Ly hôn vẫn muốn... hành nhau

05/12/2021 - 11:35

PNO - Ly hôn, không có nghĩa là hai người trong cuộc không còn gì chung. Họ không còn tình cảm, nhưng còn con cái để cùng nuôi dưỡng. Tòa án giúp họ tự do hợp pháp, nhưng cũng cần thêm tòa án lương tâm để giúp người trong cuộc thanh thản sống tiếp.

 

Vợ bị tổn thương, chồng mất mặt   

Anh Trần P.H. và chị Lê M. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kết hôn năm 2000, sau cuộc tình êm đềm thời sinh viên. Năm tiếp theo, anh chị vui mừng đón cô con gái đầu lòng và năm năm sau, gia đình nhỏ lại rộn ràng đón cậu con trai kháu khỉnh. 

Anh H. chí thú làm ăn với nghề xây dựng, chị M. là một kế toán giỏi. Sau năm năm ở trọ, vợ chồng đã mua được căn nhà để ra riêng. Ai cũng cho gia đình anh chị điểm 10. Các con của anh chị vui vẻ lớn lên trong gia đình có điều kiện. Những mâu thuẫn trong nhà nếu có chỉ là chuyện vặt, nhanh chóng được cho qua hoặc giải quyết ngay.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Đến năm chung sống thứ 13, vợ chồng họ bắt đầu có những cuộc tranh cãi nóng, lạnh. Chị M. nghi ngờ anh H. có tình cảm ngoài luồng nên thiếu trách nhiệm với vợ con. Khi vợ chồng gần gũi, độ mặn nồng cũng giảm nhiều, chồng chẳng còn say đắm bên vợ. Anh hay đi công trình xa nên chị M. càng đinh ninh mình “nghi trúng”.

Từ tình cờ đến cố tình, chị M. thấy tin nhắn trong điện thoại của anh H., nhắn tin qua lại, thân mật với người phụ nữ khác... Khi chị hỏi, anh H. chối. Nghe chồng chối, chị tức tối. Người đàn bà nào trong hoàn cảnh chị mà không ghen, không đớn đau, nhưng chị vẫn nuôi suy nghĩ “nếu anh ta nhận tội, mình sẽ  tha thứ”.

Anh H. ngày càng ít về nhà, vợ hỏi vẫn khăng khăng “không có gì”. Để ông chồng “ăn vụng” hết chối cãi, chị M. đã bí mật cài định vị trong điện thoại chồng, đồng thời cho người theo dõi. Kết quả, chị bắt được quả tang anh H. thuê nhà sống chung với người phụ nữ khác. Không giữ được bình tĩnh nên chị M. đã đánh ghen và đến công ty nơi anh H. làm việc thông báo… Mặt khác, chị M. nhờ gia đình hai bên góp ý khuyên ngăn, tham khảo ý kiến của các chuyên viên tư vấn với mục đích “giữ cha cho con”, nhưng chồng chị không còn muốn sống chung với người vợ “hung hăng” nữa. 

Anh H. nói rằng anh không muốn bỏ gia đình, tình cảm bên ngoài chỉ là chuyện ham vui của đàn ông xa nhà. Nhưng chị M. làm mất mặt anh và việc chị cho người theo dõi anh suốt một thời gian dài khiến anh từ cảm giác áy náy, có lỗi với vợ chuyển sang trạng thái giận dữ, không thể nào trở lại “bình thường cũ”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Chị M. bị stress, không còn tâm trí đi làm, con cái bị ảnh hưởng, học hành sa sút. Mọi nỗ lực hàn gắn tình cảm vợ chồng của chị M. đều không kết quả.

Sau một thời gian “có chồng cũng như không”, chị M. đành gửi đơn ly hôn để được giải thoát. Khi nguôi ngoai cơn ghen tức, chị mới nhận ra khi ông chồng còn chối, có nghĩa là cuộc hôn nhân còn cơ hội hàn gắn. Nhưng khi chị làm bung bét, thì đã muộn.

Tại tòa, chị M. yêu cầu được nuôi hai con chung, tài sản chung là căn nhà tại quận Bình Thạnh sẽ giải quyết sau, vì đang còn thế chấp cho ngân hàng.

“Tưởng rằng đã ly, cuộc đời sẽ yên”

Tuy nhiên, sự việc trở nên rắc rối khi anh H. đưa đơn phản tố yêu cầu chia tài sản khi ly hôn. Tòa án buộc phải thụ lý việc chia tài sản trong cùng vụ kiện ly hôn và yêu cầu phía ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nhưng đại diện ngân hàng cho rằng thời hạn cho vay vẫn còn, khách hàng không vi phạm hợp đồng, việc ly hôn họ không liên quan, nên không hợp tác với tòa án…

Động thái bất ngờ của ông chồng khiến vụ kiện cần thêm thời gian, khiến bà vợ lại vẫn phải dây dưa với ông chồng “không muốn nhìn mặt”. 

Khi đưa vụ án ra xét xử, tại phiên tòa, với sự động viên của hội đồng xét xử, vào “phút 89”, anh H. rút yêu cầu chia tài sản và các bên thỏa thuận: Về quan hệ vợ chồng: thuận tình ly hôn, chị M. nuôi dưỡng cả hai con chung; anh H. sẽ quản lý sử dụng nhà, được quyền cho thuê nhà và trả hết nợ cho ngân hàng. Chị M. về nhà cha mẹ ruột ở, không yêu cầu người cha cấp dưỡng nuôi con trong thời gian anh H. trả nợ ngân hàng. Khi nào trả hết nợ sẽ giải quyết việc chia tài sản. 

Hai năm sau, anh H. tất toán nợ xong với ngân hàng, nhưng không đề cập gì đến việc chia tài sản. Nhiều lần chị M. liên hệ với anh để thỏa thuận bán nhà, bởi việc chia tài sản sẽ giúp chị có tiền mua nhà khác và lo cho con, nhưng anh H. luôn né tránh. Chẳng những vậy, anh H. còn cho thuê một phần nhà ở lấy tiền sử dụng riêng mà không cấp dưỡng nuôi con.

Quá thất vọng, chị M. lại làm đơn khởi kiện anh H. Chị yêu cầu tòa chia tài sản và anh H. phải cấp dưỡng nuôi con. Đối với vụ kiện này, lấy cớ bận việc phải đi làm xa TP.HCM, anh H. bất hợp tác với tòa án. 

Nhiều lần anh H. không đến tòa và cũng không ký bất cứ giấy tờ gì. Vụ án kéo dài chẳng làm anh thiệt thòi, anh cũng chẳng cần biết sự việc đang “hành hạ” người vợ cũ vẫn chưa hồi sức sau cuộc ly hôn.

Thức tỉnh thì đã muộn

Tòa án mất hơn một năm tại cấp sơ thẩm để xác minh, tống đạt, niêm yết… và xét xử theo thủ tục vắng mặt đương sự. Kết quả, tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị M., theo đó chị M. được ưu tiên nhận căn nhà (lý do đang nuôi con nhỏ và chưa có nhà ở, phải ở nhờ bên ngoại) và hoàn lại 1/2 giá trị nhà đất theo kết quả định giá cho anh H., mỗi bên đều phải chịu án phí và các chi phí tố tụng: đo vẽ, xem xét thẩm định tại chỗ, thẩm định giá tài sản… với số tiền gần 90 triệu đồng.

Lúc bấy giờ, anh H. giật mình, nhưng chưa chịu thua, anh tiếp tục làm đơn kháng cáo với mục đích chiếm giữ căn nhà và thu tiền cho thuê nhà… Tại giai đoạn phúc thẩm anh H. không ra tòa mà ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng. Bản án phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của anh H., giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vào giai đoạn thi hành án, chị M. không có khả năng để hoàn 1/2 giá trị nhà cho anh H., nên giao cho thi hành án bán đấu giá tài sản, sau khi trừ chi phí sẽ chia cho các bên theo án tòa. Giai đoạn này, nhận thấy không còn đường lùi (vì cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế khi đã làm thủ tục kê biên, xử lý, bán đấu giá tài sản thì chắc chắn sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí theo quy định của pháp luật về thi hành án và bán đấu giá) anh H. mới “biết nghe” lời tư vấn của luật sư cũng như chấp hành viên thi hành án.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Anh H. và chị M. thỏa thuận rao bán bên ngoài thị trường thay vì bán đấu giá. Cơ quan thi hành án tạo điều kiện để các bên nhờ môi giới rao bán nhà trong thời hạn ba tháng. Cuối cùng, cũng bán được nhà và họ phải tốn phí 1% cho công ty môi giới và phải nộp 3% phí thi hành án với số tiền trên trăm triệu đồng.

Câu chuyện dài dòng từ tòa án khiến cho cả người ngoài cuộc cũng ngậm ngùi thay cho các đương sự khi nhận ra, họ không chỉ mất tiền cho các thủ tục, mà cái mất lớn hơn là thời gian, công sức, tình cảm, tiền bạc, quyền lợi của con trẻ…

Ly hôn, không có nghĩa là hai người trong cuộc không còn gì chung. Họ không còn tình cảm, nhưng còn con cái để cùng nuôi dưỡng. Tòa án giúp họ tự do hợp pháp, nhưng cũng cần thêm tòa án lương tâm để giúp người trong cuộc thanh thản sống tiếp.

Trao đổi với tôi, anh H. tiếc nuối nói rằng, giá như ngay từ đầu, anh cùng chị M. thỏa thuận bán nhà chia đôi tài sản, coi nhau như bạn bè thì các con anh đã không tránh gặp mặt cha (chúng nghĩ cha luôn tìm cách hành hạ mẹ cho… bõ ghét). 

Trong những năm theo nghề luật sư, khi ra tòa cũng như khi làm việc với đương sự, tôi nhận thấy nhiều người trong những sự vụ giải quyết tài sản, họ hay nói “tiền bạc không quan trọng”, nhưng đến giai đoạn thi hành án, khi nhận được tiền chia tài sản và phải nộp tất cả chi phí liên quan, họ mới thấy xót xa, thua thiệt.

Vậy tiền có quan trọng không? Bài học này không có gì mới, nhưng người trong cuộc vẫn hay mắc phải. 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI