Trung tâm chỉ huy

01/12/2013 - 15:54

PNO - PNCN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Chúng tôi có người con trai, thuở nhỏ và khi chưa lấy vợ, cháu rất gắn bó với gia đình, chuyện gì cũng bàn bạc với cha mẹ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chúng tôi có người con trai, thuở nhỏ và khi chưa lấy vợ, cháu rất gắn bó với gia đình, chuyện gì cũng bàn bạc với cha mẹ. Nay cháu đã thành đạt, có vợ con thì mọi sự thay đổi bất ngờ. Con trai ra làm ăn riêng, không muốn chung công ty gia đình với bố mẹ, dù cũng kinh doanh siêu thị nhỏ, bán cùng loại sản phẩm. Vì nghĩ mình làm gì cũng là để cho con, nên vợ chồng tôi vun đắp cho cháu không tiếc gì. Nhưng từ khi con dâu nghe lời bên ngoại, lấn vào chuyện điều hành công ty, thì con trai chúng tôi bắt đầu chỉ nghe lời vợ và vun đắp cho bên ấy. Gia đình bên đó can thiệp rất sâu vào công việc, thậm chí ứng xử thế nào với cha mẹ, cũng đều có ý kiến của gia đình bên vợ. Tôi có nói cho con thấy sự đi quá giới hạn của bên thông gia, nhưng cháu bảo, người vợ tay hòm chìa khóa, là nội tướng trong nhà nên phải lo toan là bình thường. Cháu còn tỏ ra khó chịu mỗi khi chúng tôi góp ý. Bây giờ, nhà vợ như một trung tâm chỉ huy, quyết định mọi thứ. Chúng tôi cảm thấy như công sức đầu tư gây dựng của gia đình cho con, nay bị người khác chiếm lấy phần quyết định.

Thưa chị, nếu nói ra sẽ va chạm lớn hai bên gia đình, rất dễ tổn thương tình cảm cha mẹ, con cái và các cháu nữa. Làm thế nào để con tôi có thể nhận ra sự can thiệp quá đáng phía nhà vợ mà giành lại quyền của người làm chủ cơ ngơi, giành lại quyền làm chủ của người chồng trong gia đình?

Phan Đình Kính (Q.1, TP.HCM)

Trung tam chi huy

Kính gửi bác Kính,

Trước tiên, Hạnh Dung nghĩ bác và gia đình nên suy nghĩ và kiểm lại xem có sự chung chạ gì về quyền lợi và các mối quan hệ trong kinh doanh hay không. Nhiều khi, do khó khăn xuất phát từ việc làm ăn, bên thông gia “điều hành” người con rể để thành một thế lực cạnh tranh trở lại với gia đình đã nâng đỡ và đầu tư gây dựng cho mình. Điều này mới gây nên đổ vỡ lớn trong mối quan hệ. Còn nếu không phải như thế, chỉ là chuyện con trai bác bị bên vợ “chiếm mất quyền” thì lại khác.

Nếu độc lập về kinh tế, đã được cha mẹ trao quyền, con trai đã có gia đình, việc anh ta không nghe cha mẹ bằng nghe vợ (dù có cả một đại gia đình vợ đứng sau lưng) cũng là việc có tính riêng tư của anh ấy rồi. Bác khó có thể can thiệp vào lối sống đó. Con cái ra riêng, chịu trách nhiệm và quyết định lối sống của mình. Vì sao con trai bác không khó chịu với “trung tâm chỉ huy” đó? Họ chỉ huy có hiệu quả kinh tế, tổ chức gia đình vẫn ổn thỏa, anh ấy tin tưởng vợ và không thấy có gì bất ổn, thì bác chắc khó có thể thay đổi được gì.

Trong gia đình, thông thường Hạnh Dung thấy ngay cả các anh trai trẻ, làm ăn thành đạt vẫn thường phải nể vợ, vì vợ nuôi nấng, chăm sóc các con nhiều hơn. Mà trong gia đình bây giờ, của cải, tài sản lớn nhất vẫn là con cái. Nếu con trai bác trong trường hợp này, bác nên chỉ cho con thấy những gì bất hợp lý, chứ không thể quyết định thay đổi lối sống của anh ấy. Làm cha mẹ, dù có đầu tư tài sản cho con, nhưng các bác đã cho con quyền quyết định rồi. Nếu con cảm thấy hạnh phúc, ổn thỏa thì không nên lo nghĩ làm gì, phải không bác? Anh con trai không khó chịu, chỉ các bác nhìn thấy và khó chịu, như thế, chỉ thêm nặng lòng mà không thay đổi được gì.

Nếu có thể, bác nên bày tỏ nỗi lo buồn của mình, để anh ấy tự nhìn ra vấn đề và quyết định có thay đổi hay không, có cần đến sự lên tiếng hoặc sự giúp đỡ của bác hay không.

Kính chúc bác khỏe mạnh và nhiều niềm vui trong cuộc sống.

HẠNH DUNG (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI