Kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

Tổ thì ấm và mẹ thì... tuyệt

01/06/2021 - 11:46

PNO - Tôi đã học và thay đổi, điều chỉnh mới đồng hành với con được như ngày nay. Phải trả giá nhiều để tôi hiểu yêu thương là vô điều kiện như suối nguồn với sứ mệnh tuôn chảy mãi, tỏa đi dòng nước mát trong vậy thôi.

Tôi chủ động kết nối với chị khi nhìn thấy giấy chứng nhận “Người mẹ tuyệt vời” do cô con gái út, học lớp Năm, cấp cho chị. Nét chữ ngây thơ nhưng các họa tiết khá sắc sảo và câu chữ thì hài hước khiến ai đọc cũng tủm tỉm cười.

Trong trăm ngàn bằng cấp, huân chương, huy hiệu trên đời, có cái nào thiêng liêng và cao quý như thế với một người mẹ? 

Một bàn tròn ngẫu hứng được tạo nên giữa tôi, cô út Minh Bống (Dư Minh Yến) và Người mẹ tuyệt vời (tôi gọi chị như thế dù đã biết tên chị là Đặng Thị Thu Hà, một kế toán viên sống ở TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Giấy chứng nhận “Người mẹ tuyệt vời” của bé Minh Bống
Giấy chứng nhận “Người mẹ tuyệt vời” của bé Minh Bống

Phóng viên: “Người mẹ tuyệt vời” danh hiệu thật hiếm, để được trao chứng nhận này chắc khó lắm hả Minh Bống? Con có thể “bật mí” tiêu chuẩn để cô ráng phấn đấu...

Minh Bống: Dạ dễ lắm cô! Thứ nhất: cô phải là một người mẹ (điều này là tất nhiên rồi). Thứ hai: khi đã là một người mẹ thì cô chăm sóc con cô, cũng là tất nhiên luôn. Nếu cô bận thì cũng không sao hết nhưng lúc rảnh rỗi, cô quan tâm con của cô thì vẫn được chứng nhận đó, đây là điều thứ ba. Chỉ đơn giản ba điều vậy thôi. Như nhà con, con đợi mẹ về ăn cơm, con tích lũy câu hỏi để mẹ trả lời, ăn hết bữa cơm thì câu hỏi cũng vừa hết. 

Người mẹ tuyệt vời: Nhiều khi tôi đi làm về mệt quá, không trả lời hết các câu hỏi của con một cách chuyên tâm, nhiệt tình. Tôi trả lời cho có, tìm cách lảng tránh được câu nào hay câu đó, không để hao phí thêm sức lực nữa nhưng rồi vẫn được con chấp thuận, cho qua. Tôi nghĩ hiếm có ban tổ chức giải thưởng nào mà dễ dàng và rộng lượng như công ty của Chủ tịch Minh Bống. 

* Các bé nhà mình từng ước điều gì cho gia đình?

Người mẹ tuyệt vời: Minh Bống từng viết thư cho ông già Noel xin được sử dụng thiết bị công nghệ. Chị của Minh Bống cũng từng đấu tranh để em được sử dụng điện thoại với thời gian nhiều hơn, đưa quyền lợi được sử dụng điện thoại vào điều khoản thưởng phạt. Với tôi, sử dụng điện thoại thông minh là xu thế nhưng tôi muốn con dùng hạn chế, sợ con còn nhỏ tuổi, chưa biết sàng lọc thông tin. 

Minh Bống: Con ước mơ quá nhiều cho tương lai của bản thân đến nỗi bạn con khuyên “bớt mơ tưởng, đi xa quá rồi”. Có đợt biết mẹ thích mua nhà, con phụ để dành tiền. Đến khi con cho mẹ biết số tiền đã tiết kiệm được thì mẹ nói con để dành... 500 năm nữa sẽ đủ. Con thấy lâu quá nên tạm thời quên mục tiêu này. Còn về không khí gia đình con thì như thế này được rồi, không ước gì thêm.

Ở tuổi này, bạn con cũng ước đủ kiểu. Có bạn ước vui vui là mình thông minh sẵn, ngay từ khi chào đời đã có cái não tương đương học lớp 12; có bạn ước hơi buồn mong bố mẹ biến mất trên đời. Trò chuyện, con mới biết có điều ước kỳ quặc như vậy do bạn là “siêu quậy” còn bố mẹ bạn lại là “phụ huynh cứng” thường la mắng, đánh đập. 

Con khuyên bạn rằng, thật ra bố mẹ thương bạn nhiều lắm: đưa rước bạn đi học nè, mua đồ cho ăn nè, chăm sóc bạn nè. À, nhắc điều này con mới nhớ, con ước mẹ đừng trở lại như xưa, mẹ mà như xưa là con... “banh” rồi đó! (cười) 

* Nói vậy, thì ngay với “người mẹ tuyệt vời”, danh hiệu này cũng không có sớm từ buổi đầu làm mẹ?

Người mẹ tuyệt vời: Tôi từng đánh con và tôi đã khóc trước con. Những sóng gió, bĩ cực, sự đơn độc của người đàn bà phải gồng gánh các con sinh rất sát nhau (gần như sinh đôi) khiến tôi ức chế, có khi như rơi vào bế tắc, mẹ con thường xuyên gây áp lực cho nhau.

Tình yêu thương vô tình trở thành kỳ vọng và nỗi sợ hãi “không lo tròn cho con”, kỳ vọng và sợ hãi vô tình trở thành sự thúc ép. Có khi con không nói ra nhưng tỏ thái độ bức bối, đối đầu khiến mình ngầm hiểu con trách mẹ không tâm lý, tương tác mẹ - con không theo mong muốn của con.

Sự lo lắng, bất an của mẹ truyền sang con và ngược lại khiến chiếc thuyền gia đình chòng chành, chao đảo. Tôi cố gắng để bản thân mình vất vả thế nào cũng không làm cuộc sống của các con bị xáo trộn. 

Tôi đã học và thay đổi, điều chỉnh mới đồng hành với con được như ngày nay. Phải trả giá nhiều để tôi hiểu yêu thương là vô điều kiện như suối nguồn với sứ mệnh tuôn chảy mãi, tỏa đi dòng nước mát trong vậy thôi.

Từ đó tương tác mẹ - con dịu đi và trở thành bạn của nhau lúc nào không biết. Con mở lòng, tâm sự đủ thứ chuyện. Không đợi đến ngày đặc biệt, các con, nhất là bé út thích sáng tạo quà tặng mẹ: thiệp, tranh ảnh, quyển sổ bé xinh bằng ngón tay...

Những khi tôi về đến nhà, một cảm giác đầm ấm, thân thương ùa vào lòng khi thấy chị em ngồi vẽ, cắt dán mô hình hoặc đánh cờ. Hoặc khi tôi về khuya, các chị em tự nhắc nhau vào phòng, cùng trôi vào giấc ngủ bình yên.

Chị Thu Hà bất ngờ với quà tặng con gái út thiết kế - hộp nến bằng giấy bên trong chứa quyển sổ lò xo đầy tranh vẽ và lời yêu thương
Chị Thu Hà bất ngờ với quà tặng con gái út thiết kế - hộp nến bằng giấy bên trong chứa quyển sổ lò xo đầy tranh vẽ và lời yêu thương

* Để thiết kế một ngôi nhà an lành cần những chất liệu gì, kết cấu như thế nào? Tiền đóng góp bao nhiêu trong sự vững chãi của ngôi nhà ấy? 

Người mẹ tuyệt vời: Ngôi nhà an lành phải có tình yêu thương, có sự nhượng bộ, có tâm lý - tâm trạng của các thành viên hòa hợp nhau. Vật chất rất cần, nhưng trẻ con đòi gì được nấy không ổn đâu ạ!

Món hàng đó chỉ là hiện vật được đáp ứng chứ không phải tình yêu thương của người lớn, cũng không phải hạnh phúc lâu dài của trẻ con. Nó còn khiến trẻ quen dần, lớn lên ỷ lại, sống phụ thuộc. 

Cha mẹ nào chẳng mong tạo môi trường an toàn cho con, nhưng cũng chưa chắc với con là thỏa đáng. Ngôi nhà chỉ an lành khi ai cũng được là chính mình, tự tin, tự chủ, cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực và ấm áp nhờ không khí tươi vui, thoải mái, được thấu hiểu, tôn trọng. 

Tôi mong lo cho con được học hành đầy đủ, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy kỹ năng “mềm” để vững bước trong tương lai.

Về tiền bạc, nên hài hòa “liệu cơm gắp mắm”. Đừng quá “gồng”, xênh xang giả tạo và đáp ứng nhu cầu không giới hạn của con; cũng đừng “thắt lưng buộc bụng” để con thiếu thốn kéo dài.

Ngày xưa kinh tế nhà tôi eo hẹp, khi gặp đồ chơi, bong bóng là con gái đầu lòng đòi mua. Không thể mua hoài, tôi thử dừng lại, để con chạy đến sờ vào đồ chơi một chút, lát sau con thỏa mãn, hết mè nheo sẽ vui vẻ theo chân mẹ 
đi tiếp... 

* Xin cảm ơn và chúc gia đình luôn vui khỏe, hạnh phúc! 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI