Cuối đời có ai nắm tay mình?

31/07/2018 - 18:00

PNO - Tôi buột miệng: “Bác cưng vợ ghê”. Ông lắc đầu: “Hồi còn trẻ tôi làm khổ bả dữ lắm. Bây giờ già rồi chăm sóc chuộc lỗi tí chút.

Chuyến du lịch kết thúc, hướng dẫn viên tiễn đoàn ra bến xe và ngồi lại cho đến lúc đoàn khởi hành là mười chín giờ bốn mươi lăm phút. Vẫy tay chào và hẹn gặp lại, hướng dẫn viên nói: “Ngủ một giấc mở mắt ra là thấy thành phố rồi nha cô bác, anh chị”.

Mọi người vẫy tay đáp lại và gật đầu, đúng là vậy, di chuyển liên tục suốt mấy ngày liền vui thì rất vui nhưng tới lúc này ai cũng thấm mệt, hình dung vài tiếng nữa được về nhà, cảm thấy dễ chịu vô cùng. 

Xe giường nằm. Ngoài đoàn chúng tôi mười hai người, vẫn còn khá nhiều giường trống. Tiếng mưa lộp bộp, tôi rơi vào cơn mơ màng cùng ý nghĩ có lẽ vì mưa nên nhà xe ế ẩm. Nhưng không phải, xe chạy một hồi thì ngừng lại đón khách.

Tôi tỉnh hẳn vì tiếng trẻ con khóc. Một phụ nữ bế đứa con loay hoay trong cái áo mưa lùng nhùng, một bên vai áo bị rách. Cậu lơ xe giơ tay ra, vẻ như định bế giùm đứa nhỏ để chị dễ cởi áo mưa nhưng chị vội né người.

Cú né khiến cậu lơ xe ngượng ngùng chuyển bàn tay mình lên đầu và xọc luôn vô tóc. Chị vội vàng phân bua bâng quơ: “Tại cháu nó sợ người lạ.” Câu nói vừa dứt thì đứa bé nín bặt.

Cuoi doi co ai nam tay minh?

Đứng nhìn chị đắp mền cho đứa nhỏ một hồi thì cậu lơ quay đi sau khi nhắc lại lần nữa: “Quy định là không được nằm giữa lối đi”. 

Tay này bế con, tay kia xách cái túi, chị đi ngang chỗ tôi, hơi ẩm ướt tỏa ra. Cậu lơ xe chỉ cho chị cái giường ở cuối. Tôi ngoái đầu nhìn theo, tay áo và lưng áo chị lốm đốm thẫm màu vì ướt. Chị đặt con nằm trong giường, còn chị thì ngồi bệt bên cạnh. Cậu lơ xe nhắc: “Không được nằm ở lối đi đâu nghe chị”. Chị trả lời khe khẽ: “Tôi ngồi đây tí thôi, đợi cho khô người chứ ôm nó bây giờ thì lạnh tội nghiệp. Con nít mà”.

Tôi muốn nói với chị là hãy thay áo đi, tôi sẽ căng mền che chắn giùm cho, hơn nữa, mọi người đang dán mắt vào màn hình điện thoại, còn lại thì đang ngủ, chẳng ai nhìn ngó gì đâu.

Nhưng thấy chị lục lọi trong túi xách một hồi mà chẳng lấy ra thứ gì, tôi đoán chị không đem theo áo quần cho mình. Có lẽ đây chỉ là chuyến đi ngắn ngày của hai mẹ con chị.

Mấy lần xe ngừng lại đón khách. Hai người cuối cùng là cặp vợ chồng già. Cậu lơ đưa họ tới hai cái giường gần chỗ tôi. Cậu hỏi: “Hai bác tới bến luôn hay xuống đâu?”.

“Tới bến rồi trung chuyển Bệnh viện Đại học Y.D.”, câu trả lời vang lên trong bóng tối khiến tôi tỉnh ngủ. Cảnh vợ chồng già đưa nhau đi khám bệnh khiến người ta dễ nao lòng dù có vẻ như họ rành rẽ đường đi và những chuyến xe đêm như thế này không lạ lẫm gì.

Người vợ thò tay vô túi áo lấy ra chai dầu gió, người chồng thì thào thật nhanh: “Bà quên rồi hả? Ở nơi công cộng đừng có xức dầu lỡ người khác không chịu được mùi”. Bà vợ vội nhét chai dầu vô túi. 

Sau một hồi nằm yên, người vợ ngồi dậy quấn lại cái khăn quàng cổ. Giọng người chồng thì thào: “Bà lạnh hả? Thì nhấn cái nút tắt máy lạnh đi”. Giọng bà vợ nghe như tự cười mình: “Ừ, lần trước biết rồi mà nãy giờ quên mất. Già rồi nên mau quên ghê”. Ông chồng gắt lên: “Mau chậm gì, chỉ vì lâu lâu mới đi xe nên không nhớ là đúng rồi”. Nghe như là ông nhất định không chịu vợ mình đã đến tuổi nhớ trước quên sau.

Trong bóng tối mờ mờ, bà giơ tay sờ soạng tìm kiếm, rồi giọng bối rối: “Nó ở đâu? Cái xe này không giống cái xe trước mình đi, ông à”. Người chồng rời khỏi giường của mình đi tới chỗ bà vợ, lần mò một hồi thì ông nói: “Ừ đúng, cái xe này khác. Không phải là cái nút tròn như xe kia. Mà được rồi, tôi tắt gió thổi rồi đó. Bà nằm xuống ngủ đi. Phải ngủ một giấc cho khỏe thì bác sĩ khám mới chính xác được. Nhớ lần trước không, chỉ tại...”. 

Ông im bặt vì người nằm giường gần đó càu nhàu: “Làm ơn trật tự giùm”.

Ông đỏ mặt: “Thì tôi đứng bên ngoài, lần trước bả bị trượt té đó cô. Mấy đứa con thương má nói là đã đi thành phố rồi thì khám xong sớm ba dắt má đi chơi cho biết. Vậy nên tụi nó mua cho bả đôi dép da. Khổ, quà con cái mua tặng không xài sợ tụi nó buồn chớ mà cái đế trơn dễ bị trượt lắm cô à”.Xe tới bến lúc gần ba giờ sáng.

Cậu lơ hô to: “Ai đi Bệnh viện Đại học Y.D. thì tới cái xe màu trắng đang sáng đèn ở đằng kia nhanh nhanh”.

Đi khám bệnh vào lúc ba giờ sáng thì thật đáng tò mò, vậy nên tôi xách ba-lô theo ông bà già đi tới chiếc xe trung chuyển.

“Cô cũng đi khám à?”, ông chồng bật hỏi. Ông đã nhận ra tôi là người đồng hành trong chuyến xe đêm.

“Dạ... con tới đó thăm người quen”, tôi đáp lời đại và hỏi: “Bác gái bị sao mà phải đi khám giờ này vậy bác?”. Nói xong tôi mới nhận ra mình hớ, ai lại đi thăm người bệnh vào cái giờ oái ăm này. Nhưng không chú ý tới cái sự hớ của tôi, ông nói với giọng của người đi trước truyền lại bí kíp: “Đi giờ này mới lấy được số thứ tự sớm, khám trong ngày xong xuôi thì chiều tối lên xe về nhà, khỏe, đỡ tốn tiền ăn ngủ trọ. Mà giờ này tới nơi cũng xếp hàng mỏi cổ đó”.

Đúng như ông nói, mới hơn ba giờ sáng mà khu khám bệnh sáng choang và từng hàng dài người xếp hàng đông đúc như ở quầy vé rạp chiếu phim bom tấn, còn hơn vậy nữa vì trước cổng liên tục những chuyến xe ngừng lại thả thêm người xuống. Xe này từ Kon tum, xe kia từ Bình Thuận, xe nọ từ Cà Mau, xe kế tiếp từ Bình Định, từ Đà Lạt... Dưới ánh đèn đường, những chiếc xe lớn nhỏ ngang qua cổng bệnh viện như một màn trình diễn thương hiệu lạc nhịp.

“Cô có gấp không?”, ông chồng hỏi. Tôi chưa trả lời thì ông nói nhanh: “Nhờ cô xếp hàng giùm. Để bả đi vệ sinh một mình, tôi không yên tâm”. “Nhưng bác làm sao vô khu vệ sinh nữ được?”, tôi thắc mắc.

Tôi đứng vô chỗ của ông. Mới đó mà đã thêm mấy chục nhân mạng xếp nối phía sau, mặt mũi ai cũng bơ phờ, nhiều người ngáp mà chẳng buồn che tay.

Đông nghẹt người mà trật tự một cách đáng ngạc nhiên, chỉ cái loa vang vang: “Bệnh viện Đại học Y.D. thông báo, ngoài cổng bệnh viện thường có đối tượng cò lừa đảo... Thủ đoạn dụ dỗ người mới khám bệnh lần đầu của chúng là dụ dỗ người bệnh sẽ được khám nhanh khám trước hoặc dụ dỗ người bệnh ra phòng khám bên ngoài... Người bệnh nên đi thẳng vào bên trong bệnh viện để được hướng dẫn đăng ký khám bệnh... Chúng tôi sẽ không giải quyết những trường hợp bệnh nhân hợp tác với cò...”.

Đợi ông bà quay trở lại, tôi thơ thẩn trong nỗi tò mò... mong gặp cò để biết họ lừa ra sao. Tôi làm ra vẻ ngơ ngác nhìn ngó và tôi thấy chị, người phụ nữ bế đứa con lên xe khi trời mưa.

Tay này bế con tay kia xách túi, chị đứng gần cuối hàng người dài dằng dặc. Chị ngáp mà cố ngậm miệng nên hai má phồng ra, hai bên cánh mũi thun lại một cách khổ sở. Đuôi tóc cột túm nằm lỏng lẻo sau gáy, thỉnh thoảng chị quay quay cổ như thể cử động này giúp chị bớt cứng đờ.

Cảm giác rõ ràng là chị đang cố gồng người để có thể tiếp tục đứng thẳng được. Tôi nhớ lơ mơ, hình như người già và em bé thường được ưu tiên. Hay là chị khám cho chính mình mà không có nơi chốn nào để gởi con?...

Con nít mà đêm ngủ không ngon giấc thì thường hay khóc nhè nhưng em bé này ngoan ngoãn gục đầu lặng im trên vai mẹ, thỉnh thoảng hé mắt nhìn quanh và miệng nhóp nhép nhai. Tôi nghe nói những đứa bé có hoàn cảnh không may mắn thường khôn sớm mà thể hiện rõ nhất là lặng im để mình không trở thành nỗi quấy rầy.

Cuoi doi co ai nam tay minh?

Tôi muốn bế em bé giùm để cánh tay chị được nghỉ ngơi đôi chút, tôi muốn xếp hàng thay để chị được ngồi xuống cho đỡ mỏi chân. Nhưng tôi biết là mình chỉ khiến chị thêm bất an mà thôi. Có lẽ đời chị đã từng tưởng mình gặp được người tốt...

Nhận ra sự chú ý của tôi, chị ngẩng đầu nhìn tôi và nhìn quanh với vẻ lo lắng. Chị cầm túi xách chặt hơn, mu bàn tay hằn rõ những đường gân. 

***

Loanh quanh một hồi, tôi gặp lại cặp vợ chồng già. 

Lấy được số thứ tự xong, trong khi chờ tới giờ khám buổi sáng thì ngủ là có lý nhất. Mỗi băng ghế có ba chỗ ngồi, lúc này thì ba chỗ ngồi trở thành một chỗ nằm ngủ, tất cả các băng ghế đều là giường. Những người tới sau chỉ còn ghế đơn đành ôm túi xách hoặc ba-lô trong lòng mà gà gật. 

Bà vợ đang nằm ngủ, mắt nhắm nghiền, mớ tóc trắng nhiều hơn đen xổ ra trên cái áo len xếp lại làm gối. Ông chồng ngồi ngay đó, canh chừng cái giỏ xách và đôi dép da. Nhìn thấy tôi đi tới, ông vỗ tay vô túi áo ra dấu đã xong việc quan trọng là lấy được số thứ tự rồi. 

Tôi kéo cái ghế đơn ngồi xuống cạnh ông. “Cô gặp người quen chưa mà còn ở đây?”, ông hỏi. Tôi gật đầu và nói: “Bác gái ngủ ngon quá”. Ông thì thầm: “Bả ngủ được là mừng”. Ông lấy trong túi xách ra cái quạt xếp và phe phẩy quanh mặt bà, mớ tóc trước vầng trán nhăn nheo bay phơ phất.

Tôi buột miệng: “Bác cưng vợ ghê”. Ông lắc đầu: “Hồi còn trẻ tôi làm khổ bả dữ lắm. Bây giờ già rồi chăm sóc chuộc lỗi tí chút. Mà kỳ cục lắm nghe, hồi đó bả cứng cỏi bao nhiêu thì bây giờ dễ khóc bấy nhiêu. Hở chút là khóc…”. Nói xong ông nhoẻn cười rộng miệng khiến mặt mũi chi chít nếp nhăn sâu. Tôi nhận ra ông bị móm là vì hàm răng trên sún ba cái kế tiếp nhau.

Bất chợt bà mở bừng hai con mắt: “Tôi dễ khóc hồi nào”.

“Bà vẫn không chịu ngủ hả?”, ông kêu lên và vội che miệng vì lỡ lớn tiếng trong khi xung quanh đang ngủ say. Bà hừ trong cổ: “Khoe với người ta là chăm sóc vợ mà quạt cái kiểu quét vô mặt, ai mà ngủ được”.

Chẳng biết bà trách yêu ông hay nổi giận thật, tôi vội đứng lên: “Xin lỗi bác, là vì con nói chuyện nên bác trai bị xao lãng”.

Cuoi doi co ai nam tay minh?

Những chuyến xe buýt đầu ngày lừng lững hiện ra trong mờ sớm tinh khôi và những người chạy thể dục như đang đua cùng xe buýt mà bị rớt lại phía sau, vài người chạy chậm dần rồi chuyển qua đi bộ. Tôi đi ra cổng. 

Có những phụ nữ thể dục rồi tranh thủ đi chợ luôn thể, mặc quần shorts mang giày thể thao vai đeo bao da đựng vợt cầu lông mà hai tay đùm túm túi bánh mì, túi rau củ thịt cá...

Dù lỉnh kỉnh vậy nhưng nhìn họ thật mạnh mẽ, khỏe khoắn và tràn đầy sức sống, trong đầu tôi bỗng hiện ra hình ảnh đối lập là người phụ nữ gầy gò mệt mỏi và đứa con nhỏ sớm biết náu mình trong im lặng.

Cầu mong mẹ con chị sớm được cái kết có hậu như bà già, được nâng niu chăm sóc chuộc lỗi lầm...

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI