Bầy vịt tháng Chạp

13/12/2024 - 18:30

PNO - Tết đến, cũng đồng nghĩa tôi sắp phải chia tay với chúng. Không ai nuôi vịt để… làm cảnh.

Sáng ngủ dậy muộn, mở cửa, bất ngờ nghe sân nhà bên có tiếng kêu liếp chiếp. Chưa đoán được cái âm thanh vừa lạ vừa quen kia là gì thì lại nghe tiếng dao xắt roèn roẹt rất ngọt, rồi tiếng băm cốc cốc. Âm thanh “đánh đố” đưa tôi ngược về ký ức xa lắc xa lơ, về những ngày cuối năm, giáp tết.

A, nhớ ra rồi. Liếp chiếp là tiếng kêu của lũ vịt con; còn âm thanh roèn roẹt, cốc cốc chính là tiếng dao xắt, băm chuối cây - món ăn “kinh điển” một thời người quê hay dùng nuôi vịt. Quê vườn rộng, chuối trồng nhiều; cuối năm nhà nào cũng mua chục vịt con thả nuôi.

Xắt/băm thân chuối trộn thêm cám, thóc cho ăn. Giống vịt phàm ăn, mau lớn, chịu khó chăm hết tháng Chạp là vừa cữ “vô xoong”, có món thịt vịt béo ngậy mà đón tết. Ấy là chuyện hồi xưa. Mấy mươi năm rồi tôi cởi áo nông dân, chuyên nghề chữ nghĩa; cứ tưởng ký ức ngày thơ đã rủ nhau mai một, nào ngờ…

Thời thơ ấu ấy, tháng Chạp nào tôi cũng được giao nhiệm vụ “tổng quản” một bầy vịt tết độ 10 hoặc 20 con, lo chăn giữ, quản lý chúng chuyện ngủ chuyện ăn. Mà cực nhất là khâu ăn, bởi trời sinh lũ vịt vốn phàm ăn. Ngày cho ăn tới 4-5 bận, chúng cứ phưỡn… diều ra chén tới. Trong các giống gia cầm, vịt thuộc loại có cái diều khủng nhất.

Một chú vịt choai khi ăn no, sức nặng của cái diều lặc lè có thể chiếm đến… 1/3 trọng lượng cơ thể. Xắt chuối, băm chuối khó làm, tôi phải nhờ người lớn phụ đỡ một tay, xong mang trộn cám cho vịt ăn. Rảnh ra lại phải đập ruồi, đào đất, nhặt trùn hoặc ra đồng bắt ốc bắt cua về cung cấp thêm cho chúng. Loay hoay bao nhiêu việc đó cũng đủ hết ngày.

Lũ vịt khôn lắm. Ăn quen mỏ, thấy bóng tôi đâu là lẽo đẽo theo đó. Nổi xung rượt đuổi, chúng lạch bạch chạy trốn lấy lệ nhưng hễ chủ quay đi chúng lại… rồng rắn theo sau. Phải cho ăn no, chúng mới tạm yên, dắt nhau ra ao tắm táp, xong lên bờ châu mỏ ngủ vùi. Thật tình, chăm chúng cực nhưng vui. Tôi yêu đàn vịt từ thuở những “túm bông vàng” lẫm chẫm mẹ mang về từ chợ, cho tới lúc chúng phổng phao thành những cô/cậu vịt choai lúc lắc, áo lông vũ bóng mượt che kín nửa thân.

Tiếng kêu cũng dần “vỡ giọng” từ liếp chiếp chuyển sang quéc quéc. Thêm ít nữa, vịt sẽ trưởng thành: toàn thân lông vũ, lông cánh mọc dài phủ kín lông măng. Giọng điệu cũng biến thể sang thanh âm ồn ào, “chợ búa” rất đặc trưng. Ấy là nói lũ vịt mái. Có chuyện gì đánh động, chúng lại vươn cổ, ngoạc mồm ra mà quàng quạc inh ỏi.

Vậy nên bắt trộm vịt (bầy) rất khó. Chăm vịt bao giờ cũng vậy, tới lúc nghe ra cái tiếng kêu “cạp cạp” dõng dạc, tâm trạng tôi cũng vừa vui vừa buồn. Vui do biết chúng đã thực sự trưởng thành nhờ công tôi chăm, nhưng buồn bởi như vậy cũng đồng nghĩa năm cũ sắp qua, tháng Chạp về.

Tết đến, cũng đồng nghĩa tôi sắp phải chia tay với chúng. Không ai nuôi vịt để… làm cảnh. Chuyện này tôi biết quá rõ. Nhưng mấy tháng ròng gắn bó cùng lũ vịt đủ để phát sinh tình cảm giữa người với vật, tự dưng cứ thấy buồn bã ngày chia xa. Mẹ đành an ủi: “Không thịt chúng lấy gì ăn tết. Thôi, chờ năm sau, mẹ lại mua cho một đàn vịt mới mà chăm”.

Bây giờ, còn mấy ai nuôi vịt, nuôi gà chờ tết? Muốn ăn, chỉ cần alo một tiếng hay bấm bấm trên điện thoại đặt hàng là có người ship tận cửa nhà. Nhưng dư âm những ngày tháng xắt chuối, vớt bèo, đào trùn, bắt ốc nuôi vịt, nuôi tết sẽ vẫn là những ký ức ngọt ngào khó phai.

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI