Xâm hại tình dục trẻ em: Hệ lụy chìm xuồng nhìn từ việc không khởi tố vụ án bé ba tuổi ở Nhà Bè

09/10/2019 - 09:47

PNO - Liên quan vụ cháu bé ba tuổi nghi bị xâm hại tình dục tại huyện Nhà Bè, sau khi Công an huyện Nhà Bè quyết định không khởi tố vụ án, gia đình bé đã tiếp tục khiếu nại các cơ quan có thẩm quyền.

Đơn khiếu nại gửi đến Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, phía viện kiểm sát huyện bác đơn khiếu nại, gia đình tiếp tục khiếu nại đến VKSND TP.HCM.   

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai của VKSND TP.HCM; và chúng tôi thật sự lo ngại rằng trong trường hợp VKSND TP.HCM bác đơn khiếu nại của gia đình cháu bé; không ban hành quyết định khởi tố vụ án, thì liệu có kéo theo hệ quả dây chuyền cho sự an toàn của trẻ em Việt Nam trước vấn nạn xâm hại tình dục nhức nhối đang báo động, khi cứ cách tám tiếng là có một trẻ em bị xâm hại tình dục?

Không dừng lại ở đó, liệu sẽ còn bậc làm cha làm mẹ nào dám đứng ra tố cáo hành vi xâm hại tình dục trẻ em nữa, khi hành vi của những kẻ xâm hại không được đưa ra ánh sáng để trừng phạt thích đáng. Ngược lại, họ chỉ nhận về những mệt mỏi chồng chất, những lạnh lùng, vô cảm của cơ quan thực thi pháp luật.

Ở vụ cháu bé bị xâm hại tại Nhà Bè, sau khi cha mẹ cháu tố cáo kẻ xâm hại, phía gia đình nghi can đã đe dọa giết, chửi rủa đến mức họ phải chuyển nhà. Trình báo chính quyền, họ chỉ nhận được sự im lặng. Bỏ mặc những đe dọa đến từ gia đình nghi can, cha mẹ cháu bé và luật sư vẫn phải rong ruổi hành trình xác minh, đau xót gợi lại những hành vi xâm hại đối với con gái mình, từng thời điểm, từng chi tiết - những chi tiết nghe thôi đã rợn người.

Xam hai tinh duc tre em: He luy chim xuong nhin tu viec khong khoi to vu an be ba tuoi o Nha Be
“Gà con” Phạm N.L. (huyện Nhà Bè) với tuổi thơ bị xâm hại, các cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm gì?

Vụ việc sẽ “chìm xuồng” nếu cơ quan thực thi pháp luật vẫn “ngó lơ” quyền lợi cháu bé, và có ai thấu được rằng, khi lớn lên, bé phải mất bao nhiêu thời gian để xóa nhòa ký ức khủng khiếp mà tuổi thơ phải gánh chịu? Đặc biệt, khi cơ quan thực thi pháp luật đinh ninh rằng tất cả lời khai, trình bày, quá trình nhận dạng đều không phải là chứng cứ, nhưng lại không lý giải sự phù hợp không sai lệch dù chỉ 0,01%. 

Nếu đã cho rằng đó chỉ là lời khai của trẻ, và cha mẹ trẻ chỉ nghe lại lời của con mà không tin, thì lý do gì cơ quan thụ lý giải quyết tố cáo cứ lặp đi lặp lại việc “lấy lời khai” và “nhận dạng” trong suốt bốn tháng ròng rã, việc chứng minh tội phạm của cơ quan thực thi pháp luật chứ không phải là của cháu bé?

Vụ này làm người ta nhớ lại vụ án xâm hại bé Hồ Mộng Kiều ở tỉnh Cà Mau. Kiều bị lão hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần. Đến khi trình báo, công an cũng gọi gia đình nạn nhân đi lên đi xuống lấy lời khai.

Ai cũng tưởng cái ác sẽ bị trừng phạt, nhưng khi nhận được kết quả cuối cùng “không khởi tố vụ án”, cô bé Mộng Kiều thất vọng tìm đến cái chết, sau khi để lại bức thư tuyệt mệnh vô cùng đau đớn: “Tôi chết nhắm mắt không yên khi chuyện này chưa được giải quyết”. 

Bị hại đã mất, tất cả chứng cứ còn sót lại chỉ là những lời khai vào thời điểm tố cáo của nạn nhân lúc còn sống. Qua quá trình đấu tranh của gia đình Kiều, của luật sư, vụ án cuối cùng cũng được sáng tỏ, trả lại công bằng, và an ủi linh hồn bé Mộng Kiều nơi chín suối. 

Cũng liên quan đến vụ án xâm hại tình dục trẻ em khác tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khi rất nhiều cháu bé bị lão già hơn bảy mươi tuổi “dâm ô” và không có bất kỳ kết luận giám định nào trong vụ án, nhưng với những nguồn chứng cứ khác có trong hồ sơ, vẫn đủ cơ sở buộc kẻ thủ ác kia phải cúi đầu nhận tội trước pháp luật.

Quay lại vụ xâm hại tại Nhà Bè, ngay từ đầu gia đình cháu đã trình báo, nhưng cơ quan thụ lý không thu nhận chứng cứ; sau đó lại chuyển hồ sơ lòng vòng để rồi kết luận toàn bộ những căn cứ không xác đáng và không có giá trị chứng minh tội phạm. Đó mới chỉ là câu chuyện lòng vòng trong quá trình tìm ra sự thật. 

Xam hai tinh duc tre em: He luy chim xuong nhin tu viec khong khoi to vu an be ba tuoi o Nha Be
Ảnh: Internet

Kết luận giám định cho thấy “có tế bào nam vùng âm hộ”, ngoài ra những đoạn ghi âm, ghi hình đều được giám định là không cắt xén. Việc ghi âm, ghi hình được cha mẹ cháu ghi lại ngay trong đêm cháu nói có ông già làm con đau, và dẫn họ đến nhà ông già, nơi thực hiện hành vi… Vậy mà cơ quan thực thi pháp luật lại không sử dụng các chứng cứ đó để làm căn cứ, dẫn đến quyết định không khởi tố vụ án.

Vậy, pháp luật có được thực thi trong vụ xâm hại cháu bé ở Nhà Bè hay không? Pháp luật là thống nhất và bình đẳng, nhưng vì sao vụ “dâm ô” ở Vũng Tàu, Cà Mau, kẻ thủ ác bị trừng trị, còn tại Nhà Bè thì không? Thế mới thấy rõ một điều: pháp luật thì luôn thống nhất, nhưng những cá nhân nắm quyền thực thi pháp luật thì không. Và đó mới chính là mấu chốt của vấn đề.

Từ vụ cháu bé bị xâm hại ở Nhà Bè, chợt nghĩ cả nước, có bao nhiêu cơ quan thực thi pháp luật như ở Vũng Tàu, Cà Mau? Bao nhiêu cơ quan thực thi pháp luật như Nhà Bè? Giờ đây các gia đình có trẻ em bị xâm hại tình dục, không chỉ gánh chịu nỗi đau từ hành vi phạm tội kinh hoàng, mà còn hoang mang trước sự “ghẻ lạnh” của các cơ quan thực thi pháp luật. Những kẻ xâm hại cứ việc xâm hại và nhởn nhơ, còn gia đình nạn nhân sẽ chẳng thể làm gì để giúp các con lấy lại công bằng. 

Câu chuyện này càng làm chúng ta lo sợ cho tương lai của trẻ em Việt Nam. Các em ngây thơ chưa đủ nhận thức về bi kịch giáng xuống đời mình đã đành, đến cha mẹ của các em cũng mất niềm tin với công lý, khi lời khai và nhận dạng của con mình được thực hiện nhiều lần là chứng cứ xác thực nhất, vẫn không được các cơ quan thực thi pháp luật công nhận.

Nghĩ về Vũng Tàu, Cà Mau rồi nhìn lại Nhà Bè, tự hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm gì? Liệu họ có đang “góp phần” làm gia tăng số lượng tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em? 

Luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Tổn thương kép

Là nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Nhà Bè, N.L. con gái ba tuổi của tôi đã quá đau đớn từ thể xác đến tinh thần, cộng thêm quá trình điều tra đi vào ngõ cụt, khác nào giáng xuống đời cháu nỗi tổn-thương-kép. 

Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) lấy lời khai, cho cháu nhận dạng lần thứ ba không hiểu vì lý do gì lại thực hiện tại phòng hỏi cung ở trại giam Chí Hòa, khiến gia đình rất bức xúc. Và càng xót xa hơn khi cháu vẫn ngoan ngoãn trả lời rành rọt mọi câu hỏi.

CQCSĐT dẫn lời khai của các nhân chứng lộ nhiều điều bất minh và mâu thuẫn, không rõ họ là ai và cũng không cho đối chất, nhưng lại sử dụng đó làm căn cứ ngoại phạm cho “yêu râu xanh” Huỳnh Thanh T. CQCSĐT cho rằng, khoảng thời gian từ 15-18g30 ngày 15/4/2019, ông T. ở nhà cùng vợ và ông không tiếp xúc với cháu L.

Thực ra, chiều ngày 15/4/2019 là thời điểm cháu sốt cao và luôn miệng than đau rát vùng kín với mẹ. Chứng tỏ sự việc bị xâm hại đã xảy ra trước đó. Chúng tôi không thể xác định chính xác, cụ thể thời điểm, và càng không khẳng định việc xâm hại chỉ xảy ra trong khung giờ này.

Nộp đơn kiến nghị mười sáu trang, chúng tôi chờ một tiếng nói công tâm, trách nhiệm từ VKSND TP.HCM. Nếu không được công lý soi sáng, các nạn nhân bị tổn thương kép đã đành, mà tội phạm xâm hại tình dục sẽ “được nước” tấn công, không chừa thủ đoạn nào, không chừa con em một ai. 

Diệu Hiền (ghi theo lời kể của anh Phạm Q.L. - cha nạn nhân N.L.) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI