Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

Hạnh phúc là sống “tự lập” trong hôn nhân

20/03/2020 - 11:04

PNO - Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm nay có vẻ ảm đạm hơn mọi năm, vì cả thế giới đang phải gồng mình phòng chống dịch bệnh. Điều đó thêm lần nữa nhắc ta rằng, cuộc sống luôn song hành những niềm vui và trắc trở, những cơ hội và nghịch cảnh.

Cuộc trò chuyện ngắn với thạc sĩ tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ (Công ty TNHH Tâm lý Trẻ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về hạnh phúc trong đời sống hôn nhân hy vọng tiếp thêm nguồn năng lượng cho bạn đọc.

Hình ảnh “quậy tưng”, tràn đầy năng lượng của vợ chồng tiến sĩ Đặng Trường Sơn - thạc sĩ  Võ Thị Minh Huệ
Hình ảnh “quậy tưng”, tràn đầy năng lượng của vợ chồng tiến sĩ Đặng Trường Sơn - thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ


Phóng viên: Nhiều phụ nữ cho rằng nếu không vướng phải ông chồng “tứ đổ tường” thì hạnh phúc dễ ợt, chị có nghĩ vậy?

Thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ: Thời điểm nào đó, mình có thể nghĩ thế để tự an ủi thôi. Hạnh phúc là cảm giác dễ chịu trong thời điểm đó, nhiều cảm giác này thì dệt nên cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc thuộc về cảm giác của người trong cuộc, mà cảm giác thì luôn bị bên ngoài tác động vào.

Để hạnh phúc, để cân bằng dễ không? Thật sự không dễ. Nếu cho rằng trở ngại ấy giúp mình nhìn ra những giá trị khác thì sẽ ổn hơn.

* Sự gắn kết trong hôn nhân có làm hao hụt tự do cá nhân của mỗi thành viên?

- Khi làm việc gì cùng nhau mà cảm thấy thoải mái, có sự công bằng, tự nguyện, thì vẫn vừa gắn kết, vừa tự do. Mặc định phải làm điều đó chỉ để hài lòng người khác mà mình không hài lòng, sẽ trở thành gánh nặng tâm lý, cảm thấy mình hy sinh mà người kia vong phụ.

Coi lại tại sao bản thân cảm thấy khó chịu, đó thực sự là những linh cảm cần lắng lòng để nắm bắt, không nên cứ làm “vị tình” hoặc cho “yên nhà yên cửa”.

Đấy là trường hợp “không muốn mà phải làm”; ngược lại còn có “muốn làm mà không được làm”. Ta vừa nảy ra những ý tưởng, dự tính rất hào hứng, nhưng khi bàn bạc với bạn đời liền bị ngăn cản.

Tôi từng định xây dựng một trung tâm trị liệu tâm lý tiêu chuẩn châu Âu (như đã được học). Chồng lại bàn ra: nhu cầu trị liệu thì nhiều, nhưng người chịu dành thời gian, tiền bạc để đi trị liệu thì ít, đầu tư xây dựng trung tâm hoành tráng không khéo sẽ thất bại. Lúc đó, tôi thất vọng lắm, nghĩ chồng không tin mình sẽ làm tốt nên không ủng hộ. Nhưng suy tới nghĩ lui, tôi thấy đúng.

Ý tưởng đó chưa phù hợp với khả năng của mình và thực tế hiện thời. Làm trung tâm nhỏ, hợp tác với đồng nghiệp, chi phí dễ xoay xở hơn, không bị quá nhiều áp lực, mình sẽ chuyên tâm trị liệu tâm lý.

Nếu áp lực tiền bạc, bản thân căng thẳng, mình phải dụng đến những phép tính của kinh doanh, sẽ không còn làm việc trong một tâm trạng thoải mái, thỏa mãn đam mê nữa. Nghĩ thế, tự nhiên nhẹ nhõm, không còn bức xúc, hụt hẫng. May mà có người giật dây diều. Và mình cũng vỡ ra: lấy vợ lấy chồng là để tu tập, tu sửa, hoàn thiện.

* Ba mươi năm chưa một lần nghĩ đến ly hôn, nhờ đâu anh chị có được hạnh phúc viên mãn đó?

- Hành trình hôn nhân đã 30 năm, vợ chồng tôi không trải qua những trở ngại về tài chính, sức khỏe hay áp lực hai bên gia đình, đó là may mắn lớn. Chúng tôi cũng không bị “chèo kéo” bởi những nghi kỵ, ghen tuông thường tình.

Mật mã email, tài khoản, nếu tôi quên thì chồng nhắc giùm do anh rành công nghệ, là người lập tài khoản và hỗ trợ cho tôi. Sự tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối khiến anh sốt sắng giúp mọi việc tôi nhờ, không tính toán, không thắc mắc.

Anh biết tôi cùng cộng đồng nhỏ đang tạo điều kiện học tập, hỗ trợ chữa bệnh, khởi nghiệp… cho một số người khó khăn nên sẵn sàng chung tay.

Tôi nghĩ ly hôn hay không chẳng quan trọng. Nếu đến một lúc nào đó sống hết vui thì thôi, không chơi chung nữa, đơn giản vậy chứ không phải chấm dứt hôn nhân vì lý do a, b, c… Nếu đánh giá người phối ngẫu tệ mà chờ hoài không chịu sửa, bạn chán và bỏ thì lại gặp người khác vẫn tệ, lại bỏ. Bỏ nhiều lắm, bỏ cả đời, mang tội chết, phải cứu người chứ (cười)!

Không phải khi nào giải thoát khỏi mối quan hệ đổ nát mới gọi là giải thoát. Chỉ khi mình tự giải thoát, không bị những điều tiêu cực tác động, cân bằng cảm xúc và hiểu rằng bản thân cũng cần thay đổi tích cực, thì tình hình mới biến chuyển.

Nếu giải phóng những ràng buộc định kiến, sự cầu toàn thì sẽ thấy dễ chịu với mình và người khác. Tôi đang học và áp dụng cách quan sát mà không phán xét, thấy cũng hay, và cho mình sức mạnh nội tâm. 

* Biết anh chị đang phát triển yoga và thiền nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, chị thường xuyên ở Đà Lạt, vậy vợ chồng phải sống xa nhau?

- Hiện tại anh vẫn làm việc ở Sài Gòn nên chưa ở Đà Lạt thường xuyên được. Nhưng tôi thấy hẹn hò “bữa thì em xuống bữa anh lên” cũng thú vị. Mình tập sống “tự lập” trong hôn nhân. Nhiều khi sống cạnh nhau làm cho mỗi người không cảm nhận hết khả năng tự chủ của bản thân.

Thậm chí quên mất cảm giác nhớ nhung, chờ đợi. Trong các khóa học ở Đà Lạt, anh cũng có môn dạy. Hoặc thỉnh thoảng có việc, tôi về Sài Gòn. Cặp đôi đang “yêu xa” cũng thấy hay… 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

Hãy là bạn bè để luôn hút nhau

Chiếc gương treo trên tường ngày ngày vẫn soi hai gương mặt tinh nghịch tươi cười với nhau trong ấy. Thỉnh thoảng anh chị đứng trước gương khen: “Bền quá!”, cũng không cần hiểu là khen gương hay khen người. Bởi, chiếc gương này là quà của nhóm du học sinh tại Nga tặng nhân đám cưới anh chị 30 năm trước, cũng tại xứ sở bạch dương. Qua bao phen dời đổi từ Nga, Rumani, rồi về Việt Nam, chiếc gương luôn theo cùng, lưu chứa nụ cười nồng ấm của anh chị. 

Khi ấy, anh Đặng Trường Sơn học khoa toán, phải lòng cô bạn cùng tuổi Võ Thị Minh Huệ học khoa luật, cùng Trường đại học Tổng hợp Ki-si-nhốp (Liên xô cũ). Tình đồng hương, tình bạn hòa quyện tình yêu qua những bữa ăn ở căng-tin, qua từng trang vở hay lời động viên nhau khi làm thêm vất vả trong kỳ nghỉ: hái trái cây, thêu đan, đi xây dựng công trình... Đông về, chị ngồi đan áo, anh ngồi cạnh giúp chị cuộn len, chăm chút từng sợi ấm, xua tan cái rét cắt da có khi đến âm 200C. 

Năm 2001, anh chị trở về Việt Nam. Anh vẫn làm việc chuyên mảng công nghệ thông tin, hiện là Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường đại học Công nghệ Sài Gòn, còn chị “bay nhảy” không mệt mỏi với rất nhiều lĩnh vực: tư vấn luật, trị liệu tâm lý, diễn giả, kinh doanh, huấn luyện viên yoga - thiền. Chị tham gia nhiều chương trình truyền hình, viết nhiều bài báo, là tác giả của những cuốn sách hữu ích: Tuổi dậy thì, không gì phải sợ!, Cùng con trưởng thành, Nói chuyện giới tính không khó... 

Với chị, công việc luôn cần bổ sung, thay đổi, cải thiện. Luôn khát khao khám phá, sáng tạo, chị chọn con đường mới, mong muốn phát huy hết năng lực của mình. Chị nói vui: “Mỗi lần thay đổi, tôi thấy mình thông minh hơn”. Các công việc đều có nét chung là giúp chị phát triển bản thân, tìm hiểu, đi sâu vào diễn biến tâm sinh lý con người. Chị luôn tự hỏi: “Tại sao họ lại làm như thế, nếu không làm thế thì chuyện gì xảy ra?”. Chị chuyển mảng đến “chóng mặt”, còn anh thì có thể làm đi làm lại một việc cả đời không biết chán. 

Anh Đặng Trường Sơn và chị Võ Thị Minh Huệ
Anh Đặng Trường Sơn và chị Võ Thị Minh Huệ

Có dễ hòa trộn một người thích làm việc cộng đồng, nhiều ý tưởng sáng tạo như thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ với người ghiền nghiên cứu, lúc nào rỗi cũng chỉ đọc sách, ít kết giao và chủ động xây dựng các mối quan hệ như tiến sĩ Đặng Trường Sơn?

Vậy mà anh dần trở nên cởi mở, sẵn sàng hợp tác những trò quái đản mà vợ “đạo diễn”, thậm chí, có khi anh còn chủ động bày trò. Anh cùng chị chụp những tấm hình có góc máy “bá đạo”, cùng hoạt náo, hò reo trong vòng tròn học viên của các khóa yoga, thiền. Kỷ niệm 30 năm ngày cưới của anh chị hôm 6/3 vừa rồi, trong thung lũng lãng mạn của núi rừng Đà Lạt, thước phim chú rể trèo đèo vượt núi tìm đến cô dâu và “bị” cô dâu cầu hôn bằng nhánh hoa rừng được phát trực tiếp trên facebook của chị khiến ai xem cũng cười lăn. 

Anh đã “lây” sự hồn nhiên, lối sống thuận tự nhiên, thích đùa giỡn của chị - “không phải vì già mà không chơi, chính vì không chơi riết mới bị già”. Chị và các hoạt động trải nghiệm mỗi ngày đã đánh thức “đứa trẻ” trong anh. Anh dần bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài để cảm nhận được những điều từ trong sâu thẳm của mình. Con gái, con trai đã trưởng thành, đang sống, làm việc, học tập ở nước ngoài lâu ngày về thăm, ngỡ ngàng trước sự thay đổi của ba, “như thể có một ba mới”. 

Quy luật bù trừ, âm dương hút nhau thường được đề cao, nhưng anh chị cảm nhận rằng lấy người chồng, người vợ có thể làm bạn của nhau, thì thích hơn là để… hút nhau. Tốt nhất từ đầu đã coi nhau là bạn, trải qua những thăng trầm, tình bạn kia nâng cấp lên thành thân. Bạn thì có những sở thích chung, có cùng tần số, dễ tha thứ và dễ chấp nhận nhau hơn. 

Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI