Yêu ba

05/03/2018 - 09:58

PNO - Đôi khi, trong bữa ăn dang dở, miệng con đang nhai thức ăn và đầy mùi nhưng vẫn cứ nhoài người lên hôn ba cho bằng được, vì: “Con thích hôn ba”.

Buổi trưa nằm cạnh ba, trong cơn mê ngủ con mở mắt, nhoẻn miệng cười: “yêu ba” rồi ngủ tiếp. Khoảnh khắc ấy với ba được gọi bằng một cái tên rất rõ ràng - hạnh phúc.

Yeu ba
Ảnh minh họa

Như nhiều đứa trẻ 5 tuổi khác, con đã bắt đầu biết cách lấy lòng ba mẹ khi cần vòi vĩnh một món đồ hay muốn được chơi lâu hơn một trò game trên iPad… Nhưng đó là khi con đang ý thức rất rõ mình muốn gì. Nói cách khác, khi đó con rất tỉnh táo. Chính ba cũng hiểu con láu lỉnh hơn trong từng câu nói để làm thế nào khiến người lớn “chiều chuộng” con mà không khó chịu.

Như một bài toán khó cần đi tìm lời giải, mỗi lúc đối mặt với cái nhíu mày, lắc đầu hay một lời trách của ba mẹ, con dần dần ý thức mình phải nghĩ ra cách để hạn chế những “hành động xấu xí” kia. Con bớt phạm lỗi, nếu có cũng biết làm cho lỗi lầm kia nhẹ đi bằng những câu nói “ngọt như đường” mà con nghĩ ra ở tuổi mình: “con xin lỗi”, “con biết con sai rồi!”, “do con mắc lỗi nên… con buồn!”, “con không cố ý”…

Trẻ con là tờ giấy trắng. Người lớn chính là hình ảnh phản chiếu để con viết những đường nét nguệch ngoạc lên tờ giấy ấy mỗi ngày. Ba mẹ đủ tinh tế để hiểu khi nào con thật và khi nào con láu. Nhưng yêu thương cũng đủ nhiều để vui vì con trưởng thành hơn, biết ứng xử hơn trong những tình huống mà mới ngày nào còn làm khó con đến mức có thể khiến con òa khóc. Giờ con khóc ít, nói nhiều và ứng xử một cách thông minh hơn trong hầu hết các tình huống.

Mỗi sáng thức dậy, trước khi ra khỏi giường, bao giờ con cũng nấn ná lại một chút để nũng nịu: “Ba ôm con một xíu đi”. Con đòi nhưng ba thì vui biết bao vì thấy con bày tỏ tình cảm rất tự nhiên. Con không giấu cảm xúc vào bên trong. Khi con yêu, giận hờn… tất cả đều hiện rõ trên nét mặt. 

Con khác ba. Con cũng khác rất nhiều người lớn khác trong cuộc đời này - càng trải nghiệm nhiều thì càng muốn giữ lại những cảm xúc sâu tận bên trong. Đạo lý cuộc đời gọi đấy là sự trưởng thành hay thậm chí là giác ngộ.

Nhưng phàm ở đời phải đặt xuống một thứ gì đấy thì mới có thể cầm một thứ khác lên. Con người dù thế nào cũng không thể ba đầu sáu tay. Thế nên, nếu giữ tận đáy lòng thì chẳng khác gì một vỉa trầm tích lâu ngày, rồi hóa thạch… Tiếc rằng, hầu hết đều không phải là đá quý, chỉ đơn giản là đá cuội, không có nhiều giá trị. 

Yeu ba
Ảnh minh họa

Đôi khi, trong bữa ăn dang dở, miệng con đang nhai thức ăn và đầy mùi nhưng vẫn cứ nhoài người lên hôn ba cho bằng được, vì: “Con thích hôn ba”. Con bày tỏ tình yêu thương không kể giờ giấc, bất chấp thời điểm, mặc kệ bối cảnh… Sự hồn nhiên ấy của con quý hơn rất nhiều những e dè, ngại ngần lẫn sự chai sạn về cảm xúc mà người lớn “mặc” nó vào người mỗi ngày, xem như một chiếc áo khoác giữa thế giới đang lạnh lẽo dần vì thiếu vắng tình người. 

Nếu ai đó xem việc chăm sóc con cái là hy sinh thì sự hy sinh ấy hoàn toàn đáng giá từng giây, từng phút khi con dạy lại cho mình cách đối đãi với tình thương. Càng đặc biệt hơn khi lời yêu thương ấy được cất lên trong vô thức, giống như trong một cơn mê ngủ nào đó, con bạn mở mắt ra và nói: “con yêu ba/mẹ” rồi nhắm mắt lại, tiếp tục ngủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra…

Khi ấy, bạn có thấy mình là một người cha/người mẹ hạnh phúc không?

 Nguyễn Phong Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI