Càng tự lập, càng lạnh lùng với người thân?

19/04/2025 - 12:15

PNO - “Tự lập" nên hiểu là không phụ thuộc, dựa dẫm vào nhau thái quá, chứ không phải kiểu mạnh ai nấy sống và có phần lạnh lùng, vô cảm.

“Tự lập nên hiểu là không phụ thuộc, dựa dẫm vào nhau thái quá, chứ không phải kiểu mạnh ai nấy sống và có phần lạnh lùng, vô cảm.
Dạy con tự lập thái quá đôi khi luôn có "hàng kèm" là sự lỏng lẻo giềng mối tình thâm - ảnh minh họa: Shutterstock

Các bậc phụ huynh hiện đại đề cao tinh thần tự lập của con qua việc cho con tự quyết các vấn đề riêng, cho con đi học kỳ quân đội, học nội trú, du học, cho con ra riêng từ rất sớm...

Đây là cách giáo dục tiên tiến, tích cực, thay cho cách "ấp con" của không ít bậc cha mẹ trước đây. Tuy nhiên, nhiều người lại đề cao thái quá cách dạy con tự lập của các nước phương Tây mà quên rằng lựa chọn nào cũng có 2 mặt.

Từng sống ở Mỹ, tôi có những trải nghiệm khác về lối sống độc lập giữa cha mẹ và con cái xuất phát từ việc dạy con tự lập từ sớm của người bản xứ.

Ở Mỹ, người 18 tuổi được xem là "trưởng thành", đã đủ quyền quyết định về mặt pháp luật và tự quyết những chuyện quan trọng như học hành, công việc, tình cảm, sức khoẻ... Từ nhỏ, đứa bé đã ý thức rõ về "tự do cá nhân" nên tôi chẳng ngạc nhiên khi thấy một bé gái 7 tuổi khăng khăng đòi tự phối quần áo (dù trông ngộ nghĩnh, buồn cười), sắp xếp phòng ngủ theo ý bé muốn (dù rất lộn xộn) hay đứa bé trai mới 11 tuổi đã tự tin tuyên bố sẽ sang tiểu bang khác học đại học khi đủ tuổi.

Một người quen lớn tuổi của tôi ở Mỹ kể, ngày nào bà cũng tham gia các hoạt động hội nhóm. Hoá ra, vì con cái không có thời gian cho bà, nên bà phải tạo sự bận rộn để lấp đầy cảm giác cô đơn, buồn tẻ tuổi già. Chẳng bù với những người lớn tuổi ở ta vẫn bận rộn chăm cháu hay làm việc nhà thay con cái đang bận mưu sinh.

Ở nơi tự do cá nhân được đề cao như Mỹ, có những người già đã trải qua chặng cuối đời ở viện dưỡng lão rồi mất đi mà không gặp lại người thân, vì con cháu quá bận rộn để ghé thăm.

Sự tự lập của con cháu đã không làm phiền đến tự do của ông bà, cha mẹ; nhưng đổi lại, họ cũng để lại cho ông bà, cha mẹ những khoảng trống tình thân lúc cuối đời.

Nhiều người ở Mỹ trải qua tuổi già ở viện dưỡng lão với sự kề cận, trợ giúp của nhân viên y tế chứ không phải người thân (ảnh: Getty Images)
Nhiều người ở Mỹ trải qua tuổi già ở viện dưỡng lão với sự trợ giúp của nhân viên y tế (ảnh: Getty Images)

Lần đi nuôi người thân ở bệnh viện tại Mỹ, tôi được chứng kiến điều được gọi là "tình cảm gia đình" của người bản xứ. Người ta đến bệnh viện thăm người bệnh đông vui, nhưng cuối buổi, ai nấy ra về để người bệnh cô đơn lại cho đội ngũ y tế chăm sóc. Nửa đêm, người bệnh khó ngủ, đau đớn rên rỉ, chẳng ai bên cạnh.

Ông bác sĩ người Ấn Độ từng thốt lên: "Thật là một gia đình tuyệt vời!" khi thấy chúng tôi thay nhau chăm sóc người thân. Vị bác sĩ ngạc nhiên vì cảnh tượng người thân tự tay chăm người bệnh có lẽ chỉ có ở các gia đình châu Á.

Khi tôi đến nhà quàn để lo hậu sự, vị quản lý ở đây hỏi tôi có chắc chắn sẽ quay lại không, vì bà đã chứng kiến nhiều người đem người thân đã qua đời đến hoả táng rồi không buồn quay lại nhận hài cốt. Tôi nghe mà bần thần, không hiểu sao người ta có thể làm vậy với người đã khuất.

Dù sống chung hay riêng, dù con cái tự lập hay được cha mẹ "bảo kê tận chân răng", tôi tin tình cảm gia đình luôn thiêng liêng, dù dưới hình thức này hay khác. Tuy nhiên, tự lập nên hiểu đúng là không phụ thuộc, dựa dẫm vào nhau thái quá chứ không phải kiểu mạnh ai nấy sống. Cái giá của sự "tự lập" từ con cái mà nhiều người vẫn "mượn" từ các nước phương Tây để so sánh một cách máy móc, dạy dỗ con cháu và lấy đó làm chuẩn, phải chăng có phần lạnh lùng, thậm chí vô cảm giữa những thành viên gia đình?

Tôi không nhận xét sự tự lập "rất Tây" ấy là tốt hay xấu, vì mỗi quốc gia, địa phương hay mỗi gia đình đều có nền tảng văn hoá, nếp sống khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, càng sống cuộc đời tự do bay nhảy, con cái càng được đề cao sự tự lập, người trong gia đình càng lỏng lẻo giềng mối tình thâm.

Nguyễn Yến Nhi (TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI