Nghịch lý mùa đánh cá: tàu nằm bờ vì thiếu hỗ trợ

07/07/2025 - 06:30

PNO - Lẽ ra vào mùa hè, biển miền Trung dập dìu những chuyến tàu xa bờ, nhưng hiện tại, hàng loạt tàu thuyền vẫn nằm bất động. Cho đến nay, chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển vẫn chưa tác động tích cực đến ngư dân.

Nhiều rào cản khiến tàu không thể ra khơi

Đầu tháng 7/2025, biển Phú Thuận, phường Thuận An, TP Huế lại im ắng khác thường, tàu cá vẫn neo đậu san sát dù đang mùa cao điểm đánh bắt hải sản. Ngư dân Nguyễn Thành Luân nói: “Tôi neo tàu ở đây mấy tháng nay để chờ tiền hỗ trợ mua xăng dầu, trả công cho bạn thuyền”.

Việc chậm chi trả tiền hỗ trợ khiến các tàu cá ở phường Thuận An, TP Huế không thể vươn khơi ẢNH: THUẬN HÓA
Việc chậm chi trả tiền hỗ trợ khiến các tàu cá ở phường Thuận An, TP Huế không thể vươn khơi - Ảnh: Thuận Hoá

Ông kể, năm 2024, tàu ông ra khơi được 4 chuyến, mỗi chuyến khoảng nửa tháng. Sau mỗi chuyến biển, ông đều làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng để nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ khai thác xa bờ. Nhưng đến nay, ông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nên chưa có kinh phí để tiếp tục ra khơi. Mấy năm trước, ông nộp hồ sơ chừng 3-4 tháng là có tiền nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, hồ sơ cứ bị “ngâm”.

Ngư dân Nguyễn Văn Thành cho biết, mọi năm, sau mỗi chuyến biển, gia đình ông làm hồ sơ, được nhận tiền hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng/chuyến. Năm 2024, tàu của ông có 4 chuyến đánh bắt xa bờ nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được đồng nào. “Nguồn lợi thủy sản suy giảm, chúng tôi phải nhận tiền hỗ trợ, mới có kinh phí ra khơi” - ông nói. Theo ông Nguyễn Quang Dân - nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (nay là phường Thuận An, TP Huế) - toàn xã Phú Thuận cũ có gần 50 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2024, mỗi tàu đều khai thác xa bờ 3-4 chuyến nhưng chỉ có 23 chủ tàu được nhận tiền hỗ trợ đợt 1 với tổng kinh phí gần 2,53 tỉ đồng.

Chính sách hỗ trợ cho ngư dân tỉnh Quảng Trị đánh bắt xa bờ cũng đang ách tắc do thiết bị giám sát mất kết nối. Anh Nguyễn Thế Hào (xã Bảo Ninh, tỉnh Quảng Trị) kể, tháng 4/2024, khi đang đánh bắt cá thì tàu anh bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Anh đã dùng máy thông tin liên lạc để gửi hành trình về đất liền nhưng lúc được, lúc không. Vì vậy, hơn 1 năm qua, anh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông Đào Xuân Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh - cho biết, xã có 495 tàu cá, trong đó có 187 tàu đánh bắt xa bờ được hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg. Sự cố mất kết nối thiết bị giám sát hành trình vào tháng 4/2025 ảnh hưởng đến 96 tàu. Đến tháng 6/2025, vẫn còn 30 tàu chưa nhận được tiền hỗ trợ xăng dầu.

Bên cạnh trắc trở về tiền hỗ trợ, ngư dân phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Trị còn gặp tình trạng cảng biển bị bồi lắng. Ông Trương Thanh Huyền - chủ một tàu cá ở phường Đồng Hới - cho biết, vào vụ cá nam (vụ đánh bắt chính, kéo dài từ tháng Tư đến tháng Chín âm lịch), cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, tàu đánh cá dễ bị hư hại khi ra vào. Tình trạng cảng cá bị bồi lắng cũng diễn ra ở biển Lăng Cô - Chân Mây và biển Thuận An (TP Huế) và các cảng cá ở Hà Tĩnh, Nghệ An.

Nhiều tàu cá ở phường Phú Thuận, TP Huế nằm bờ ngay trong mùa đánh bắt hải sản sôi động nhất - ẢNH: THUẬN HÓA
Nhiều tàu cá ở phường Phú Thuận, TP Huế nằm bờ ngay trong mùa đánh bắt hải sản sôi động nhất - Ảnh: Thuận Hoá

Trong khi đó, ở tỉnh Quảng Ngãi, các chủ tàu không thể ra khơi do thiếu nhân công. Ngư dân Phạm Hồng (phường Sa Huỳnh) cho hay, có lúc, tàu cá phải nằm bờ cả tháng trời do không thể gom đủ bạn thuyền. Hiện nay, người đi biển chủ yếu là người trong gia đình chủ tàu, lớn tuổi nên khó đi biển dài ngày, chưa quen với các ứng dụng kỹ thuật mới. Toàn tỉnh có 4.931 chiếc tàu, trong đó có 3.030 chiếc đánh bắt xa bờ. Để có đủ nhân lực, nhiều chủ tàu phải sang các tỉnh lân cận tuyển dụng.

Một số quy định "trói tay" ngư dân

Ngư dân Ngô Đức Tâm (phường Thuận An, TP Huế) cho hay, các quy định hiện hành liên quan đến khai thác hải sản vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân.
Cụ thể, để bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, Nghị định số 37/2024 của Chính phủ quy định, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu 500mm. Nhưng trên thực tế, ngư dân chỉ đánh bắt được cá ngừ dài 300 - 350mm. Cá ngừ lại là loài cá di cư nên quy định trên là không thực sự cần thiết, bởi Việt Nam cấm nhưng các nước khác chưa cấm. Quy định trên khiến cá đánh bắt được không đạt kích cỡ nên chỉ bán lẻ với giá rẻ, gây lỗ lã cho ngư dân. Một quy định khác gây khó cho ngư dân là cấm khai thác ở vùng lộng (vùng gần khơi), trong khi ngư dân đánh bắt theo ngư trường, luồng cá.

Ông Tâm ngao ngán: “Mỗi năm có 2 mùa đánh bắt, gồm cá nam và cá bắc. Vào mùa cá nam, cá di cư vào vùng lộng nhưng với quy định trên, chúng tôi chạy theo luồng cá rồi đứng nhìn chứ không dám vào khai thác. Chúng tôi đánh cá lưới thưa, không bắt cá nhỏ nên không ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ở vùng lộng. Do đó, cơ quan chức năng nên sửa đổi quy định, theo hướng chỉ cấm loại lưới giã cào, lưới đèn khai thác ở vùng lộng”.

Nhiều chủ tàu cá ở tỉnh Nghệ An phải chờ cả năm mới nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu nên gặp khó khăn trong việc vươn khơi, bám biển - Ảnh: Phan Ngọc
Nhiều chủ tàu cá ở tỉnh Nghệ An phải chờ cả năm mới nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu nên gặp khó khăn trong việc vươn khơi, bám biển - Ảnh: Phan Ngọc

Theo ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển, Hải đảo và Kiểm ngư tỉnh Quảng Trị - một khó khăn khác đối với nghề đánh bắt xa bờ là tìm bạn thuyền. Làm nghề biển không chỉ cần khỏe mà còn cần kinh nghiệm. Lao động đi biển của Việt Nam hiện chỉ có 0,1% được đào tạo nghề, còn lại đều có học vấn thấp, làm nghề kiểu cha truyền con nối. Đây là hạn chế lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề biển. Ông nêu thực trạng: “Đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ của ngành giáo dục, nhưng hầu hết trường cao đẳng, đại học ở miền Trung không đào tạo nghề đi biển”.

Theo ông, để kinh tế biển thực sự là ngành mũi nhọn, các địa phương có biển cần phải gấp rút đào tạo lao động nghề biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Ông cũng nêu một thực trạng là nguồn lợi thủy sản đang dần ít đi, nghề đi biển dần kém sức hút. “Giải pháp cho vấn đề nhân lực và suy giảm nguồn lợi thủy sản là có chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ tàu ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong đánh bắt. Công nghệ sẽ giúp giảm lệ thuộc vào nguồn lao động và tăng sản lượng khai thác” - ông nói.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó chủ tịch UBND TP Huế - cho rằng, để phát triển kinh tế biển một cách đồng bộ và bền vững, các địa phương cần rà soát, bổ sung quy hoạch, kiến nghị cấp trung ương ban hành các chính sách liên kết, phát triển bền vững. Chính quyền các địa phương miền Trung cần phối hợp tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi hệ sinh thái biển. Song song đó, cần đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Thuận Hoá - Phan Ngọc - Đình Dũng

Chờ dài cổ, mới nhận được tiền hỗ trợ

Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngư dân tỉnh Nghệ An duy trì việc ra khơi, nhưng việc chi trả khoản tiền này thường chậm, kéo dài cả năm khiến ngư dân gặp khó khăn.

Ngư dân Nguyễn Văn Kỳ (xã Quỳnh Phú, tỉnh Nghệ An) cho hay, mỗi năm, tàu cá của ông được hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Do chờ tiền hỗ trợ quá lâu, ông buộc phải vay nóng để có tiền mua nhiên liệu và những vật dụng thiết yếu để kịp ra khơi, do đó phải tốn thêm khoản tiền để trả lãi. Ông cho hay, ông nộp hồ sơ xin nhận tiền hỗ trợ từ tháng 4/2024 mà mãi đến tháng 5/2025, mới được duyệt chi. Năm nay, ông cũng đã nộp hồ sơ nhưng chưa biết đến khi nào mới nhận được tiền.

P.Ngọc

Ứng dụng công nghệ để giám sát tàu ra vào cảng

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 11 trạm kiểm soát biên phòng khu vực biển, 5 cảng cá chỉ định và 5 tổ kiểm soát nghề cá tại cảng cá để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến và tàu cá ra vào cảng. Từ đầu năm 2025 đến nay, các cảng cá trong tỉnh đã tiếp nhận 15.780 lượt tàu cá. Nhân viên các cảng cá đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục và kiểm tra, xác nhận nguồn gốc hải sản, giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho ngư dân.

Đình Dũng

Tổ đoàn kết giúp ngư dân yên tâm bám biển

Ngư dân các tỉnh miền Trung đã thành lập các tổ đoàn kết, tổ tự quản để hỗ trợ nhau vươn khơi, nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật về khai thác hải sản.

Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 100 tổ tự quản. Ông Bùi Đình Sành - Tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền an toàn khu phố 5, xã Cửa Việt - cho hay, tổ được thành lập từ năm 2009 và duy trì đến nay với 35 tàu. Thay vì đánh bắt cá đơn độc, các tàu trong tổ sẽ vươn khơi theo nhóm. Nếu gặp ngư trường có sản lượng thấp, các tàu sẽ tập hợp cá cho 1 tàu vận chuyển về và các tàu khác tiếp tục đánh bắt, giúp bảo quản tốt hải sản, tiết kiệm nhiên liệu và công sức của ngư dân. Ngoài ra, các tàu đi theo nhóm, kết nối liên tục qua hệ thống thông tin nên dễ dàng hỗ trợ nhau trong các trường hợp khẩn cấp.

Ông Trần Quang Nhất - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển, Hải đảo và Kiểm ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế - cho biết, các tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập trên cơ sở cùng ngành nghề, cùng ngư trường. Bà con phối hợp để tổ chức dịch vụ trên biển, tiêu thụ sản phẩm, giảm thời gian di chuyển, tăng thời gian bám biển. Thông qua hệ thống thông tin liên lạc, các tổ còn là tai mắt trên biển, kịp thời cung cấp tin báo có giá trị cho bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng về hoạt động của tàu cá nước ngoài, các sự cố trên biển. Nhờ đó, công tác điều động lực lượng bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ ngư dân diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản, giúp ngư dân yên tâm phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng.

Thuận Hoá

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI