TP Đà Nẵng phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương

17/07/2025 - 11:56

PNO - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đã khảo sát thực tế Di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.

Chiều 16/7, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi có buổi khảo sát thực tế tại Di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, xã Đồng Dương.

Tại buổi khảo sát, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi trực tiếp tìm hiểu hiện trạng công tác bảo tồn tại di tích Phật viện Đồng Dương, một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của vương quốc Champa xưa.

Bà Anh Thi ghi nhận các đề xuất, kiến nghị từ địa phương và các chuyên gia, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của di tích này trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của Phật giáo Champa, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển bền vững.

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi (áo đỏ) kiểm tra thực tế di tích Phật viện Đồng Dương
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi (áo đỏ) kiểm tra thực tế di tích Phật viện Đồng Dương

Theo tài liệu, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho Vương triều là Laksmindra - Lokesvara. Đây là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Theo bia ký, năm 875 do lòng tin vào Phật giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay "đô thị giải phóng" (moksapura), nơi "trú ngụ" của Phật (Buddhapada).

Năm 1901, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương đã giới thiệu 229 hiện vật được phát hiện, nổi bật nhất là bức tượng Phật đứng bằng đồng cao hơn 1m, được các nhà khoa học nhận định là bức tượng hoàn hảo của khu vực Đông Nam Á.

Đến năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier tiến hành khai quật trên một quy mô lớn tại Phật viện Đồng Dương. Cuộc khai quật này đã thu hút các nhà nghiên cứu, đánh giá đây là một trong những di tích quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Tháng 9/1996, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy, ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Chămpa tại làng Đồng Dương không nhiều.

Di tích Phật viện Đồng Dương chỉ còn sót lại phế tích Tháp Sáng xuống cấp nghiêm trọng phải chống đỡ bằng cọc thép
Di tích Phật viện Đồng Dương chỉ còn sót lại phế tích Tháp Sáng xuống cấp nghiêm trọng phải chống đỡ bằng hệ thống cọc thép

Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng 40 - 50cm, có nơi chỉ dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô.

Có thể nói Đồng Dương chỉ thuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Champa, còn kinh thành Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn, nằm ngoài khu Phật viện Đồng Dương.

Phong cách nghệ thuật Đồng Dương đánh dấu một giai đoạn trong tiến trình phát triển kiến trúc, nghệ thuật của Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũ) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016).

Cuối năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam cũ đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Dự án có tổng mức đầu tư 12 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2023-2025.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI