Vợ cũ đòi nuôi con chỉ vì ghen tuông, tôi có bị mất quyền?

23/10/2018 - 12:00

PNO - Tôi và vợ cũ kết hôn năm 2010, năm 2015 chúng tôi đã ly hôn. Sau khi tôi có vợ mới, vợ cũ có vẻ khó chịu và muốn giành quyền nuôi con với đủ lý do. Tôi phải làm sao để được tiếp tục nuôi con?

Trong quá trình chung sống với vợ cũ, chúng tôi có một đứa con trai năm nay 3 tuổi. Vào thời điểm ly hôn do vợ tôi có tình cảnh khó khăn nên tôi đã yêu cầu được quyền nuôi con. Hiện tại tôi đã có vợ mới và vợ mới tôi chuẩn bị đẻ con. Vợ cũ thấy vậy nên khó chịu, cô ấy yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, muốn trực tiếp chăm sóc con nhưng tôi không đồng ý. Bây giờ cô ấy nói nếu tôi không chịu giao lại con sẽ viết đơn kiện. Tôi đang lo lắng liệu tôi có bị mất quyền nuôi con không và tôi phải làm gì để được tiếp tục trực tiếp nuôi con. Nhờ luật sư giải đáp giúp tôi.

Huy Nguyễn (TP. HCM)

Chào bạn,

Trước hết chúng tôi xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về trường hợp của mình đang gặp phải để chúng tôi được giải đáp và hỗ trợ bạn. Tôi xin đưa ra lời tư vấn để giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề này nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Vo cu doi nuoi con chi vi ghen tuong, toi co bi mat quyen?
Hình minh họa

Vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình với các nội dung sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Nhưng con bạn mới 3 tuổi nên không xét đến nguyện vọng.

Trong trrường hợp này, tòa án sẽ giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong hai căn cứ vừa nêu trên. Bên cạnh đó, vợ cũ bạn cầu phải đưa ra được các chứng cứ chứng minh có tồn tại một trong hai căn cứ được nêu tại khoản 2 điều 84 Luật HN và GĐ thì tòa án mới xem xét để giải quyết.

Vo cu doi nuoi con chi vi ghen tuong, toi co bi mat quyen?
Hình minh họa

Về phía bạn, để tiếp tục được quyền nuôi con bạn cần đảm bảo các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, giữa bạn và vợ cũ không hề có thỏa thuận nào về việc sẽ thay đổi người trực tiếp nuôi con, mà đây chỉ là ý muốn riêng của vợ cũ bạn mà không hề có căn cứ để chứng minh về việc bạn không còn đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con.

Thứ hai, đến thời điểm hiện tại bạn hoàn toàn vẫn có đủ điều kiện vật chất, tinh thần để có thể đảm bảo trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con, mà không cần phải thay đổi.

Hơn nữa, bạn cũng phải đảm bảo mình không thuộc trường hợp hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên theo Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 đó là: “Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Phá tán tài sản của con; Có lối sống đồi trụy; Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội".

Trên đây là những ý kiến pháp lý có liên quan đến trường hợp của bạn. Khi có vấn đề cần hỗ trợ bạn vui lòng liên hệ trực tiếp để nhận được sự hỗ trợ từ chúng tôi.

Thân chào và cảm ơn bạn!

Luật sư Trần Đăng Sĩ

(Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI