Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Phải dành không gian đẹp nhất cho trẻ em

17/07/2025 - 15:22

PNO - Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh điều đó khi trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của các khu vui chơi công cộng dành cho trẻ em trong đô thị hiện nay?

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Các khu vui chơi công cộng dành cho trẻ em chính là những “trường học ngoài trời”, nơi tuổi thơ được vui chơi, tương tác và khám phá thế giới. Đó là không gian để trẻ giải trí, vận động thể chất, là môi trường nuôi dưỡng trí tưởng tượng, kỹ năng xã hội và cả những nền tảng đầu tiên cho đời sống văn hóa cộng đồng. Những sân chơi công cộng không chỉ là tiện ích mà còn là biểu hiện của một đô thị văn minh, biết lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu phát triển của con người từ những giai đoạn đầu đời.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn

Tôi tin rằng một thành phố biết dành không gian đẹp nhất, an toàn nhất cho trẻ em là thành phố đang đầu tư cho tương lai chính mình. Sân chơi cho trẻ là “sân chơi cho nhân cách”, nơi những mầm xanh được gieo niềm tin vào cuộc sống và vào những giá trị tốt đẹp.

* Hiện nay, nhiều đô thị lớn đang mở rộng. Theo ông, sân chơi cho trẻ em cần được đặt ở vị trí nào trong quy hoạch phát triển đô thị mới này?

- Tôi cho rằng trong bản đồ quy hoạch đô thị hiện đại, nhất là những “siêu đô thị” đang hình thành như TPHCM, sân chơi cho trẻ em không thể bị xem nhẹ, càng không thể là “phần thừa” sau những tính toán giao thông, nhà ở hay thương mại. Cần xác lập rõ: sân chơi cho trẻ là một loại hình hạ tầng thiết yếu, không kém trường học, trạm y tế… Đó là biểu hiện cụ thể của tư duy phát triển lấy con người làm trung tâm, lấy hạnh phúc của trẻ em làm chỉ dấu văn minh.
Sân chơi cần được “cắm mốc” trong quy hoạch ngay từ đầu. Một đô thị thông minh, hiện đại là nơi trẻ em có thể cười vui, chạy nhảy, tưởng tượng và phát triển toàn diện ngay giữa lòng thành phố. Nếu chỉ chăm lo cho hạ tầng giao thông mà bỏ quên “hạ tầng cảm xúc”, thành phố ấy có thể hiện đại nhưng khó hạnh phúc.

* Nhiều khu vui chơi hiện có bị xuống cấp, lấn chiếm hoặc có thiết kế không phù hợp với trẻ. Làm sao để quy hoạch và vận hành các khu vui chơi thực sự hiệu quả, an toàn và mang tính giáo dục cao?

- Thực trạng này là tiếng chuông cảnh báo về sự thiếu nhất quán trong tư duy quản lý đô thị nhân văn. Để quy hoạch, vận hành các khu vui chơi hiệu quả, cần đồng thời đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, sáng tạo và mang tính giáo dục - văn hóa.

Thứ nhất, cần những quy chuẩn thiết kế sân chơi phù hợp từng độ tuổi, từ chất liệu, cấu trúc đến tính năng vận động. Đây là một phần của chiến lược phát triển con người. Không gian vui chơi phải thực sự an toàn về thể chất đồng thời kích thích trí tưởng tượng, khám phá của trẻ.

Khu vui chơi thiếu nhi ở công viên Tao Đàn - TPHCM. Ảnh: Ngọc Tuyết
Khu vui chơi thiếu nhi ở công viên Tao Đàn - TPHCM. Ảnh: Ngọc Tuyết

Thứ hai, sân chơi cần là kết quả của sự phối hợp giữa chính quyền đô thị, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội. Huy động sự tham gia của cộng đồng sẽ khiến sân chơi thực sự là của trẻ em và cho trẻ em. Sân chơi cũng cần tích hợp yếu tố văn hóa (trò chơi dân gian, câu chuyện cổ tích, bản sắc địa phương...), để từ đó nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lịch sử, văn hóa trong tâm hồn trẻ.

Thứ ba, cần có cơ chế duy trì các sân chơi. Một khu vui chơi đẹp nhưng thiếu bảo trì cũng sẽ biến thành không gian bị bỏ rơi. Chúng ta cần chính sách đầu tư ổn định, có người phụ trách rõ ràng, có mô hình quản lý hợp lý, có đánh giá định kỳ và lắng nghe ý kiến người sử dụng - đặc biệt là các em nhỏ.

Một thành phố đáng sống không chỉ là nơi người lớn làm việc hiệu quả mà còn là nơi trẻ em được chơi đùa hồn nhiên. Đầu tư cho sân chơi trẻ em, xét cho cùng, là đầu tư cho tương lai của quốc gia.

* Xin cảm ơn ông.

Hoa Nguyễn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI