Bị rắn cắn, người đàn ông nguy kịch vì đắp lá của thầy lang

17/07/2025 - 17:42

PNO - Sau khi bị rắn cắn, người đàn ông 50 tuổi ở Lào Cai không tới bệnh viện mà đắp lá ở nhà thầy lang. 2 tiếng sau, bệnh diễn biến nặng nề.

Nam bệnh nhân nguy kịch vì chữa thuốc
Nam bệnh nhân nguy kịch vì đắp lá chữa rắn cắn - Ảnh: Nguyên Hà

Ngày 17/7, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, nam bệnh nhân 50 tuổi (ở Lào Cai) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngừng tuần hoàn sau khi bị rắn cắn.

Trước đó, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân không đến ngay cơ sở y tế mà đến nhà thầy lang đắp lá. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ kể từ khi bị rắn cắn, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện nói khó nên mới tới bệnh viện.

Trên đường đi, trước khi đến viện 20 phút, bệnh nhân xuất hiện cơn gồng cứng người, tím tái, suy hô hấp, hôn mê, ngừng tuần hoàn. Bác sĩ tại bệnh viện tuyến huyện đã cấp cứu, giúp tim bệnh nhân đập trở lại và đặt ống nội khí quản chuyển về Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn do bị rắn hổ mang chúa cắn. Hiện bệnh nhân vẫn hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương tim. Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, hạ thân nhiệt bảo vệ não, giải độc. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn tiên lượng hết sức dè dặt. Với những trường hợp như trên, bệnh nhân có nguy cơ tổn thương não nặng nề, thậm chí tử vong.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viên Bạch Mai - cho biết, với các loại rắn độc, thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân có thể chỉ trong vòng vài giờ sau khi bị cắn. Nếu không đưa đến cơ sở y tế kịp thời để sử dụng huyết thanh kháng độc đặc hiệu, thì hậu quả thường là hoại tử và mất một phần cơ thể, liệt cơ hô hấp, ngừng tim, tổn thương não và thậm chí tử vong.

Cũng theo ông Nguyên, các loại rắn như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia và một số loài rắn hổ mang, rắn biển, rắn lục núi, rắn lục đầu bạc có độc tố thần kinh tác động gây liệt cực nhanh, liệt các cơ hô hấp, suy hô hấp đe dọa tính mạng trong vài giờ đầu.

Một trường hợp
Một trường hợp nhiễm độc nặng sau khi đắp lá chữa rắn cắn - Ảnh: Nguyên Hà

Trong khi đó, những biện pháp dân gian như đắp và uống thuốc lá, bôi thuốc thảo dược, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”, sừng tê giác, áp gà, hay uống “thuốc gia truyền” đều không có tác dụng trung hòa nọc độc. Ngoài ra, những phương thức này còn làm mất thời gian quý báu vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.

Thực tế, Trung tâm Chống độc đã từng chứng kiến trường hợp tử vong là con một thầy lang nổi tiếng chuyên chữa rắn độc cắn tại một làng nuôi rắn ở Hà Nội. Người này bị rắn hổ mang chúa cắn không đến viện. Gia đình tự dùng thuốc y học cổ truyền tại nhà.

Bác sĩ khuyến cáo, các bệnh nhân bị rắn cắn nên đưa tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt, để được điều trị, xử lý kịp thời.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI