Giúp ngư dân vươn ra biển, giàu nhờ biển

07/07/2025 - 06:30

PNO - Từ ngày 1/7, Việt Nam có 21/34 tỉnh, thành giáp biển, chiếm 62%. Trước đây, tỉ lệ tỉnh, thành giáp biển chỉ chiếm 44%. Sự sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh đã được tính toán một cách khoa học, có tính chiến lược. “Vươn ra biển, giàu nhờ biển” là định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, được thể hiện rõ trong các nghị quyết của Đảng những năm gần đây.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam cần khai thác hiệu quả và giữ vững trụ cột của kinh tế biển là ngành thủy sản. Những năm qua, ngành này gặp nhiều thách thức, gồm suy giảm nguồn lợi thủy sản, biến đổi khí hậu, áp lực từ các quy định quốc tế về chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Tình trạng tàu cá nằm bờ ở miền Trung không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân mà còn đặt ra bài toán về tính bền vững của ngành khai thác thủy sản. Do đó, việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngư dân là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự điều chỉnh đồng bộ từ quản lý nhà nước đến giải pháp phát triển sinh kế.

Hiện nay, quy trình cấp giấy phép khai thác thủy sản còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho ngư dân. Một số điều kiện như chứng chỉ an toàn kỹ thuật, bảo hiểm thủy thủ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc tàu cá được thực hiện chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều tàu không đủ điều kiện vẫn ra khơi. Để khắc phục, cần rà soát và điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là với các tàu nhỏ, công suất thấp. Ví dụ, có thể giảm bớt thủ tục đối với tàu dưới 15 mã lực (CV) hoặc áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” để ngư dân dễ dàng hoàn thiện hồ sơ.

Việc nới lỏng thủ tục phải đi đôi với tăng cường giám sát. Các cơ quan chức năng cần ứng dụng công nghệ để quản lý dữ liệu tàu cá tập trung, tránh tình trạng chồng chéo giữa các địa phương. Một trong những nguyên nhân khiến ngư dân “né” vùng khơi là do quy định phân vùng khai thác chưa rõ ràng, dẫn đến xung đột giữa các nghề (lưới kéo, câu, lưới vây) hoặc tranh chấp với các khu vực bảo tồn. Do đó, cần xây dựng bản đồ phân vùng chi tiết, dựa trên nghiên cứu sinh thái và tập quán khai thác địa phương. Đặc biệt, cần bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực nhạy cảm như bãi đẻ, rạn san hô, đồng thời có cơ chế hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ và quy hoạch lại vùng khai thác để tránh tình trạng tàu nhỏ chen chúc gần bờ, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Lắp đặt và duy trì hệ thống giám sát tàu thuyền (VMS) là yêu cầu bắt buộc đối với ngư dân, nhằm minh bạch hóa hoạt động khai thác. Nhưng trên thực tế, nhiều chủ tàu cá vẫn cố tình tắt thiết bị để tránh kiểm tra. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần kiên quyết xử phạt các chủ tàu vô hiệu hóa VMS, thậm chí thu hồi giấy phép khai thác. Song song đó, nên có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua VMS cho tàu nhỏ. Hệ thống VMS sẽ phát huy hiệu quả tối đa nếu được tích hợp với cơ quan biên phòng, cảnh sát biển để giám sát, hỗ trợ.
Đánh bắt thủy sản là một nghề có tính rủi ro cao, nhưng tỉ lệ tàu cá tham gia bảo hiểm còn thấp, đặc biệt là các tàu nhỏ. Nhà nước nên phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để giảm phí, đồng thời bổ sung gói hỗ trợ rủi ro thiên tai, tai nạn lao động. Các gói bảo hiểm này sẽ là chiếc phao hỗ trợ ngư dân trước những rủi ro trên biển, không để họ rơi vào cảnh trắng tay hay phá sản.

Cũng cần lưu ý rằng, “giàu nhờ biển” không chỉ là khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản mà cần đẩy mạnh nuôi trồng hải sản, phát triển dịch vụ du lịch biển. Tóm lại, để hiện thực hóa mục tiêu “vươn ra biển, giàu nhờ biển”, cần sự đồng bộ trong các chính sách hỗ trợ, theo hướng giảm gánh nặng hành chính nhưng siết chặt hoạt động giám sát, kết hợp với đào tạo và bảo hiểm.

Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI