiền về chuyện chi tiêu; chuyện gì đã qua là cho qua luôn, nhất là những chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt.

- Đọc những câu chuyện về sự nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Tham dự các hoạt động thiện nguyện để thấy niềm vui của việc trao quà đầy thành ý. 

- Thoát khỏi thói quen dè sẻn và cố gắng tăng nguồn thu. Những công việc bán thời gian, theo mùa giúp cháu có tiền đồng thời có ý thức trách nhiệm mà không quá chi li tính toán khi được tự quản lý tiền. 

- Mua hoặc tự làm quà tặng cho người thân, bạn bè thân thiết vào những dịp ý nghĩa. Ai cũng cảm thấy vui khi nhận quà từ những người thương mến trong những dịp đặc biệt. Thậm chí một món quà bất ngờ vào một ngày bình thường cũng có thể làm bạn gái mà cháu mến cảm động vì biết “người ta” vẫn luôn nghĩ và quan tâm đến mình.

Những cách làm ấy giúp cháu cảm nhận được sự nhường nhịn, chia sẻ, đùm bọc người khác; tiết kiệm nhưng không bần tiện vì đồng tiền làm ra không phải để cất đi mà dùng để phục vụ cuộc sống của mình. Cháu cũng nên trích một phần để tham gia các hoạt động từ thiện. Dần dần, bạn bè, trong đó có các bạn gái, sẽ thấy cháu thu hút hơn.

Bác sĩ HOA TIÊU

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI