Trẻ em châu Á và mảng tối trong tâm hồn

05/01/2022 - 12:33

PNO - Những người trẻ tuổi ở châu Á đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch. Các chuyên gia mong muốn trẻ em được người lớn quan tâm và lắng nghe nhiều hơn nữa để tránh những suy nghĩ tiêu cực.

Vào tháng 8/2021, một nữ sinh ở Singapore leo lên đường ray tàu lửa nhưng may mắn thảm kịch không xảy ra khi đoàn tàu đã kịp dừng lại và cảnh sát đã được gọi đến để hỗ trợ cô bé. Trước đó, vào tháng 5/2021, một bé gái ở Tokyo (Nhật Bản) cũng hành động như thế nhưng không may mắn như vậy. Cô bé ra đi ở tuổi 16. Cảnh sát cho biết cô bé để lại một bức thư tuyệt mệnh trong túi xách và đây là một trong số hàng trăm vụ trẻ em tự tử ở Nhật kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Đại dịch đã tạo ra những thử thách lớn đặc biệt với người trẻ - ẢNH: SHUTTERSTOCK 
Đại dịch đã tạo ra những thử thách lớn đặc biệt với người trẻ - Ảnh: Shuttersttock 

Trên khắp châu Á, tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên đã tăng lên trong bối cảnh đại dịch. Nhật Bản ghi nhận 499 vụ tự tử ở trẻ em ở độ tuổi từ 7 - 18 vào năm 2020, con số này cao hơn 25% so với năm 2019 và cao hơn 73% so với 289 trường hợp tử vong của năm 2016.

Tại Singapore, tỷ lệ tự tử ở những người độ tuổi 10 - 19 đã tăng từ 4 lên 5,5/100.000 người vào năm 2020. Valerie Lim - người điều hành Tổ chức Hỗ trợ Người mất tích ở Singapore - cho biết có rất nhiều phụ huynh liên hệ với tổ chức sau khi con họ tự kết liễu cuộc đời.

Tại Malaysia 1/4 trong số 266 vụ tự tử được ghi nhận năm 2020 là thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi.

Số liệu về các vụ tự tử của thanh niên ở Indonesia chưa được thống kê nhưng một cuộc khảo sát năm 2021 trên gần 2.400 thanh niên từ 18 - 24 tuổi cho thấy khoảng một nửa trong số họ gần đây đã nghĩ đến việc tự làm tổn thương bản thân hoặc nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chết đi. Bộ Y tế Thái Lan đã ghi nhận 141 vụ tự tử ở những người từ 10 - 19 tuổi vào năm 2020, tăng 30% so với năm 2019. 

Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, những người trẻ tuổi thường phải vật lộn nhiều hơn so với người lớn để thích nghi với cuộc sống trong đại dịch. Tiến sĩ Lim Boon Leng - bác sĩ tâm thần ở Singapore - nói rằng nguyên nhân không chỉ là việc học ở trường mà đôi khi là cuộc sống gia đình trở nên khó khăn và căng thẳng hơn. Ông Lim cho biết những người trẻ tuổi có xu hướng bốc đồng hơn người lớn và có nhiều khả năng hiểu sai thông điệp, nhìn mọi thứ một cách tiêu cực, vội vàng kết luận khiến những vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.

Vickie Skorji - Giám đốc TELL Lifeline - một dịch vụ tư vấn qua điện thoại có trụ sở tại Tokyo, cho biết những người trẻ tuổi mà tổ chức của cô tiếp cận luôn lo lắng về tương lai. “Họ hỏi liệu cuộc sống của họ có tốt đẹp như cuộc sống của cha mẹ hay không và câu trả lời mà họ tự đưa ra thường là không”, bà nói. Skorji cho biết tổ chức của bà đã xử lý một “con số kỷ lục” các trường hợp gặp vấn đề tâm thần trong năm 2021 mà phần lớn là những người trẻ tuổi bày tỏ sự lo lắng, trầm cảm trầm trọng hơn và suy nghĩ đến tự tử. Tại Thái Lan, một cuộc khảo sát do UNICEF thực hiện cho thấy cứ mười trẻ em và thanh niên thì có bảy trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần do đại dịch gây ra.

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, cần phải lắng nghe trẻ và mạnh dạn bỏ đi truyền thống là những đứa trẻ chỉ nên im lặng và lắng nghe. Jinda Chaipon thuộc Tổ chức Childline Thái Lan - điều hành đường dây trợ giúp 24 giờ cho trẻ em dưới 18 tuổi - nói: “Thế giới của trẻ em rất nhỏ. Chúng chỉ cần bạn bè và gia đình. Sẽ không phải là ngày tận thế nếu người lớn dành thời gian để lắng nghe chúng”. 

Thu Thanh (theo SCMP, CAN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI