Trao quyền, trao cơ hội để trẻ trưởng thành

19/06/2022 - 07:00

PNO - Theo tâm lý chung, phụ huynh ở độ tuổi nào cũng đều thấy con mình nhỏ và luôn muốn che chở, bảo bọc con.

Nước ta đang có sự xung đột giữa các giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây trong nhiều vấn đề xã hội. Một bộ phận phụ huynh cấp tiến sẵn sàng trao cho con sự tự do, tự lập, tự chủ. Bên cạnh đó có không ít phụ huynh vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống: Nhỏ cậy cha, già cậy con.

Một đặc điểm tâm lý nổi bật, hầu như có ở mọi em thiếu niên - vị thành niên là rất muốn người khác công nhận mình là người lớn. Điều các bạn nhỏ cần không phải là sự bảo bọc mà là sự hướng dẫn. Ví dụ tổ chức buổi tiệc, các bạn cần người lớn cố vấn làm thế nào để có một bữa tiệc thành công chứ không phải làm thế nào để… đặt được đồ ăn.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Người lớn nên giúp con lập kế hoạch tính toán, cân đối về thời gian, nguyên liệu, chi phí, cách thức thực hiện. Tổ chức dạ tiệc, giải bóng đá trong trường, đêm văn nghệ… cũng trong tầm tay học sinh và thầy cô chỉ trợ giúp. Đó là cách đúng để vừa thỏa mãn được nhu cầu khẳng định bản thân của các bạn vừa giúp các bạn có được kết quả như ý và ít sai sót nhất. 

Ở một số nước, vì môi trường xung quanh và bản thân đứa trẻ được dạy trong trường về sự tự lập, trẻ có khuynh hướng “đòi hỏi” được tự lập trong gia đình. Các em nhìn nhận, suy ngẫm về bản thân sớm hơn, hướng đến tự do khi mình có khả năng tự chủ, chú trọng rèn luyện các kỹ năng phục vụ bản thân.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, rất nhiều học sinh có ý định học xa nhà, học nội trú hoặc du học nước ngoài, do đó, các em cũng chủ động quản lý đời sống cá nhân, tổ chức các hoạt động sống thông thường. Các em biết mình muốn gì, cần làm gì và biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu. Nếu người lớn bảo bọc, trẻ cảm thấy xấu hổ với bạn bè.

Để thay đổi đồng bộ quan điểm về việc trao quyền, tôn trọng sự tự chủ của con thì cần tất cả cha mẹ có sự đồng thuận cao trong “hội phụ huynh”, tạo nên mẫu hành vi ứng xử chung.

Người lớn ngại “trao quyền” cho con tự thực hiện vì lo lắng thái quá. Hiện nay đa số gia đình hiếm con, lại thêm tác động của ông bà với nỗi lo thường trực là trẻ gặp sự cố. Đạp xe thì sợ tai nạn, nấu ăn thì ngại bị bỏng, đi chơi với bạn thì e bị lạc, bị bắt cóc… Nghe thông tin mỗi ngày phụ huynh lại thêm một nỗi lo, cơ hội cho con trưởng thành cũng bị “lấy cắp” đi.

Vì cha mẹ chưa từng dạy kỹ năng cho con nên nghĩ con hoàn toàn không biết (thực ra có thể con được học ở trường, ở nhà bạn, học qua ông bà, họ hàng...). Nguyên nhân nữa là người lớn áp tiêu chuẩn của người lớn lên con trong khi góc nhìn của con lại khác. Với các con, một bữa tiệc thành công là vui, tự làm ra món ăn, làm cùng nhau, ăn được là được. Nhưng với người lớn, bữa tiệc thành công là phải chuẩn về hương vị, độ tươi ngon…

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Lý do phổ biến là người lớn không muốn mất thời gian hướng dẫn cho trẻ. Để con rửa chén có khi làm bể, bị đứt tay, tốn nước hơn. Nếu cha mẹ chỉ dạy thì con hay cãi lại gây bực mình, phiền phức. Chi bằng mình làm luôn cho nhanh gọn!

Bài toán khó là làm sao đo lường được con đã lớn đến đâu để “trao quyền” phù hợp. Thước đo là sự thấu hiểu con, mà muốn hiểu con thì phải quan sát, đồng hành. Phụ huynh giữ liên lạc với giáo viên, bạn bè của con để thấy hình ảnh con khi là con của mình ở nhà, khi nó trong vai một người bạn, khi nó là học trò của các thầy cô... Qua nhiều lăng kính, cha mẹ hiểu con toàn diện hơn. Trẻ có thể sẽ thể hiện những phiên bản rất khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Có khi phụ huynh cảm thấy ngỡ ngàng. Đâu ngờ đứa nhỏ “im im, tồ tồ” của mình lại có ý tưởng, khả năng như vậy, thậm chí là người dẫn đầu nhóm, là chỗ dựa tinh thần cho bạn bè khi gặp chuyện.

Ít ai làm mọi việc thành công trong lần đầu! Cho trẻ được làm, được trải nghiệm và thất bại thì mới cải thiện dần các kỹ năng của mình. Được khuyến khích làm lại lần hai, lần ba, kết quả tốt dần lên cũng xây dựng dần nơi trẻ sự tự tin. Nếu người lớn vội vã “chặt đứt” động lực thì dần dần trẻ xây dựng niềm tin rằng mình không thể làm được, trẻ thấy bản thân tệ đi và định nghĩa mình là đứa trẻ vô dụng, kém cỏi.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền

Hệ lụy của cấm đoán hoặc bảo bọc trẻ là rất lâu dài, không chỉ dẫn đến trẻ thiếu kỹ năng hay “chậm lớn” mà gần như không thể sống sót được trong cuộc sống tương lai. Trao quyền, trao cơ hội để trẻ trưởng thành hơn - nói thì ngắn gọn nhưng thực hành thì mỗi ngày, mỗi ngày cho cả phụ huynh và con trẻ. 

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền 
(Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Song ngữ quốc tế Canada)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI