Biết đâu, chiều ba mươi con về...

27/01/2017 - 06:30

PNO - Nghe mình nói “tết này không về”, bạn bè người bảo: “Trời, có quê mà không về. Tui chỉ thèm có quê để về mà không được”; người khác nói: “Về đi, tết cả chục ngày, ở đây làm gì?”.

Những ngày cận tết, không khí đã bắt đầu se lạnh, phố dường như im ắng đôi phần. Ra đường đã thấy người này lỉnh kỉnh giỏ xách, người nọ thong dong va li, những chuyến xe chở nhau đồ đạc chất đầy phía trước. Người người gặp nhau ai cũng nghe câu chào cửa miệng: Ngày nào về quê? Tết này đi đâu?

Biet dau, chieu ba muoi con ve...
 

Nghe mình nói “tết này không về”, bạn bè người bảo: “Trời, có quê mà không về. Tui chỉ thèm có quê để về mà không được”; người khác nói: “Về đi, tết cả chục ngày, ở đây làm gì?”. Ðứa em ngày nào cũng nhắn: “Thôi, về thăm cha mẹ già vài bữa”. Bạn đời cũng hỏi tới hỏi lui: “Chắc không, quyết định chưa, những ngày gần tết lu bu chắc không sao, nhưng tết đến, rồi giao thừa, có buồn không đó?”...

Mình thì lấn cấn: đường xa, năm nào cũng tất tả với chuyện tàu xe, quá mệt, nên quyết định sẽ nghỉ một năm không đua tàu xe máy bay, không chen chen lấn lấn nữa, xem năm nay có thong dong hơn năm cũ không. Nhắn tin chúc tết mọi người, mới hay có người bạn lâu năm vừa mất cha. Cuối tuần bạn về nhà, ra thăm mộ cha cho ấm, cho nhà bớt quạnh hiu.

Một người bạn khác năm nay cũng không về, dù hai mươi năm ở Sài Gòn nhưng chưa bao giờ ở lại ăn tết. Hỏi ra mới biết năm nay bạn đột nhiên “bị” ở lại Sài Gòn. Mà ở lại trong tình trạng khá là “thê thảm” vì phải cách ly tất cả mọi người.

Bạn kể “đang yên đang lành, khỏe như vâm, leo đỉnh Fanxifan ào ào, đến ngày khám sức khỏe cuối năm chợt phát hiện K tuyến giáp”. Mổ xong bác sĩ vui mừng thông báo: “Ông vô cùng may mắn, vì chỉ cần chậm một tuần nữa thôi là các hạch di căn qua thanh quản. Ông không còn “hét” được karaoke nữa đâu”.

Bạn, trong lúc còn chưa nói được rõ tiếng, đã thều thào: “Không hát được thì tui chơi đàn, khó gì đâu”. Người lạc quan vậy, nhưng khi vô phác đồ điều trị, uống thuốc, xạ trị, phải cách ly hai tuần đúng vào hai tuần tết… cái chân ham đi, cái miệng ham nói, cái người hay thích gặp người nọ người kia giờ phải xa cả gia đình bè bạn, miệng bảo “tôi ổn”, nhưng thử tưởng tượng, những ngày tết bạn nằm chèo queo một mình trong phòng trọ, không biết ai cơm nước, liệu có được ăn bánh chưng, dưa hành, dưa kiệu… tự nhiên mình thấy chùng lòng.

Nhớ thời tuổi trẻ như bạn, mình cũng có lần thử cảm giác tết lang thang, mà đó là mình chủ động đi khám phá, vừa là khám phá vùng đất mới, vừa là khám phá coi giới hạn bản thân mình đến đâu. Cả chục ngày không về quê, một mình một xe lang thang Tây Bắc.

Chiều 30 tết, ngồi ăn ké miếng bánh chưng, bên bếp lửa của một gia đình người Tày, nước mắt bỗng ứa ra. Té ra mình cũng chỉ là kẻ “giang hồ vặt”. Người bạn trẻ nhắn: “Ðừng lo, em ổn, vẫn còn có thể gặp bạn bè qua điện thoại, qua facebook, lo gì…Ừ, cái tinh thần của bạn luôn là vậy, cái “ánh sáng cuối đường hầm của bạn” làm mình nhẹ nhõm đôi chút.

 Nhưng “cú chót” chính là điện thoại của má. Dù mình đã thông báo bằng một câu cà rỡn trước đấy: “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm. Nhưng nếu con về, chắc mẹ buồn hơn”. Má không than vãn hay đòi con về, chỉ nhắc: “Con ghé thăm ông Mười giùm má. Năm nào cũng gửi cho ông chậu mai. Năm nay đám cây tiêu tùng hết. Con ghé mang cho ông một cành đào thay thế nha con. Rồi ghé cậu Hồng, cậu mợ hồi nhỏ chơi với con suốt.

À, con dâu của cô Hai con cuối năm mà phải nằm trong Bệnh viện Ung Bướu, hai vợ chồng chăm nhau…”. Thấy đứa con ngần ngừ, chưa nói câu nào, bà má bồi thêm: “Anh em ruột rà không có mấy người, con ráng ghé cho anh nó mừng nghen con. Anh mày mẹ mất sớm, côi cút từ nhỏ… Anh em trong đó không có mấy người, ráng ghé nghen!”.

“Thôi được rồi, được rồi, để con ghé, đừng có khóc nữa”. Và một câu tôi chỉ nói cho mình: “Thôi được rồi, được rồi để con nghĩ lại… Biết đâu đó, chiều ba mươi, không chịu nổi con sẽ về với má”…

                                                                                                                   Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI