Xin mẹ đừng so sánh con với ai!

17/07/2025 - 17:30

PNO - Một câu nói, một thái độ của cha mẹ thầy cô có thể nâng các em lên rất cao và cũng có thể kéo các em xuống rất sâu...

Các con cần được công nhận từ những người yêu thân yêu của mình - Ảnh tác giả cung cấp
Các con cần được công nhận từ những người thân yêu của mình - Ảnh tác giả cung cấp

Có kết quả thi tốt nghiệp THPT, một cậu học sinh nhắn cho tôi: Cô ơi, nhà con có con và 2 em họ đều sinh năm 2007. Con biết con học không bằng 2 đứa kia, nhưng con cũng nỗ lực hết sức rồi. Thi tốt nghiệp, 2 đứa nó cao điểm hơn con. Giờ ai cũng bàn tán về tụi nó. Con không được ai trong nhà công nhận hết. Con buồn và nản quá cô ơi! Con muốn mẹ đừng bao giờ so sánh con với ai hết!”.

Tôi ngồi im, nhìn thật lâu vào màn hình, đọc đi đọc lại mấy lần tin nhắn của cậu học trò 18 tuổi, thấy thương biết bao những học trò của tôi và cả những người làm cha làm mẹ.

Tôi thương các em học sinh 18 tuổi, các em như một con diều no gió, chuẩn bị bay thật cao lên bầu trời với ăm ắp những khát vọng. Trong đó khát vọng tha thiết nhất là khát vọng được công nhận, đặc biệt là được công nhận từ những người thân yêu gần gũi nhất.

Có thể chúng ta không vượt qua nhiều thứ, đạt nhiều thành tựu để được tung hô hay vinh danh. Có thể chúng ta không phấn đấu để cho thiên hạ thấy mình làm được gì. Thế nhưng, với những người chúng ta yêu thương nhất - vì họ mà ta đã dốc hết sức. Nhưng đổi lại, họ không công nhận, thậm chí còn so sánh ta, cho là ta thua kém người khác, thì đó thật sự là một cú tát mạnh. Có thể để lại vết thương tinh thần đau nhói, dai dẳng.

Các em ở tuổi 18 - nhạy cảm và chưa đủ sức kiểm soát cảm xúc bản thân. Một câu nói, một thái độ của cha mẹ thầy cô có thể nâng các em lên rất cao, cũng có thể neo các em xuống rất sâu trong lòng tin về khả năng của bản thân và tình yêu sự vị tha bao dung của cuộc đời.

Các em ở tuổi 18 - nhạy cảm và chưa đủ sức kiểm soát cảm xúc bản thân - Ảnh tác giả cung cấp
Các em ở tuổi 18 - nhạy cảm và chưa đủ sức kiểm soát cảm xúc bản thân - Ảnh tác giả cung cấp

Thế mới biết, lời nói, nhất là lời nói với con trẻ và những người thân thương càng phải được suy nghĩ cân nhắc hơn tất cả.

Tôi ngồi im thật lâu, nghe cảm thông sâu sắc với những người làm cha làm mẹ. Chúng ta yêu thương, lo lắng, kỳ vọng cho con nhiều quá! Nhưng có lẽ, chưa bao giờ sự yêu thương, lo lắng, kỳ vọng đó trở nên nhiều như bây giờ. Trong các nguyên nhân, có cả yếu tố chủ quan phát khởi từ trái tim của bậc sinh thành, lẫn yếu tố khách quan khi số con trong gia đình ít, cũng như môi trường, yêu cầu, xu hướng của xã hội hiện tại cũng đã khác trước.

Làm người mẹ, làm cô giáo của nhiều lứa học trò trong suốt bao nhiêu năm, tôi nhận ra yêu thương con trẻ nên như nắm cát trong tay. Đừng nắm quá chặt và tuyệt đối chúng ta cố gắng không so sánh “con nhà người ta” với con nhà mình. Kiểu gì, điều đó cũng không mang lại chút lợi ích nào mà chỉ gây hại. Các con có thể hiểu mẹ thương mình, có thể hiểu mẹ muốn tốt cho mình. Nhưng, lòng tự trọng và cảm xúc không được thấu hiểu, không được công nhận lấn át, khiến các con buồn xa cách chúng ta, thậm chí là bỏ cuộc.

Thế mới biết, yêu thương cũng phải học sao cho đúng cách.

Tôi soạn tin nhắn gửi cho em, có lẽ rồi em sẽ hiểu: “Mẹ không cố ý đâu con. Điều quan trọng với con trong cuộc sống sau này không chỉ là nỗ lực để hoàn thiện tốt nhất bản thân, mà còn học cách vị tha, bỏ qua cho người khác, nhất là người thân. Con hãy cố học kiểm soát cảm xúc của mình. Với ba mẹ, trước khi trách giận gì, con hãy nhớ câu này: Ba mẹ luôn yêu thương con!”.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI