TPHCM lần đầu “đo hạnh phúc” với mẫu 800 hộ gia đình

21/05/2020 - 08:58

PNO - Liệu có quan hệ như thế nào giữa sự thành đạt về vị thế, tiền bạc với hạnh phúc ngoài vật chất, các vấn đề đời sống tình dục và các tệ nạn xã hội hiện nay, tỷ lệ ly hôn, vấn đề thương mại hóa đời sống xã hội trong nhiều dịch vụ đời sống, sự chi phối của các phương tiện nghe nhìn kỹ thuật số đối với hạnh phúc gia đình?

Ngày 20/5, tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Viện Xã hội học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) tổ chức hội thảo khoa học “Tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong thực tiễn TPHCM”.

Trong khuôn khổ Đề án Xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2020-2030 của Thành ủy TPHCM, Viện Xã hội học được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM hiện nay” do PGS-TS Lê Ngọc Văn làm chủ nhiệm đề tài. TS Lê Ngọc Văn cũng là tác giả sách Hạnh phúc của người Việt Nam – khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá do (NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản năm 2019).

PGS.TS Lê Ngọc Văn người tiên phong về
PGS.TS Lê Ngọc Văn - người tiên phong về "Hạnh phúc học" ở VN

Sẽ có 800 hộ thuộc nhiều quận huyện tại TPHCM được phỏng vấn về hạnh phúc gia đình để đánh giá mức độ hài lòng của một gia đình/ các thành viên gia đình về cuộc sống của họ xét trên tổng thể. Tiêu chí gia đình hạnh phúc là tập hợp những chỉ báo đặc trưng liên quan đến lĩnh vực khác nhau của đời sống gia đình dùng để đo lường mức độ hạnh phúc của gia đình.

Trong phạm vi của đề tài này, tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc được nghiên cứu trên ba lĩnh vực cơ bản:

Đời sống kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình (có sức khỏe tốt, có công ăn việc làm đầy đủ, thời gian lao động hợp lý, thu nhập ổn định và bảo đảm, có nơi ở/ nhà ở riêng, có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, có ngân sách dự phòng khi cơ nhỡ, có hệ thống dịch vụ xã hội tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt, được ăn ngon mặc đẹp, sống trong môi trường tự nhiên an lành – không ô nhiễm);

Các mối quan hệ gia đình và xã hội (việc kết hôn là cần thiết, quan hệ vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ tôn trọng sự chọn lựa của con, các con yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, quan hệ họ hàng nội ngoại tốt, quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt, quan hệ bạn bè – đồng nghiệp tốt, môi trường xã hội an ninh đảm bảo, tính minh bạch công khai được bảo đảm, có chính quyền thân thiện – hỗ trợ lúc khó khăn);

Đời sống văn hóa tinh thần (tuân thủ pháp luật và quy định của Nhà nước, cởi mở sẵn sàng tiếp nhận cái mới, đề cao việc học hành nâng cao hiểu biết, tham gia vào các hoạt động hướng thiện, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, có các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí trên địa bàn gia đình sinh sống, quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng, ông bà tổ tiên có mồ yên mả đẹp, gia đình được sum vầy đoàn tụ, ông bà cha mẹ ở chung với con cháu, làm được những việc có ý nghĩa cho gia đình – cộng đồng – xã hội). Nghiên cứu sử dụng thang đo năm mức độ: rất hài lòng, hài lòng, tương đối hài lòng, chưa hài lòng, rất không hài lòng.

PGS-TS Lê Thanh Sang (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) nhận định: “Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất hiện nay của việc nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM không phải là bản thân bộ tiêu chí, mà chính là xác lập các cơ sở thực tiễn phù hợp để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và sản phẩm quan trọng nhất chính là báo cáo chính sách phản ảnh các quan tâm chính sách của Thành ủy TPHCM.

Cách tiếp cận cũng có thể mở rộng khi xem xét các khía cạnh khác của gia đình hạnh phúc như: mối quan hệ giữa sự thành đạt về vị thế, tiền bạc với hạnh phúc ngoài vật chất, các vấn đề đời sống tình dục và các tệ nạn xã hội hiện nay, tỷ lệ ly hôn, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất, vấn đề bạo hành gia đình… cùng nhiều vấn đề nổi bật ở một thành phố công nghiệp và hiện đại như TPHCM và đồng thời là những vấn đề có hàm ý chính sách đối với lãnh đạo thành phố".

Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI