Vi-rút đang... cười

14/03/2020 - 12:41

PNO - Giận dữ, lo âu, tranh luận không làm cho con vi-rút biến mất. Nó vẫn đó, có lẽ đang cười vì loài người từ lâu đã quên mất cách yêu mình.

Một lần, khi tôi chở con trai hơn hai tuổi từ nhà cha mẹ về nhà mình, nó chợt ngước nhìn lên bầu trời thật lâu rồi bật ra câu nói: “Trăng đẹp quá!”. Tôi giật mình, sửng sốt, trong thoáng chốc tự nghĩ chả lẽ con mình là Lý Bạch hay Hàn Mặc Tử tái sinh. Tối hôm đó, nhìn cơn cuồng nộ, âu lo của mọi người trên Facebook, tôi tự hỏi: lần cuối cùng chúng ta ngắm trăng là khi nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những cụm từ như “cách ly” hay “bệnh viện dã chiến” tạo cho chúng ta cảm giác việc điều trị vi-rút Corona là một trải nghiệm hãi hùng. Nhưng thực tế có như vậy không? Mới đây, cô tiếp viên hàng không Cù Kim Chi có gửi cho báo chí một bài viết kể lại trải nghiệm cách ly của mình. Và bài viết ấy khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Cù Kim Chi bảo vấn đề của mình trong viện là thỉnh thoảng wifi có… hơi yếu, khiến việc xem bộ phim đình đám Hạ cánh nơi anh bị gián đoạn. Những ai quen máy lạnh sẽ cảm thấy lạ lẫm, vì các phòng mở toang cho nắng vào, ánh nắng và sự thoáng khí là kẻ thù của vi-rút COVID-19.

Cô cũng không được uống… trà đá hay trà sữa, vì bác sĩ khuyên nên uống nước ấm càng nhiều càng tốt. Cô được tập lại thói quen ăn uống đúng giờ, bổ sung vitamin C, tập thể dục, hóng gió và ngắm trăng vào ban đêm. Cách ly trong trường hợp này chẳng phải quá tốt sao, khi nó giúp người bệnh gò lại một thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn? n

Kết thúc bài, cô viết: “Vật dụng ai cũng mang theo luôn là điện thoại, iPad và sạc. Còn một thứ ai cũng quên là cách sạc lại năng lượng cho bản thân. Đừng nghĩ 14 ngày là dài, đây là cơ hội cho mình tách ra khỏi cuộc sống hiện tại để sống cho bản thân, hưởng thụ thời gian của riêng mình”.

Hưởng thụ giữa mùa dịch? Nghe nghịch lý, nhưng bạn hãy thử suy ngẫm mà xem. 

Thật vậy. Đôi khi chúng ta để bản thân chú tâm quá nhiều vào những thông tin tiêu cực rồi từ đó đâm ra lo âu, sợ hãi. Ở đây, không phải khuyên mọi người nên thực thi tinh thần AQ. Nhưng nếu ta không thể thay đổi một sự đã rồi thì tại sao không “sống chung với lũ” như ông bà ta ngày xưa vẫn khuyên?

Lên mạng lúc này là một lựa chọn mạo hiểm. Vì những thông tin tích cực ngày thường đã ít, vào mùa dịch lại càng hiếm. Có những đám đông luôn sẵn sàng ném cho ta những fake news, có những kẻ nhân cơ hội nói xấu chính quyền, lại có những kẻ mang ẩn ức bao lâu thổi bùng lên ngọn lửa phân biệt vùng miền, phân biệt giàu nghèo và cả kỳ thị người bệnh.

Đọc những thông tin ấy quá nhiều có thể khiến một ngày của chúng ta trong giai đoạn này trở nên căng thẳng. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể xem những ngày này như một đợt nghỉ dưỡng thật sự. Bạn có thấy đường sá dạo này vắng hơn không?

Lũ trẻ đã nghỉ học, những trung tâm, tụ điểm thưa người làm áp lực giao thông giảm đáng kể. Kỳ nghỉ tết như vẫn còn vương lại tới bây giờ. Nếu bạn muốn thử tập xe đạp hoặc chạy bộ, đây có lẽ là một thời điểm phù hợp.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nếu bạn lười ra đường, cũng chả sao. Đỡ bị đen, đỡ phải dùng kem dưỡng da, tiết kiệm thêm một chút tiền mỹ phẩm, tiền khẩu trang, tiền xăng, tiền ăn uống với bạn bè hay vé xem phim. Ta cứ ở nhà, xem phim, coi thế giới động vật và các chương trình khoa học mở mang kiến thức, đọc sách để nuôi dưỡng lại tình yêu với chữ nghĩa. Hãy cùng coi đại dịch này là một cuộc ngủ đông, hãy sạc lại năng lượng trước khi bước vào một cuộc vật lộn bình sinh mới khi đại dịch kết thúc.

Có những thứ mà nhờ đại dịch, chúng ta mới thấy. Đó là đội ngũ y tế tuyệt vời của Việt Nam. Sự hoảng loạn của dân chúng phần nhiều do fake news (tin vịt) mà ra. Trên thực tế ngay khi Việt Nam chỉ có chưa đến 10 ca bệnh, Chính phủ đã có phương án cho hàng ngàn người bệnh.

So với các nước châu Âu ứng xử với dịch, rõ ràng Việt Nam đang làm cho công dân của mình yên tâm hơn hẳn. Nếu không, cô gái của một doanh nhân nổi tiếng Việt Nam đã không được gia đình đáp chuyên cơ từ Anh về nhà chữa bệnh. Họ muốn con mình được đội ngũ y tế của Việt Nam chăm sóc, chứ không tin vào sách lược mà nhiều người bảo là “chọn lọc tự nhiên”.

Nhờ đại dịch, chúng ta thấy những quốc gia khác cũng… không thượng đẳng mấy. Họ cũng ùa vào siêu thị giành… giấy vệ sinh, giành lương thực và những nhu yếu phẩm khác. Họ cũng chen lấn, cũng hoảng loạn, cũng đánh nhau.

Trước dịch bệnh, con người đều lộ ra hết những bản chất mà có khi ngày thường, họ cố ý che giấu. Nhìn không phải để theo những cách ấy mà để bớt phân bì “nước nhà người ta” hay “chính phủ nhà người ta”, nhìn để hài lòng với những gì mình đang có.

Nhờ đại dịch, chúng ta thật sự đã có thời gian ở nhà với con nhiều hơn, có thời gian chăm lo cho cha mẹ nhiều hơn. Đức Dalai Larma có nói: khi ta yêu thương một ai đó, thứ tuyệt vời nhất ta có thể trao cho họ là sự hiện diện của ta.

Con của tôi đang vào tuổi ăn tuổi lớn, mỗi ngày nó nói thêm được một câu mới làm cả nhà cảm thấy thực sự hạnh phúc. Đấy là thứ hạnh phúc đơn sơ, nhưng vô giá mà trong những tháng ngày mưu sinh, tôi đã bỏ qua mất.

Ngày 8/3, tôi qua nhà ăn với mẹ một bữa cơm có đầy đủ cha, mẹ, em trai, bà nội. Bà nội đã ngoài 90 tuổi nói với tôi: “Con của mày nó nói nhiều lắm nha Bình, mà còn bắt chước nữa. Ba mày suốt ngày gọi nó là “cu Sam, cu Sam”, nó cũng bắt chước gọi lại “cu ông nội, cu ông nội”. Sau này có khác, gọi nó là Sam thôi chứ đừng thêm “cu”.

Câu chuyện ấy khiến bữa cơm của chúng tôi rộn rã cả lên. Hôm ấy, tôi đặt món bánh tráng Hoàng Ty về nhà ăn và chợt nhận ra: bà nội và mẹ tôi chưa một lần nào ăn món này trong đời. Nhìn cách họ ngạc nhiên với miếng thịt được cắt thật đều và một giỏ rau với rất nhiều loại, tôi chợt nhận ra mình đã bỏ qua quá nhiều thứ trong những ngày bận rộn thường nhật.

Tại sao mình lại để bản thân bận đến mức không thể cùng hai người phụ nữ của đời mình ra ngoài ăn một món bình thường như bánh tráng Hoàng Ty? Tại sao vì cơm áo gạo tiền mà tôi đã lấy đi món quà lớn nhất mà tôi có thể trao cho họ: thời gian và sự hiện diện của tôi?

Đâu đó ở trên mạng, tôi đọc được cách “chiết tự” cụm COVID-19 như sau:
C - Cắt bớt chi tiêu
O - Ổn định cuộc sống
V - Vệ sinh sạch sẽ
I - Ít tụ tập ăn chơi
D - Đầu tư vào sức khỏe và trí tuệ
1 - Điều nhịn
9 - Điều lành

Giữ cho tư duy luôn tích cực có lẽ là cách tốt nhất để chúng ta cùng thoát qua trận đại dịch hiện nay. Những ngày qua, ta thấy rõ con vi-rút chẳng chừa một ai cả. Quan chức hay người thường, người giàu hay người nghèo, nó “công bằng” với tất cả.

Giờ thì không muốn cũng phải nhìn thẳng vào sự thật: còn khá lâu nhịp sống bình thường mới có thể trở lại. Vậy thì hãy nghỉ dưỡng, hãy tận dụng thời gian này để thay đổi thói quen sinh hoạt, hãy sửa chữa lại những mối quan hệ, hãy học cách yêu bản thân mình hơn. 

Vì giận dữ, lo âu, tranh luận không làm cho con vi-rút biến mất. Nó vẫn đó, có lẽ đang cười vì loài người từ lâu đã quên mất cách yêu mình. 

Bình Bồng Bột

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI