Xử lý 'doping' trong nhà

16/06/2019 - 16:00

PNO - Ai cũng biết thái độ và hành động xứng hợp của bậc sinh thành là dành thời gian cho gia đình. Ấy thế mà cái quỹ thời gian vốn teo tóp ấy lại đang bị rút rỉa bởi những cái màn hình cảm ứng mê hoặc.

Từ lúc chưa tròn 3 tuổi, đứa con gái “út rớt” của tôi đã có thể rành rọt câu: “Ba ơi, cho con mượn điện thoại chơi một xíu thôi”. Vừa nói, con vừa chúm chím môi, chắp hai bàn tay múp măng xá xá cuộn tròn vào lòng tôi.

Hẳn ai làm cha mẹ cũng đều đã trải qua tình huống tương tự và ai cũng biết trách nhiệm với con cái trong vấn đề này như thế nào.

Xu ly 'doping' trong nha
Ảnh minh họa

Ai cũng biết, hệt như cơ chế của ma túy, khi được đưa vào máu, ma túy dần thay thế chất “doping” tự nhiên của cơ thể để trở thành thứ thống lĩnh con người. Cơ chế nghiện smartphone cũng vậy. Nó có khả năng nguy hiểm là thay thế những tương tác tự nhiên giữa các thành viên “cô độc” trong một mái nhà.

Trong vòng một tiếng quát kèm tay lăm lăm cái roi mây, hay “bốp” cái đét vào mông chưa đến một giây, bọn trẻ sẽ răm rắp ngồi vào bàn ăn hoặc nhắm mắt ngủ ngoan. Ai cũng biết, hệt như bạo lực là giải pháp tiêu cực nhất trong việc dạy dỗ con, nhưng lại rất “hiệu quả” về mặt thời gian và mục tiêu ngắn hạn.

Rất nhiều lần, chúng ta chọn cái cách “bạo lực” và tiêu cực ấy: trao vào tay con trẻ cái điện thoại để giải quyết sự bận rộn của mình.

Thế giới trong các thiết bị di động thông minh thật khó cưỡng với cả bé thơ và người lớn. Và ai cũng biết đã đến lúc phải quẳng điện thoại đi để chơi đùa, nói chuyện với con nhiều hơn. Hoặc ngược lại, van xin con buông “cục gạch” công nghệ xuống chỉ để được thấy ánh mắt con nhìn mẹ.

Ai cũng biết thái độ và hành động xứng hợp của bậc sinh thành là dành thời gian cho gia đình. Ấy thế mà cái quỹ thời gian vốn teo tóp ấy lại đang bị rút rỉa bởi những cái màn hình cảm ứng mê hoặc.

Ai cũng biết rằng, cái hấp dẫn luôn đi kèm với cạm bẫy. Có lần tôi ghé mắt xem thử “út rớt” tìm gì trên điện thoại. Chủ yếu vẫn là các video. Bên cạnh trang trí búp bê, nặn đất sét, heo Peppa… tôi còn thấy con rất thích thú với Badanamu, một trong những chương trình học tiếng Anh tuyệt vời qua bài hát. Chị của “út rớt” cho biết, mình chính là người đã mở cho em những chương trình bổ ích đó.

Xu ly 'doping' trong nha
Ảnh minh họa

Dường như lóe lên “ánh sáng cuối đường hầm” cho câu chuyện buông bỏ điện thoại, dành thời giờ cho nhau giữa cha con tôi?

Một sự thật, dù đến sau, nhưng thế giới ảo mang một hệ quy chiếu khiến thế giới thực luôn phải tự vấn các giá trị và dần dà cả hai đã không thể thiếu nhau được. Không còn cách nào khác, chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại - ngày càng mãnh liệt hơn - của chiếc điện thoại được kết nối toàn cầu, trong công việc cũng như đời sống gia đình.

Chỉ có điều, ai cũng biết, phải có thời gian biểu cho việc online của bầy con. Thế nhưng vào lúc này, tôi lại ước ao có một ứng dụng hay một game nhập vai giúp cả gia đình kết nối nhau trong suốt thời gian biểu đó. Ở đó có những tình huống mà cha mẹ có thể dễ dàng chọn lựa những gợi ý có sẵn hay tự đưa ra những thông điệp, mà ở đời thực rất khó nói với con, và ngược lại.

Việc chăm sóc, giáo dục con ở mức cao nhất chính là giáo dục trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Cũng như thế giới mà chúng ta đang sống, trách nhiệm đóng góp điều tích cực, bổ ích cho không gian mạng có thể nào là cách chữa chạy hay nhất cho thói nghiện các thiết bị di động hiện nay của cả người lớn và trẻ con.

Con gái thứ hai của tôi cho hay, ước mơ của nó là có thể trở thành một youtuber nổi tiếng trong việc kêu gọi người ta không được ăn thịt chó hoặc cấm trẻ nữ thích làm những chuyện của con trai… Tôi thấy điều đó rất tuyệt vời. Tôi sẽ ấn nút “subscribe” ngay và tôi mong con còn hơn thế. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI