Đi lấy chồng rồi đừng gọi về cho mẹ...

17/07/2025 - 11:30

PNO - Muốn con mạnh mẽ, cha mẹ có nhiều cách, hoàn toàn không phải cách bỏ rơi, dù con đã đi lấy chồng.

Nỗi băn khoăn của cô dâu mới khi nhận tin nhắn của mẹ - Ảnh: Chụp màn hình từ trang Ở nhà vui thấy bà!
Nỗi băn khoăn của cô dâu mới khi nhận tin nhắn của mẹ - Ảnh: Chụp màn hình Facebook.

Trên một diễn đàn về hôn nhân gia đình, cô dâu kia đăng đàn than thở: “Mình mới đi lấy chồng, sau khi lo đám cưới hoàn tất thì mẹ mình nhắn: “Mẹ đã hoàn thành trách nhiệm của người mẹ. Đến đây con tự lo cho mình đi. Giống như mẹ rời xa bà ngoại vậy. Kể từ hôm nay. Gì cần lắm thì gọi còn không thì thôi”. Cho mình hỏi thế này là bình thường hông, chứ mình nghe tủi thân, buồn miết thôi…”.

Bài viết đăng đã nhiều tuần vẫn còn là tâm điểm chú ý của những người trẻ. Hàng trăm bình luận xoay quanh 3 luồng chính: “Mẹ gì phũ phàng quá, mẹ ghẻ hả?”, “Chắc “phá gia chi tử” nên mẹ bạn mừng khi trút được gánh nặng”, “Tự lập lên đi, đủ lông đủ cánh rồi, 18 tuổi đã phải vậy rồi, huống gì giờ đã có chồng”...

Không thể đứng trên quan điểm nào để phán xét người mẹ đúng hay sai, tuy nhiên, hẳn cô dâu mới nào cũng giật mình trước tin nhắn “xanh rờn” của mẹ. Nếu điểm rơi tin nhắn tuyên bố buông tay ấy lại nhằm vào giai đoạn nhạy cảm, sẽ gây tổn thương sâu sắc cho con gái vừa phải xa nhà đi lấy chồng. Con sẽ nghĩ cha mẹ từ mặt và sẽ tủi thân, buồn bã, cô độc trước những vấn đề của đời mình. Muốn con mạnh mẽ, cha mẹ có nhiều cách, mà không phải cách bỏ rơi.

Một cặp vợ chồng trẻ tôi quen đã chia tay chóng vánh vì hàng loạt mâu thuẫn. Ở tòa, người vợ ghét chồng đến nỗi phải gửi chiếc nón bảo hiểm của chồng cho thư ký tòa đưa giùm, để đỡ nhìn mặt người cũ thêm lần nữa. Tan nát cõi lòng vì đổ vỡ hôn nhân nhưng người vợ trẻ ấy vẫn vững tinh thần.

Chị chia sẻ: “Đó là nhờ cha mẹ luôn là điểm tựa cho tôi. Khi tôi đi lấy chồng với nhiều chuyện bất hòa trước và trong đám cưới, ngay đêm tân hôn, mẹ linh cảm điều gì đó nên đã nhắn tin hỏi tôi ổn không và gửi hình một cái ôm. Lúc ấy tôi đã trào nước mắt vì cảm động”.

Mẹ ân cần dặn dò con gái trước chặng đường mới - Ảnh minh họa: Freepik
Tình thương gia đình là vốn quý cho con trước chặng đường mới - Ảnh minh họa: Freepik

Đành rằng có chồng rồi thì phải tự lo liệu cuộc sống, phải kiên nhẫn, sướng khổ chung chịu và hết lòng xây đắp hôn nhân, nhưng hành trình hôn nhân đâu phải luôn bằng phẳng, như ý nguyện.

Nếu con phải đánh đổi bằng sự tự do, bằng sức khỏe, tính mạng... khi triền miên là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc xui rủi gặp tai nạn, bệnh tật, nợ nần thì sự lạnh lùng của cha mẹ đã bít lối về của con.

Nhiều năm làm báo, tôi chứng kiến rất nhiều cha mẹ tức tưởi khóc và hối hận hỏi con: “Tại sao con âm thầm chịu đựng, sao không kể cho cha mẹ nghe?”.

Tác giả Vũ Thế Thành từng có cuốn sách “gây cười đó, rưng rưng đó” với tựa đề Những thằng già nhớ mẹ (NXB Hội Nhà Văn). Mẹ cha là những điểm tựa thiêng liêng trong cuộc sống, bất kể tính cách con ra sao, giới tính con là gì và con bao nhiêu tuổi... Nếu điểm tựa ấy thiên về tinh thần, về tình yêu thương và những vòng tay thì càng tựa, con sẽ càng mạnh mẽ, vững vàng.

Chắc chắn cha mẹ cũng sẽ có những biến động tâm lý ở thời điểm gả cưới con, nhất là khi làm sui lần đầu, nhưng đừng quên bất cứ ai cũng cần nơi để về. Lời nhắn nhủ yêu thương, lời chia sẻ kinh nghiệm, lời dặn dò giản dị mà sâu sắc... sẽ là những “của hồi môn” tinh thần vô giá khi con đi lấy chồng.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI