Bất trắc về tài sản khi ly hôn

03/03/2022 - 12:03

PNO - Khi dựng vợ gả chồng cho con, ngoài việc trao sính lễ, của hồi môn theo phong tục, việc cho số tiền lớn hay mua nhà đất cho con… nếu không muốn khi hôn nhân kết thúc tài sản bị chia sẻ, cha mẹ cần cân nhắc và thận trọng.

 

Cha mẹ khá giả thường tạo lập tài sản cho con khi kết hôn, ít ai tính toán nên làm thế nào, cần thủ tục gì cho chặt chẽ, an toàn tài sản “phía mình”, cũng chẳng ai nghĩ có ngày con phải ly hôn. Thế nhưng khi cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng trẻ tan vỡ, nhiều phụ huynh mới ngớ ra…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Không ai muốn nghĩ tới các tình huống rủi ro trong hôn nhân, nhưng thực tế cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Lấy chồng để có tiền trả nợ 

K.H. và Q.N. là bạn học chung trường THPT tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Tốt nghiệp cấp III, cả hai không đủ điểm vào đại học nên chọn trường nghề tại TP.HCM. H. học nghề trang điểm và spa; N. học ngành y học cổ truyền. Khi nảy sinh tình cảm, H. và N. về nhà “ra mắt” cha mẹ hai bên. 

Gia đình H. làm nông đơn thuần, tạm đủ ăn. Gia đình N. khá giả có tiếng xứ Gò Công với nhiều ruộng đất. Cha mẹ ông bà N. giữ nền nếp gia phong khiến cả vùng kính nể. N. là con trai một.

Sau một thời gian, tình cảm đôi trẻ đủ mặn nồng, cũng là lúc H. đã học xong nghề và muốn về quê mở tiệm trang điểm, spa. N. học năm cuối và đang thực hành nghề y học cổ truyền tại một bệnh viện ở TPHCM. H. chủ động bàn chuyện kết hôn khi N. chưa nghĩ tới, vì nguyện vọng của N. là tốt nghiệp ra trường có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền rồi mới tính đến chuyện lấy vợ.

Thấy N. chần chừ, H. “dọa” nếu không cưới thì chia tay, dì của H. sẽ làm mai cho cô ấy kết hôn với một Việt kiều ở Mỹ. Sợ mất người yêu, N. về xin phép gia đình. Có nhiều ý kiến nói ra nói vào, nhưng cuối cùng với sự quyết tâm của hai người trong cuộc, gia đình N. đồng ý cho đôi trẻ kết hôn vào mùa cưới năm 2019.
Đó là một đám cưới bài bản, hiện đại và lớn nhất từ trước đến nay trong dòng họ N. Theo nghi lễ truyền thống, cô dâu H. được nhà trai cho sính lễ và số tiền khá lớn. Ngoài ra, toàn bộ tiền mừng cưới tại nhà trai cũng được giao hết cho hai con, sau đám cưới, H. là người quản lý sử dụng.

Khi N. còn học năm cuối tại TPHCM, H. đã được gia đình bên chồng cho tiền thuê mặt bằng tại trung tâm thị xã mở tiệm spa, làm đẹp và buôn bán hóa mỹ phẩm. Toàn bộ vốn để kinh doanh cũng được cha mẹ N. trợ giúp. 

H. thuê thêm thợ và người giúp việc. Mọi việc tưởng như thuận lợi vì con dâu biết làm ăn, kinh doanh và tự lập. Gia đình dòng họ N. ai cũng tấm tắc khen… Nào ngờ chỉ sáu tháng sau khi cưới, việc làm ăn của H. thua lỗ, gia đình chồng phải liên tục cho thêm tiền để bù đắp.

Năm 2020, xuất hiện một số đối tượng (sau này mới biết là người đòi nợ thuê) đến cửa hàng của H. đòi tiền, thậm chí đến nhà cha mẹ của N., nhắn tin vào máy điện thoại của N. Họ nói rằng H. nợ tiền nhiều người.

Với các khoản nợ nhỏ, N. đã trả thay cho H. Nhưng sau vài lần như vậy, vẫn chưa trả hết nợ. N. và gia đình tra hỏi và yêu cầu H. phải thành khẩn, cô nói còn nợ người ta 400 triệu đồng. Với khoản này, N. và gia đình lại lo trả cho H. để dứt hẳn chuyện nợ nần.

Từ đó, mẹ của N. đã đến trông coi cửa hàng và phụ việc với con dâu. Được ít lâu, lại xuất hiện nhóm người khác đến đòi nợ, tạt sơn vào cửa hàng. 

Cuối cùng H. thừa nhận, tiền nợ do kinh doanh chỉ một phần, phần lớn là do cô nợ trước khi kết hôn, đồng thời cô còn phải giúp trả nợ thay cha mẹ cô ấy. Cùng lúc dịch COVID-19 bùng phát, cửa hàng ngưng hoạt động, mối quan hệ vợ chồng đi vào ngõ cụt, N. đệ đơn ra tòa xin ly hôn…

Cho hay cho mượn? 

Chị P.X., ở Q.Bình Thạnh, và anh B.T., ở Q.Tân Phú (TPHCM), kết hôn với nhau vào năm 2016. Sau khi kết hôn, để con ổn định cuộc sống, cha mẹ chị X. cho tiền để chị thành lập một doanh nghiệp về thời trang, anh T. cũng được cha mẹ vợ xin vào làm ở một công ty nước ngoài với mức thu nhập khá cao. Vợ chồng mới cưới chưa có nhà ở, nên cha mẹ chị X. cho hai con căn hộ tại Q.Tân Phú.

Năm 2017, họ có con đầu lòng, căn hộ trở nên chật chội do có thêm người giúp việc nhà. Cha mẹ chị X. bàn tính cho tiền để con gái mua căn nhà lớn hơn.

Năm 2019, vì chị X. bận rộn việc kinh doanh nên mẹ chị X. chuyển khoản cho anh T. 6,2 tỷ đồng, có ủy nhiệm chi của ngân hàng, thể hiện nội dung “cho tiền mua nhà”. Giá trị nhà theo hợp đồng là 6 tỷ đồng, nhưng cha mẹ vợ cho dư ra để anh chị sửa nhà.

Khi tiến hành thủ tục mua bán, hợp đồng công chứng cũng như trong giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất đều đứng tên vợ và chồng.

Ngoài căn nhà được cha mẹ vợ cho tiền mua, anh T. và chị X. còn đứng tên nhiều bất động sản khác được mua bằng thu nhập của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Đầu năm 2021, vợ chồng chị X. phát sinh mâu thuẫn. Anh T. có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác, nhiều lần chị X. thấy tin nhắn yêu đương trong điện thoại của chồng, tra hỏi nhưng anh T. chối. Tuy vậy, chị X. vẫn luôn nghi ngờ. Anh T. nặng lời và đánh chị. Tình trạng vợ chồng căng thẳng, có lần chị X. gọi công an khu vực đến nhà can thiệp khi bị chồng đánh. 

Dịch COVID-19, công ty của anh T. giải thể, anh T. thất nghiệp, do mâu thuẫn vợ chồng, anh dọn ra ngoài ở. Anh T. chủ động làm đơn ly hôn và có yêu cầu chia tài sản. Anh T. liệt kê tất cả tài sản chung, trong đó có căn nhà mà cha mẹ chị X. đã bỏ tiền ra mua và phần vốn trong doanh nghiệp của chị X. đang kinh doanh, xin tòa án giải quyết cho chia đôi.

Đến đây, cha mẹ chị X. mới tìm luật sư tư vấn, với mong muốn lấy lại số tiền đã cho con mua nhà vì “chàng rể” này không xứng đáng để được chia đôi căn nhà cha mẹ vợ cho. Với tiền vốn trong doanh nghiệp mà chị X. đang đứng tên, cha mẹ chị X. cũng muốn đòi lại hoặc không chia cho người chồng.

Chưa biết tòa phân xử ra sao, nhưng khi luật sư phân tích pháp lý thì cha mẹ chị X. thừa nhận: giấy tờ giao dịch tại ngân hàng lại ghi “cho tiền mua nhà”, chứ không phải “cho mượn tiền mua nhà”.

Nếu không muốn bất trắc về tài sản khi ly hôn, nên cân nhắc việc thực hiện các thủ tục, giấy tờ trước kết hôn (Ảnh minh họa)
Nếu không muốn bất trắc về tài sản khi ly hôn, hai bên nên cân nhắc việc thực hiện các thủ tục, giấy tờ trước kết hôn (Ảnh minh họa)

Cân nhắc và đề phòng bất trắc 

Những tình huống trên rất phổ biến trong cuộc sống, những vướng mắc này cũng không có gì mới. Khi dựng vợ gả chồng cho con, ngoài việc trao sính lễ, của hồi môn theo phong tục, việc cho số tiền lớn hay mua nhà đất cho con… nếu không muốn khi hôn nhân kết thúc tài sản bị chia sẻ, cha mẹ cần cân nhắc và thận trọng. 

Người ta nói “của cho không bằng cách cho”; và nên cho “cần câu” hơn là cho “cá” để kích hoạt các con tự lập, phấn đấu làm ăn, xây dựng cuộc sống riêng. Ngoài ra, việc các con có sống chung hạnh phúc hay không, bền lâu hay không, cha mẹ cũng không thể biết trước, cũng không quyết định được.

Do vậy, thay vì tạo vốn cho con làm ăn hay cho con tiền mua nhà trong thời kỳ hôn nhân, không ít cha mẹ chọn cách cho mượn. Thay vì bắt con mình hoặc dâu/rể làm giấy tờ (thường cha mẹ sẽ ngại), có thể khéo léo chuyển khoản qua ngân hàng và có ghi rõ cho con mượn tiền kinh doanh/mua nhà đất… Nếu đã là “cho mượn” thì cha mẹ có quyền đòi lại khi vợ chồng ly hôn, chia tài sản. 

Trường hợp muốn con có cơ ngơi, chỗ ở ổn định, cha mẹ có thể mua nhà đứng tên mình và cho con mượn hoặc ở nhờ lâu dài. Nếu muốn “cho đứt”, có thể ra công chứng lập hợp đồng cho tặng và chỉ ghi tên con ruột. Đây là sự lựa chọn, là quyền quyết định của cha mẹ, phù hợp với pháp luật. Khi đó, nếu con ruột không sáp nhập căn nhà vào khối tài sản chung của vợ chồng, thì căn nhà đất đó là tài sản riêng của con, được pháp luật bảo vệ, đề phòng bất trắc về sau. 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI