Vợ chồng ngày càng sợ nói chuyện với nhau?

12/10/2019 - 05:30

PNO - Tuần trước tôi lại đi dự đám tang một ông lão. Ông còn khỏe mạnh, vẫn đi tập thể thao và tụ tập bạn bè. Nhưng lúc đi ngủ ông bị đột tử không ai biết, cũng vì lý do bà vợ ngủ ở phòng bên cạnh...

Đợt đi trại viết Phú Yên, các nhà văn chúng tôi ở trong khu resort duy nhất của thành phố. Lễ khai mạc diễn ra bên cạnh bể bơi, lúc có khá nhiều khách đến ăn tối. Một du khách nữ người Hàn thấy đông vui cũng muốn được hát tặng các nhà văn một bài. Chúng tôi ủng hộ nhiệt tình.

Cô là một ca sĩ opera, giọng hát chuyên nghiệp trong vắt. Trước đây cô từng sống và làm việc ở Rome. Ông chồng trước khi cưới vì hâm mộ giọng hát của cô quá mà đăng ký xin làm học viên luyện giọng. Lẽ tất nhiên câu chuyện của cô giáo và học trò kết thúc bằng một đám cưới. Và giờ cô đang đi nghỉ cùng chồng. 

Vo chong ngay cang so noi chuyen voi nhau?
Ảnh minh họa

Anh giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng thường xuyên tiếp xúc với hai vị khách ngoại quốc kể rằng, mặc dù hai người lấy nhau đã lâu, hơn chục năm rồi nhưng lúc nào cũng ríu rít như chim. Lúc đưa họ đi tham quan các danh lam thắng cảnh, để ý thái độ ngó nghiêng phong cảnh và líu lo bình luận thấy chẳng khác nào những cặp đôi mới yêu nhau.

Khi vợ hát, anh chồng cũng đứng chực sẵn bên cánh gà để sẵn sàng hỗ trợ bất cứ điều gì cô cần, vẫn giống như một fan hâm mộ của hơn chục năm về trước. Tôi xua tay bảo thôi khỏi cần kể chi tiết, vì chỉ cần chứng kiến cặp vợ chồng nào đó đi nghỉ ở resort mà không kèm theo bất kỳ ai, thì biết ấy là họ đang rất hạnh phúc.

Resort, những nơi tuyệt đẹp, lặng lẽ và yên bình, hoặc là để dành cho những cặp vợ chồng mới cưới, hoặc để cho cả đại gia đình ông bà cha mẹ con cái đi nghỉ dưỡng, hoặc doanh nghiệp đãi ngộ chế độ cho nhân viên, hoặc được tài trợ cho… những nhà văn như chúng tôi ngồi sáng tác cả tháng trời, không phải là nơi dành cho những cặp vợ chồng cả ngày không biết nói chuyện gì với nhau. 

Tuần trước, tôi đọc một bài báo trên tờ tạp chí dành cho phụ nữ, nội dung tư vấn cho các cặp đôi cách hâm nóng và duy trì tình yêu, trong đó có khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng nên nói chuyện với nhau tối thiểu mỗi tuần 20 phút. Nghĩa là mỗi ngày chỉ yêu cầu đối thoại được 3 phút đã là tốt lắm. Nghĩa là số lượng những cặp vợ chồng nói chuyện với nhau trung bình mỗi ngày chưa đủ 3 phút rất nhiều.

Hạnh phúc của đời sống gia đình dễ được ngụy trang bằng sự bằng phẳng không cãi cọ, sự nhất trí đồng lòng, những món quà tặng, những lễ kỷ niệm, những buổi gia đình đầm ấm đi nghỉ dưỡng, xem phim, ăn nhà hàng… song không thể che đậy ở một resort trên bãi biển, nơi lặng yên thiên đường của hai người có thể chỉ dành cả ngày để ngắm nhìn nhau hoặc những câu chuyện dài bất tận nhưng sẽ là tra tấn đối với hai kẻ không còn chuyện gì để đối thoại và chia sẻ mà cứ phải đối mặt nhau 24/24 giờ.

Vo chong ngay cang so noi chuyen voi nhau?
Ảnh minh họa

Có phải vì vậy mà chẳng mấy khi bắt gặp những cặp vợ chồng kết hôn đã lâu đi nghỉ ở resort, và hình ảnh đôi vợ chồng Hàn Quốc tối nào cũng rủ rỉ bên bàn ăn cạnh bể bơi khiến nhiều người có mặt phải xôn xao bình luận như một sự lạ.

Có lần ở Sa pa, tôi cũng bắt gặp một đôi vợ chồng người Australia đi du lịch. Chỉ hai người, chứ không ở trong bất cứ nhóm tour nào thường thấy dành cho những người cao tuổi. Và hai người này đều đã ngoài sáu mươi. Cả hai rất thân thiện. Họ kể rằng họ đã đi hết Huế, Hội An, Mũi Né, Sài Gòn, vịnh Hạ Long, Hà Nội, Bắc Hà và giờ có mặt ở Sa pa. Họ hỏi ý kiến tôi về nơi đẹp nhất Việt Nam. Trong lúc bà vợ nói chuyện, ông chồng đứng trong sảnh gọi với:

- Marriane!

- Yes, dear? (gì vậy cưng?)

Người vợ tên Marriane cất lời một cách âu yếm rồi vội vã quay vào sảnh xem chồng gọi gì. Có lẽ, điều quyết định sự thành bại trong một cuộc hôn nhân, nền tảng cho một cuộc hôn nhân lâu dài chính là tình bạn. Một cuộc sống chung kéo dài đơn điệu và tẻ nhạt sẽ nhanh chóng khiến niềm si mê ban đầu biến mất nhưng sự tri kỷ thì còn lại vĩnh viễn.

Trong tình bạn, sự thấu hiểu lẫn nhau, sự đồng cảm, bình đẳng về tri thức, cùng chung sở thích và chí hướng chính là yếu tố cấu thành. Chính tình bạn trong tình yêu này sẽ tái tạo sự si mê đã dần phai nhạt. 

Vo chong ngay cang so noi chuyen voi nhau?
Ảnh minh họa

Có nhà phê bình trong một cuộc đông vui chợt buột miệng: “Vợ chồng mà ngoài năm mươi thì cứ nên sống riêng ra là tốt hơn”. Và như để chứng thực cho điều đó, một người khác phụ họa: “Tôi có hơn 40 ông bạn mà chưa có ông nào nói rằng mình hạnh phúc cả. Cứ ở thế thôi cho hết một kiếp. Giống tôi đây nhìn thấy vợ hằng ngày mà cứ như không gặp vợ bao giờ. Lúc tôi đi ngủ thì vợ ngủ rồi, còn khi vợ dậy đi làm thì tôi còn ngủ. Thế là cùng giường mà chẳng mấy khi gặp nhau”. 

Theo thời gian, người ta ngày càng sợ phải nói chuyện với nhau chăng? Hồi còn trung học, mỗi lần sang nhà các bạn chơi, tôi hay tò mò hỏi thăm về "sự lạ" khi thấy bố bạn ngủ tầng ba, mẹ bạn ngủ tầng một. Cả ngày họ chỉ trao đổi với nhau vài mệnh lệnh thức không thể không nói thành lời, có lẽ cũng chưa đủ 3 phút cho một ngày. Thậm chí ngay cả những mệnh lệnh thức ấy, họ cũng mượn con cái làm trung gian, kiểu “gọi bố xuống ăn cơm”. 

Bạn tôi bảo “ừ, bố mẹ tớ chẳng có chuyện gì để nói với nhau cả”. Trong lúc tuổi nhỏ ngây thơ ấy, tôi tự lý giải và khẳng định rằng: chắc bố mẹ các bạn hồi trẻ không yêu nhau, mà bị ông bà ép cưới. 

Nhiều người hay than phiền một câu phổ biến “sao bây giờ anh ấy/cô ấy khác thế? Cứ như đã biến thành con người khác”. Họ so sánh con người bây giờ và trước đây, cứ như thể hai nhân vật hoàn toàn khác biệt vậy. Con người bây giờ luộm thuộm, bừa bộn, bủn xỉn, cay nghiệt, lắm lời, lỗ mãng, vô tâm, lạnh lẽo, ích kỷ, tham lam, giả dối, độc ác… Có người khi ly hôn cò kè chia đôi từng cái bát đôi đũa, tranh giành mọi thứ chỉ để cho… bõ tức, bõ ghét. 

Tôi đồ rằng không phải bây giờ họ biến thành con người khác mà đó mới chính là con người họ, là bản chất thật của họ. Còn trước đây, tình yêu đã tạm thời biến họ thành người khác. Tình yêu khiến con người ta trở nên dịu dàng, nhân hậu và hào hiệp. 

Không ai khi yêu lại cục cằn, thô lỗ, nói năng cụt ngủn. Không ai đến gặp người yêu trong bộ dạng lôi thôi, luộm thuộm, bốc mùi. Đến Chí Phèo còn được tình yêu hóa phép cho thành con người vô cùng đáng yêu.

Sophocles, kịch gia Hy Lạp cổ đại có câu: “Người phụ nữ nói to với người đàn ông nàng dửng dưng, nói khẽ khàng với người nàng bắt đầu yêu và giữ yên lặng với người nàng đang yêu”.

Khi tình yêu đã hết hoặc dần phai nhạt, con người cũng từ từ trở lại với bản chất của mình. Tình yêu không những biến một người thành con người khác, nó còn có thể biến con người thành một kẻ mù quáng luôn được bao phủ bởi những hào quang lấp lánh của kẻ đang yêu. 

Vì thế nên nhà văn Pháp André Maurois mới chia sẻ kinh nghiệm: “Ta không yêu một người con gái vì những lời nàng nói. Ta yêu những lời nàng nói vì ta yêu nàng”. Còn tổ tiên ta thì nôm na: “Yêu nhau mọi việc chẳng nề, dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Khi hào quang mù quáng muôn thuở của ái tình đã tan đi, người ta chỉ còn thấy trơ ra những điều trần tục nhất, những chỗ lệch giờ mới thành kênh. Khi ấy, nếu tình yêu không được thiết lập trên nền tảng của một tình bạn và một người tri kỷ, người ta sẽ coi những gì còn lại được quy vào hai từ tẻ nhạt: nghĩa vụ và trách nhiệm.

Cạnh nhà tôi có bà vợ một ông cựu giám đốc sở ở Hà Nội. Một sáng nọ bà đi cấp cứu vì nửa đêm vào nhà vệ sinh, quýnh quáng ngã sấp mặt xuống đất chảy máu đầu. Mãi sau con cái mới biết, trong khi ông chồng ngủ phòng bên cạnh, đêm ngáy o o chẳng hay biết gì.

Tuần trước tôi lại đi dự đám tang một ông lão. Ông còn khỏe mạnh, vẫn đi tập thể thao và tụ tập bạn bè. Nhưng lúc đi ngủ ông bị đột tử không ai biết, cũng vì lý do bà vợ ngủ ở phòng bên cạnh. 

Tôi chạnh nghĩ tới khoảnh khắc cặp vợ chồng già gọi nhau vào buổi sáng vàng rượi nắng trong sảnh chờ khách sạn Sa pa. “Marriane!” - “yes, dear?”. 

Di Li

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI